Print Thứ Bảy, 26/01/2019 20:11

6 tháng đầu năm, cơ quan có thẩm quyền thành phố phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm hành chính (VPHC), góp phần bảo đảm trật tự kỷ cương của xã hội. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) còn một số bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả, cần sớm khắc phục.

Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm giao thông đường bộ.

Triển khai nhiều lĩnh vực

Trưởng Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (THPL) Sở Tư pháp Trần Đức Huấn cho biết: Năm 2018, Sở Tư pháp tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện công tác quản lý THPL về XLVPHC trên địa bàn thành phố. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trong việc tổ chức thực hiện; phổ biến, tuyên truyền; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Một số Sở, ngành và UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố ban hành kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện cho phù hợp với thực tế và yêu cầu của ngành hoặc địa phương.

Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn nghiệp vụ, tập huấn chuyên sâu pháp luật về XLVPHC. Thường xuyên cập nhật, phổ biến văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến XLVPHC thông qua việc lồng ghép tại các cuộc họp, giao ban, thanh tra, kiểm tra; đăng tải quy định liên quan đến XLVPHC trên Phụ trương pháp luật thành phố đính kèm với Báo Hải Phòng hằng ngày; Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị… Các Sở, ngành thường xuyên phối hợp với các quận, huyện tổ chức tuyên truyền, cung cấp thông tin, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp về XLVPHC thuộc lĩnh vực quản lý đến người dân; cử cán bộ tham gia đầy đủ lớp tập huấn về công tác XLVPHC do Trung ương, thành phố tổ chức.

Theo số liệu thống kê cho thấy, hành vi VPHC trên địa bàn thành phố diễn ra chủ yếu trong các lĩnh vực, như giao thông, xây dựng, đất đai, môi trường, an toàn thực phẩm… Hình thức xử lý chủ yếu là phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, tịch thu tang vật, phương tiện hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Đơn cử, trong tuần từ 26-7 đến 1-8, Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an thành phố) kiểm tra, xử phạt 651 trường hợp (454 ô-tô, 197 mô-tô), vi phạm Luật Giao thông đường bộ, phạt tiền theo lỗi hơn 900 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2018, Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra 2.083 công trình, phát hiện 169 trường hợp vi phạm. Việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả phổ biến là buộc khôi phục tình trạng ban đầu, buộc tháo dỡ công trình xây dựng không giấy phép hoặc buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Gỡ vướng… từ quy định pháp luật

Từ thực tiễn công tác quản lý THPL về XLVPHC trên địa bàn thời gian qua, theo lãnh đạo, Phòng quản lý XLVPHC và theo dõi THPL: hoạt động XLVPHC còn có những hạn chế nhất định, chưa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Nhiều hành vi VPHC chưa được xử lý trên thực tế, còn bị “bỏ lọt”, mục đích phòng ngừa và đấu tranh nhằm hạn chế VPHC nói chung chưa đạt được như mong muốn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên như: Pháp luật về XLVPHC còn thiếu chế tài hoặc chế tài chưa đủ mạnh; cơ chế XLVPHC chưa chặt chẽ và chưa đáp ứng được yêu cầu trong thực tiễn… Đơn cử như trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Nghị định 178/2013/ NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ; mức phạt này thấp hơn chi phí tổ chức khám sức khỏe cho từ 10 đến 20 người, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm nên nhiều doanh nghiệp thường “trốn” tổ chức khám sức khỏe cho người lao động. Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định XPVPHC trong lĩnh vực y tế còn nhiều hành vi chưa được quy định mức XPVPHC. Như không có điều, khoản xử lý hành vi vi phạm không thực hiện cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ quan quản lý; không có quy định xử phạt hành vi bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi… Thực tế áp dụng một số lĩnh vực mức phạt tiền đối với từng hành vi còn chưa tương xứng với hậu quả, mức độ vi phạm như lĩnh vực an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, khoáng sản… Trong một số trường hợp, hình thức xử phạt bổ sung như, tịch thu tang vật, phương tiện VPHC nặng hơn hình thức xử phạt chính, dẫn đến người vi phạm từ bỏ tài sản, không chấp hành quyết định xử phạt.

Mới đây, UBND thành phố đề xuất Quốc hội và Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về XLVPHC; đầu tư trang thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất cho lực lượng thực thi công vụ, quản lý nhà nước về XLVPHC; sớm triển khai và đưa vào hoạt động cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC nâng cao chất lượng XLVPHC, góp phần bảo đảm hiệu lực quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước trong phát triển kinh tế và xã hội.

Bích Hà – Báo Hải Phòng 11/8/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: Bổ sung chế tài phù hợp thực tế
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác