Địa bàn thành phố Hải Phòng có 2 tuyến luồng hàng hải chính là luồng hàng hải Hải Phòng và luồng hàng hải Phà Rừng. Trong đó, luồng hàng hải Hải Phòng có vị trí đặc biệt quan trọng, liên quan mật thiết đến quá trình phát triển cảng từ Lạch Huyện đến sông Cấm. Việc nạo vét, duy tu luồng, duy trì độ sâu của luồng cho tàu ra vào cảng an toàn, thuận lợi là yêu cầu đáp ứng sự phát triển ngày càng lớn mạnh của cảng biển Hải Phòng.
Đưa độ sâu luồng về chuẩn tắc
Cảng biển Hải Phòng trải dài từ Lạch Huyện đến sông Cấm, qua khu vực đảo Cát Hải, Đình Vũ có 5 cửa sông. Hằng năm, từ các cửa sông, cửa biển, lượng phù sa theo vào lên đến hơn 1 triệu m³, khiến luồng tàu bị sa bồi, độ sâu của luồng bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này dẫn đến tình trạng tàu lớn ra vào hệ thống cảng biển rất khó khăn. Đáng chú ý là từ thời điểm tháng 6 đến cuối năm, Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi lũ và các cơn bão, lượng phù sa đổ về càng nhiều, luồng tàu bị giảm độ sâu. Vì thế, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức đo độ sâu và công bố độ sâu theo từng đoạn luồng, vừa phục vụ cho công tác dẫn tàu của lực lượng Hoa tiêu hàng hải, vừa giúp các doanh nghiệp cảng tính toán để tiếp nhận tàu.
Tổng giám đốc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc Đồng Trung Kiên cho biết, năm 2023, Tổng Công ty được giao thực hiện nạo vét duy tu 8 tuyến luồng, trong đó tại địa bàn thành phố Hải Phòng có 4 tuyến luồng, gồm 2 tuyến được chuyển tiếp từ năm 2022 là đoạn kênh Hà Nam-Bạch Đằng và duy tu đoạn Lạch Huyện; 2 công trình thực hiện năm 2023 gồm thi công đoạn Lạch Huyện và nạo vét kênh Cái Tráp. Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện nạo vét, duy tu luồng không phải là kinh phí, phương tiện mà là việc xác định địa điểm đổ chất nạo vét. Song với sự hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng thành phố Hải Phòng, các dự án đang tiến triển tốt. Sau khi hoàn thành xong các dự án nạo vét luồng trên địa bàn thành phố Hải Phòng (dự kiến trong năm 2023), độ sâu của luồng được đưa về chuẩn tắc, hỗ trợ các doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp vận tải phát triển sản xuất-kinh doanh.
Theo tính toán của tư vấn chuyên gia Nhật Bản về luồng Hải Phòng đạt chuẩn tắc, đoạn Lạch Huyện từ phao số 0 đến cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng độ sâu đạt khoảng âm 14 đến âm 12,5m; đoạn Lạch Huyện kênh Hà Nam độ sâu từ âm 7,2m đến 7,0m; từ khu vực Đình Vũ hướng về thượng nguồn sông Cấm, độ sâu giảm dần từ âm 7m đến khoảng âm 5m. Để duy trì độ sâu chuẩn tắc này, hàng trăm tỷ đồng được Bộ Giao thông Vận tải chi để thực hiện nạo vét hằng năm, tuy nhiên không phải lúc nào độ sâu luồng cũng đạt chuẩn tắc. Năm 2021, Công ty TNHH Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) phải gửi văn bản “kêu cứu” đến Bộ Giao thông Vận tải vì luồng Lạch Huyện bị sa bồi, chỉ còn độ sâu khoảng âm 8-9m, so với âm 14m như thời điểm ban đầu. Phải đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, đoạn luồng này mới được duy tu xong để trở về hiện trạng ban đầu. Nhờ đó, TC-HICT tiếp tục đón tàu lớn vào cảng, trong đó đón thành công tàu Wan Hai A07 có trọng tải khoảng 144.500 DWT, là tàu có trọng tải lớn nhất vào khu vực cảng biển Hải Phòng.
Cần những cơ chế mới
Do luồng tàu Hải Phòng bị sa bồi quanh năm, nên hằng năm, cùng với các dự án kéo dài, cần có thêm các dự án nạo vét từng đoạn luồng và được triển khai từng phần. Mặt khác, mỗi lần thực hiện dự án là một lần thực hiện các thủ tục, nhất là báo cáo đánh giá tác động môi trường và bàn giao khu vực để giải quyết chất nạo vét. Do đó nhiều dự án tuy được lập từ đầu năm, phải đến quá giữa năm mới thực hiện được, thậm chí phải chuyển tiếp sang năm sau, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp cảng khó khăn trong việc tiếp nhận tàu, nhất là những tàu cỡ lớn. Vì vậy, cần có cơ chế mới trong thực hiện các dự án nạo vét luồng tàu để bảo đảm luồng luôn đạt chuẩn tắc, không gây khó khăn cho các doanh nghiệp cảng.
Trước những vướng mắc, khó khăn về thực hiện các dự án nạo vét, cách đây 10 năm, vào năm 2013, Bộ Giao thông Vận tải cho phép thực hiện thí điểm duy tu luồng tàu theo cơ chế trọn gói trong 2 năm liên tiếp. Cơ chế này cho phép các đơn vị quản lý luồng liên tục đo độ sâu của các tuyến luồng, nếu khu vực nào bị sa bồi sẽ tổ chức nạo vét ngay, khu vực đổ thải cũng luôn sẵn sàng. Do đó, trong 2 năm 2013-2015, nhờ luồng tàu luôn đạt độ sâu chuẩn tắc, Hải Phòng bứt phá mạnh mẽ về hiệu quả hoạt động cảng biển. Sau nhiều năm, đến nay cơ chế nạo vét của giai đoạn mới được thực hiện trở lại, tuy nhiên lại ách tắc về khu vực đổ chất nạo vét, doanh nghiệp thực hiện lại loay hoay thực hiện từng phần, giống như thực hiện theo từng dự án, tiếp tục dẫn đến việc chậm trễ khi triển khai.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, nếu đồng bộ từ thực hiện dự án nạo vét trọn gói kết hợp với khu vực đổ chất nạo vét trong từ 2-5 năm, chắc chắn luồng tàu vào cảng biển Hải Phòng sẽ luôn đạt chuẩn tắc, bảo đảm đón được tàu lớn. Căn cứ theo độ sâu của luồng tàu, các doanh nghiệp cảng biển Hải Phòng sẽ dễ dàng phối hợp các hãng tàu lựa chọn những con tàu phù hợp cập cảng; chủ động lên kế hoạch tính toán nhân lực, thiết bị bốc xếp hàng hóa, giúp tiết kiệm chi phí…/.
Mai Lâm