Sáng 4/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức “Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.”
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Việc chống dịch như chống giặc, cần huy động các cấp, các ngành cùng vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh có hiệu quả.”
Nhiều bất cập trong chống dịch
Theo Cục Thú y, từ đầu tháng 2/2019, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên, chỉ sau hơn một tháng, dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện tại 7 tỉnh, thành phố ở phía Bắc.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, sở dĩ dịch bệnh lây lan nhanh là do còn có nhiều bất cập trong triển khai phòng, chống dịch bệnh. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tại Việt Nam, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.
Tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.
Một nguyên nhân quan trọng khác là do giá hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay là 38.000 đồng/kg lợn hơi, thấp hơn so với giá thị trường; nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng/kg; thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng; thủ tục hỗ trợ vướng vì quy định người chăn nuôi phải đăng ký và có xác nhận của chính quyền, nhưng thực tế các nội dung này không khả thi vì hiện cả nước có hàng triệu hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và hầu hết các hộ chăn nuôi không khai báo, đăng ký khi nuôi lợn.
“Thủ tục hỗ trợ mất nhiều thời gian, người dân bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bệnh, không báo cho chính quyền và cơ quan thú y,” ông Tiến nói.
Cùng với đó, từ cuối năm 2018 đến nay, nhiều địa phương thực hiện việc sáp nhập cơ quan thú y cấp tỉnh thành trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp; cơ quan thú y cấp huyện được sáp nhập thành trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp nhưng việc triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật bị trì trệ, không hiệu quả, có nhiều bất cập như không tổ chức chủ động giám sát, kịp thời nắm bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh; không tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng; không triển khai tiêm phòng vắcxin…
Để tránh dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh, tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các cấp, ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi nghiêm túc thực hiện hiệu quả Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.
“Các cấp, ngành theo chức năng được phân công phải xắn tay áo vào cuộc, cử cán bộ, cung cấp phương tiện, có biện pháp hướng dẫn hành động kịp thời. Ví dụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thanh toán kịp thời cho các địa phương; Bộ Thông tin và Truyền thông phải tuyên truyền mạnh mẽ vấn đề này, không để người dân quá lo lắng về bệnh này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ vận chuyển lợn đường dài, nhất là khu vực có dịch bệnh.
Nâng mức hỗ trợ cho người chăn nuôi
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết, đến nay, thành phố Hải Phòng đã chủ động cấp 4 tỷ đồng để mua bổ sung hoá chất, hỗ trợ hộ gia đình, phòng chống dịch.
Hiện nay, dịch mới chỉ xuất hiện tại các nông hộ, gia trại chưa có điều kiện chăn nuôi công nghệ cao. Còn đối với các doanh nghiệp đã áp dụng chăn nuôi công nghệ cao thì chưa xuất hiện dịch.
Ông Tùng cũng kiến nghị, năm 2017, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn mức hỗ trợ tiêu huỷ 38.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thị trường hiện nay khoảng từ 43.000-45.000 đồng/kg, mức hỗ trợ này tương đối ổn.
Tuy nhiên, quy định trước chưa tách hỗ trợ với lợn nái. Theo thống kê của thành phố Hải Phòng, lợn nái chiếm khoảng 10% tổng lợn đàn (giá 150.000 đồng/kg).
Do đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ nên bổ sung tiêu chí này để hỗ trợ cao hơn. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh mức hỗ trợ tham gia phòng, chống dịch để đạt hiệu quả.
Liên quan đến mức hỗ trợ cho đàn lợn bị tiêu hủy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý nâng mức hỗ trợ lên 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp từ 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy, bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của Ủy ban Nhân dân cấp xã vì không khả thi.
Chia sẻ về kinh nghiệm phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, ngày 24/2 dịch xảy ra ở Ngọc Thụy, Long Biên trên đàn lợn rừng.
Ngay lập tức, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố và quận Long Biên đã xử lý tiêu huỷ đúng quy trình, hoàn toàn triệt để.
Hà Nội có gần 2 triệu con lợn và hơn 10 vạn hộ sản xuất chăn nuôi, nhỏ lẻ, chiếm 60%. Thành phố Hà Nội cũng giáp 8 tỉnh, thành có nhiều trục lộ vào thành phố nên việc kiểm soát cần phối hợp chặt chẽ.
Theo ông Nguyễn Văn Sửu, thành phố Hà Nội đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, tuyên truyền để người dân hiểu rõ về dịch. Vận động bà con nông dân cùng vào cuộc.
Chốt kiểm dịch thành phố cũng tăng cường tại các cửa ngõ, tuyến đường, giám sát chặt tại các cơ sở, khi phát hiện xử lý ngay, triệt để, đồng thời phát động tổng tẩy uế môi trường vệ sinh toàn thành phố.
“Vài ngày nữa, Hà Nội sẽ tổ chức diễn tập, chuẩn bị đầy đủ hoá chất, vật chất, thiết bị, khi xảy ra dịch sẽ hỗ trợ ngay cho bà con. Chúng tôi sẵn sàng lấy kinh phí dự phòng để hỗ trợ ngay cho bà con bị thiệt hại; Kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợn chết bị ném ra kênh mương…,” ông Sửu nhấn mạnh.
Là địa phương đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, Bí thư tỉnh uỷ Thái Bình, Nguyễn Hồng Diên cho hay, hiện Thái Bình đã có kịch bản phòng, chống dịch bệnh chung. Nếu phát hiện sớm và thực hiện đồng bộ các giải pháp thì sẽ khống chế tốt được dịch bệnh.
Ông Diên cũng kiến nghị, Chính phủ tiếp tục giúp các địa phương triển khai rộng rãi và quyết liệt vùng có dịch; đồng thời hỗ trợ kinh phí để phục vụ việc giết mổ đàn lợn; bổ sung cơ chế hỗ trợ phòng chống dịch ở địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xây dựng ban hành kịch bản khi dịch xảy ra trên diện rộng, trên cơ sở đó, các địa phương xây dựng kịch bản. Đồng thời sớm ban hành hướng dẫn chuyên môn cho giết mổ, tiêu thụ lợn, kiểm soát dịch; hướng dẫn mẫu xác minh dịch bệnh với những hộ chăn nuôi xuất bán đàn lợn tới kỳ…/.
Theo thông tin từ Ban An toàn giao thông TP Hải Phòng, khoảng 20h09 ngày…
Kỳ họp bất thường của Quốc hội tới đây sẽ xem xét 7 nội dung…
Sáng 7.1, Hội đồng Anh và IDP đồng loạt cho biết sẽ 'chuyển đổi sang…
UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch 149/KH-BCH về triển khai công tác bảo…
Vào khoảng 14 giờ 30 ngày 6/1, một đám cháy bùng phát tại khu vực…
Cơ quan khí tượng dự báo khoảng ngày 8.1, một đợt không khí lạnh sẽ…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More