Về xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Bảo) sáng sớm một ngày giữa tháng 11 theo lời mời gọi của câu ca: “Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mồng năm”. Trên con đường khấp khểnh từ trụ sở UBND xã ven đường 10 đến vùng rươi rộng lớn phía hữu ngạn sông Thái Bình, chỉ tay về hướng những ao đầm mênh mông trắng xóa màu nước mới, ông Vũ Trọng Quảng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, tự tin: “Hôm nay nước lên, trời ấm, gió Đông, lác đác “mưa mở lỗ rươi”, theo kinh nghiệm dân gian trong vùng, chắc chắn rươi sẽ nổi!”.
Theo lời ông Quảng, trước đây, cả vùng đồng ruộng ngoài đê phía hữu ngạn sông Thái Bình của xã do người dân khai hoang, cấy lúa hay nuôi trồng thủy sản, hiệu quả kinh tế kém. Khoảng hơn 15 năm trước, vài hộ thuê đất quây bãi cải tạo đồng ruộng, ao đầm thành ruộng rươi. Không phụ lòng người, đến vụ, rươi nổi đầy ruộng. Tiền bán rươi thu được gấp 5-7 lần so với cấy lúa, thả cá. Từ vài hộ ban đầu, đến nay, cả vùng có hơn 200 hộ làm nghề rươi với tổng diện tích hơn 40 ha. Hộ ít 3-4 sào, hộ nhiều trên dưới 10 mẫu ruộng rươi. Năm 2019, nghề rươi đem lại nguồn thu hơn 15 tỷ đồng cho các hộ…
Câu chuyện về con rươi, về nghề rươi miên man trong gió Đông bỗng bị ngắt quãng bởi tiếng reo “Rươi!. Rươi!. Rươi nổi kìa!”. Cả vùng mặt nước vốn yên tĩnh, thi thoảng sóng sánh bởi gió, bỗng xáo động bởi hàng nghìn, hàng vạn con rươi cùng nhau nổi. Có con vội vàng phi “như tên lửa” tìm đường ra sông thực hiện thiên chức thiêng liêng duy trì nòi giống. Nhiều con thảnh thơi, chậm rãi di chuyển, dập dềnh theo nhịp sóng nước. Thi thoảng bắt gặp những con rươi màu xanh xám trồi lên, hụp xuống hệt vận động viên bơi lội đường dài.
Ghé ruộng rươi của gia đình anh Lê Văn Long, ở thôn Đông Hồng, xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Bảo) giữa lúc anh Long đang chuẩn bị săm để đọn rươi. Anh Long chia sẻ: “Năm nay mất mùa, toàn rươi “kim chỉ”, chỉ to bằng 1/3, 1/4 so với những vụ trước. Thêm nữa, nước sông có độ mặn cao, rươi chạm tướt 10 con thì vỡ đến 3-4. Vì thế, con nước trước (dịp 20-9 âm lịch), ruộng rươi rộng hơn 7 mẫu của gia đình tôi chỉ thu được hơn 10 kg rươi. Con nước này (dịp 5-10 âm lịch), thu được 10 kg là may mắn!”.
Hơn 15 năm trước, khi quần quật với mấy mẫu lúa, dù chăm chỉ đến mấy cũng chỉ đủ ăn, anh Long bàn với gia đình thuê hơn 7 mẫu bãi bồi ngoài đê của xã cải tạo thành ruộng rươi (hiện giá thuê đất 50kg thóc tẻ/sào/năm). Trong 2-3 năm đầu, bao tiền của đổ xuống đắp bờ, cải tạo để đất tơi xốp trôi theo dòng nước xuống sông Thái Bình khi mỗi vụ rươi, chỉ thu được vài ba chục kg. Giữa lúc gia đình anh Long phân vân “cố đấm ăn xôi” hay trả ruộng, đoạn tuyệt với nghề rươi, bỗng vụ ấy rươi nổi đỏ mặt nước. Suốt từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 12 âm lịch, con nước nào cũng đọn đầy, đọn vơi.
Theo lời anh Long và các bậc cao niên trong vùng, trước kia, rươi có ở nhiều nơi, từ bãi bồi ven sông ngoài đê đến ruộng đồng trong đê. Khi ấy, mỗi khi đến vụ rươi nổi, người người, nhà nhà lại hò nhau đem rổ, rá, xô chậu vớt rươi. Được ít cũng đủ làm đĩa chả rươi. Nhiều thêm món kho, nấu riêu, nấu thuyền chài. Từ khi người dân sử dụng tràn lan phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, rươi ngày càng ít. Sau này, các hộ làm nghề quây ruộng rươi trồng 1 vụ lúa cải tạo đất, không dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, rươi dần trở lại. Trước kia, rươi là món ăn dân dã, quê mùa, mỗi thúng rươi “đổi ngang” chỉ được 2-3 thúng thóc. Khoảng 15 năm trở lại đây, rươi thành thứ đặc sản được thương lái săn đón, người tiêu dùng ưa chuộng, có khi 1-2 kg rươi bán đi mua được cả tạ thóc. Vì thế, người làm nghề nâng niu, chăm chút rươi chẳng khác gì con mọn.
Không chỉ người dân xã Vĩnh An, mà nhiều hộ làm nghề rươi ở các xã khác ở huyện Vĩnh Bảo, như: Giang Biên, Trấn Dương, Tân Liên, Thắng Thủy… cũng như các vùng rươi ở các huyện: Kiến Thụy, Tiên Lãng, An Lão… có được đời sống no ấm nhờ rươi. Rươi đúng hẹn lại nổi kín ruộng, dù đôi khi đỏng đảnh, hờn dỗi. Đáp lại, người làm nghề rươi “hết lòng, hết dạ” với rươi. “Bao năm làm nghề, tôi thấy, rươi là “lộc trời”. Mình chăm chỉ, hết lòng với nghề, rươi chẳng bao giờ phụ mình. Vụ rươi năm 2018, gia đình tôi thu về hơn 300 triệu đồng tiền bán rươi. Thế nhưng, vụ rươi năm 2019, thu chưa được 50 triệu đồng. Để gọi rươi về, đầu năm 2020, gia đình tôi bỏ ra số tiền hơn 140 triệu đồng cải tạo ruộng. Vụ này rươi nổi nhiều hơn hẳn vụ trước, chỉ buồn là rươi nhỏ quá”, anh Long tâm sự.
Rươi được giá, một số hộ làm nghề “láu cá” thêm vào ruộng rươi thức ăn công nghiệp, chất thải của gà, phân bón vi sinh để đất tơi xốp, rươi về nhiều, to con. Thế nhưng, vụ sau rươi nổi ít hẳn, thậm chí, ở nhiều ruộng, rươi biệt tăm. Vì thế, người làm nghề bảo nhau, tốt nhất “thuận theo tự nhiên”. Tháng Giêng cày lật đất, vùi rơm rạ để đất thêm tơi xốp. Tháng 2, tháng 3 nếm nước sông thấy nhạt, nhiều bọt vàng, là tháo cống đón trứng rươi. Năm nào nhuận, cầm chắc rươi về nhiều. Năm nào măng mọc giữa bụi tre như năm nay, rươi không chỉ nhỏ con, mà còn nhiều bão lũ…
Chia tay lúc đầu giờ chiều, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An Vũ Trọng Quảng nắm chặt tay khách: “Thời gian tới, UBND xã Vĩnh An đề xuất UBND huyện cho phép chuyển đổi diện tích cấy lúa, nuôi thủy sản hiệu quả kinh tế thấp sang ruộng rươi. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hộ làm nghề như kết nối với doanh nghiệp, cá nhân tiêu thụ, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi…”. Trong những đợt gió lạnh thổi ầm ù qua vành tai, thấy lòng ấm áp!.
BÀI VÀ ẢNH: KIM BÔI
Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…
UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND yêu cầu Sở Giáo dục và…
Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…
Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More