Văn hóa

Náo nức chuẩn bị lễ hội làng cá Cát Bà

Không chỉ là địa chỉ du lịch nổi tiếng, Cát Hải còn có rất nhiều lễ hội đặc sắc, tiêu biểu cho vùng đất đầy tiềm năng về lịch sử – văn hóa của thành phố Cảng. Trong đó, ấn tượng sâu sắc nhất được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến là Lễ hội làng cá 31/3.

Màn pháo hoa chào mừng sự kiện Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm làng cá tại Cát Bà (Ảnh: Nguyễn Hồng Phong)

Với quy mô lớn cấp huyện, Lễ hội do Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tổ chức. Đây là sự ghi nhớ sự kiện ngày 31/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Cát Hải, Cát Bà để thăm hỏi, động viên bà con ngư dân trong công việc chài lưới, làm chủ biển trời quê hương. Từ đó đến nay, ngày 31/3 hàng năm đã trở thành ngày hội lớn của huyện đảo và cũng đúng Ngày Truyền thống của ngành Thủy sản Việt Nam 1/4, đồng thời là ngày khai trương mùa du lịch Cát Bà.

Lễ hội được tổ chức xuyên suốt nửa cuối tháng Ba, gồm 2 phần chính là phần lễ và hội. Phần lễ gồm ba nội dung là: Lễ kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm làng cá, khai trương du lịch Cát Bà và lễ cầu ngư ra quân vụ cá Nam. Phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi gồm biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa vùng miền, giải bóng đá, bóng chuyền, đặc biệt là Hội đua thuyền rồng truyền thống.

Đáng nói, đặc điểm nổi bật trong văn hoá dân gian của người miền biển là ngày hội xuống nước ở các làng chài, cùng nhiều trò chơi gắn liền với việc đánh bắt thủy sản. Ngày nay, những trò vui chơi, thi đấu trên sóng biển ở đảo Ngọc trở thành một nét văn hoá rất riêng. Đặc biệt, dân đi biển Cát Bà, Cát Hải thường tổ chức đua thuyền rồng khi kết thúc vụ cá Bắc, mở đầu vụ cá Nam. Hình ảnh những chiếc thuyền hình thoi, đầu rồng, sơn son thiếp vàng rực rỡ, trên khoang chở trên 20 thanh niên trai tráng khỏe mạnh, rẽ sóng vươn mình lao vun vút trên mặt biển đã thu hút rất nhiều du khách thập phương. Hội đua thuyền không chỉ là một trò chơi đơn thuần, nó còn là sự khẳng định trí tuệ, sự khéo léo, sự đoàn kết cộng đồng và sức mạnh dẻo dai của con người trong quá trình bảo vệ và chinh phục biển cả.

Ngoài cuộc đua thuyền rồng đầy khí thế, sôi nổi và hào hứng từ phút ban đầu đến phút cuối, trong khuôn khổ lễ hội còn có thêm các trò thi phối hợp, biểu diễn lướt ván, đua thuyền thúng của cư dân miền Duyên hải, miền Trung. Điều đặc biệt nữa là, loại hình thi đấu kéo co và múa rồng trên biển. Người tham gia được chia làm hai bên, nắm chắc dây co mà kéo. Trong các cuộc thi kéo co trên biển nhiều năm gần đây, đội chủ nhà Cát Bà thường vượt trội trước các đội bạn.

Khi đêm về, Cát Bà trong những ngày lễ hội luôn lung linh sắc đèn, kết hợp với những màn pháo bông đầy màu sắc. Ánh sáng sân khấu hiện đại là những chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề theo từng năm, được tổ chức với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đến từ mọi miền, cống hiến cho người xem những bài hát, điệu múa dạt dào, sâu lắng về biển, đảo Cát Bà thân yêu cùng những giai điệu tình yêu trẻ trung, sôi động để bắt đầu cho mùa du lịch mới đầy khí thế.

Những ngày này, trên khắp huyện đảo đang dấy lên một bầu không khí tươi mới đầy sôi động cho một mùa hội mới. Đảo xinh đẹp sẽ tạm thay chiếc áo màu xanh yên bình bằng sắc đỏ của cờ hoa rực rỡ và những dòng người đổ về dự hội.

Nhiều sự kiện văn hoá, thể thao sôi nổi
Các chương trình nghệ thuật đặc sắc
Sôi nổi Giải đua thuyền rồng

Lan Phương

 

 

Tin khác

Giám đốc CATP khen thưởng Công an huyện Thủy Nguyên lập công trên mặt trận phòng chống tội phạm ma túy

Sáng 16/5, Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP trực…

16/05/2024

Giới trẻ “xuyên không” hóa thân thành công chúa, quý phi ở Bảo tàng Hải Phòng

Bảo tàng Hải Phòng đang thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt…

16/05/2024

Tăng cường các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết

Thời gian gần đây, tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tình hình dịch…

15/05/2024

Chính thức ra mắt Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam thành phố Hải Phòng

Ngày 3/4/2024 tại Trung tâm Văn hóa thành phố, Quỹ Hỗ trợ và Bảo tồn…

15/05/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More