Print Thứ năm, 27/10/2022 10:05 Gốc

Sáng 27/10, tại khách sạn Công đoàn Hải Phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức khai mạc Hội nghị tập huấn đối thoại, tham vấn ý kiến của công nhân và cán bộ công đoàn về chính sách, pháp luật an sinh xã hội.

Tham dự Hội nghị gồm đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, điều phối viên quốc gia Chương trình An sinh xã hội-Tổ chức Lao động Quốc tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cùng đại diện 18 tỉnh/thành, ngành, đoàn thể trung ương.

Quang cảnh Hội nghị.

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 27-28/10, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tham gia xây dựng chính sách pháp luật của tổ chức Công đoàn về lĩnh vực Bảo hiểm xã hội; tăng cường tập huấn, trực tiếp trao đổi với cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, nhất là đối tượng làm công tác chính sách pháp luật, người lao động trực tiếp tại doanh nghiệp trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

Đồng chí Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách luật pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cung cấp thông tin.

Tại đây, các đại biểu được cung cấp thông tin về chính sách Bảo hiểm xã hội và bảo vệ quyền lợi cho người lao động; công tác an sinh xã hội, các tiêu chuẩn quốc tế và thách thức mở rộng an sinh xã hội tại Việt Nam; tiêu chuẩn lao động quốc tế về bảo vệ quyền của người lao động khi thất nghiệp và những vấn đề ở Việt Nam; định hướng những nội dung lớn trong dự kiến sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận về thực tiễn thi hành chính sách Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian qua; các tiêu chuẩn quốc tế về Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp, thực tiễn nội luật hóa trong các quy định của pháp luật hiện nay; những khoảng trống trong chính sách Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp, đề xuất để hoàn thiện chính sách; góp ý đối với các nhóm chính sách trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Ông Nguyễn Hải Đạt, Tổ chức Lao động Quốc tế cung cấp thông tin.

Theo đó, hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam thực hiện 4 chức năng: Phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro, khắc phục rủi ro và cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân. Ước đến hết tháng 9/2022, cả nước có hơn 17,2 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội (tăng 697 ngàn người so với năm 2021); hơn 14 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp; hơn 87,5 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế (đạt tỷ lệ 88,3% bao phủ dân số). Hiện nay, tổng số tiền chậm đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp lên tới 21.432 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 5% so với số phải thu), điều đó gây một số thiệt hại cho người lao động. Chính sách Bảo hiểm xã hội nói chung, nhất là Bảo hiểm xã hội hưu trí còn nặng về đóng-hưởng, nhẹ về chia sẻ dẫn đến phân hóa về lương hưu khá lớn; chính sách Bảo hiểm xã hội chưa thực sự linh hoạt, hấp dẫn, còn có sự bất bình đẳng giữa khu vực nhà nước với khu vực ngoài nhà nước…

Do đó, mục tiêu phải cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội được đặt ra theo Nghị quyết 28-NQ/TW là cải cách để Bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu Bảo hiểm xã hội toàn dân. Đồng thời phát triển hệ thống Bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhâp quốc tế theo nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Đồng chí Bùi Thị Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng phát biểu.

Sau phiên làm việc tại hội trường, ngày mai, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế thực hiện khảo sát lấy ý kiến cán bộ công đoàn và người lao động tại khu công nghiệp thành phố Hải Phòng.

Hồng Nhung. Ảnh: Đàm Thanh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Nâng cao hiệu quả về việc thực hiện chính sách, pháp luật an sinh xã hội cho người lao động
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác