Print Thứ sáu, 22/03/2019 11:21

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao (24-3), Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Phòng, Chủ nhiệm Chương trình chống lao thành phố Mạc Huy Tuấn có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hải Phòng chung quanh những giải pháp đột phá để tăng hiệu quả công tác phòng, chống lao tại Hải Phòng.

Xét nghiệm người bệnh tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Phòng. Ảnh: Đỗ Hiền

– Đề nghị đồng chí cho biết những khó khăn của Hải Phòng trong công tác phòng, chống lao hiện nay?

– Hải Phòng là một trong những địa phương có nguy cơ nhiễm bệnh lao lớn do thành phố có mật độ dân số cao, số người tiêm chích ma túy cao, đồng thời dịch HIV/AIDS lây nhiễm trong một bộ phận cư dân đã làm gia tăng các bệnh cơ hội, trong đó có bệnh lao. Trong khi đó, nguồn lực cho hoạt động chống lao chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Nhân lực cho hoạt động chống lao tuyến quận/huyện, xã/phường còn thiếu, một số nơi còn yếu. Thiết bị cho phát hiện người bệnh lao tại cơ sở chưa nhiều. Sự hiểu biết về bệnh lao trong người dân còn hạn chế dẫn đến tình trạng không đi khám bệnh, giấu bệnh hoặc tự điều trị không đúng. Số người nhiễm bệnh lao trong cộng đồng chưa phát hiện được còn trên 20%. Số trường hợp lao kháng đa thuốc phát triển nhanh (nằm trong tốp cao so với các địa phương trong cả nước), phát hiện chưa được kịp thời như mong muốn, lao kháng đa thuốc tiên phát chiếm tỷ lệ cao (29% năm 2018) trong tổng số người bệnh bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính phát hiện, người bệnh bỏ điều trị nhiều. Kiểm soát nhiễm khuẩn lao còn hạn chế. Các trường hợp lao/HIV phát hiện và quản lý điều trị phức tạp. Nhóm đối tượng này hay thay đổi địa chỉ (mất dấu) nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Một trong những khó khăn đặc thù của Hải Phòng trong công tác phòng, chống lao là phát hiện và điều trị lao cho người tạm cư. Hải Phòng có số lượng người tạm cư lớn từ nơi khác đến, chỗ ở không ổn định, khó quản lý và theo dõi việc tuân thủ điều trị bệnh lao, dẫn đến nguy cơ kháng thuốc. Đặc biệt, công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, trong đó có tuyên truyền phòng, chống bệnh lao chưa bao phủ đến các phòng y tế cơ quan, nhà máy và xí nghiệp, các khu công nghiệp, nơi ở trọ của công nhân, khiến việc chống lao của thành phố rất khó khăn

– Thành phố sẽ khắc phục những khó khăn này như thế nào để công tác phòng, chống lao đạt hiệu quả cao hơn?

– Trong thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục tăng cường công tác phát hiện bệnh lao trong cộng đồng và triển khai nhiều dự án như: Đầu tư trang thiết bị tiên tiến cho Bệnh viện Lao và bệnh phổi, các cơ sở chống lao quận, huyện. Nâng cao năng lực của cán bộ chống lao. Dự án Lao trẻ em tiếp tục triển khai; phòng, chống lao/HIV tiếp tục được tăng cường; điều trị lao kháng thuốc được đầu tư mạnh hơn… Việc cần quyết liệt thực hiện là tăng cường công tác truyền thông, huy động mọi nguồn lực, cùng với các cấp, các ngành, sự tham gia vào cuộc của cả cộng đồng trong công tác phòng, chống lao. Đưa các dịch vụ phòng, chống lao đến gần với người dân hơn.

Trong năm 2019, thành phố tiếp tục ưu tiên đặc biệt cho việc thực hiện dự án “Vì một thành phố không bệnh lao”- Zero TB Việt Nam (ZTV). Cùng với đó, ngành Y tế sẽ phối hợp các địa phương và Bảo hiểm xã hội vận động người bị bệnh lao và nguy cơ mắc bệnh lao mua thẻ BHYT vì từ năm 2019, BHYT chi trả cho chẩn đoán và điều trị lao, bao phủ thuốc điều trị thiết yếu cho người bệnh lao.

– Dự án “Vì một thành phố không bệnh lao” (ZTV) được thành phố tiếp tục triển khai như một giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lao. Đề nghị đồng chí cho biết hiệu quả bước đầu của dự án tại Hải Phòng và việc triển khai trong thời gian tới?

– Dự án ZTV triển khai tại Hải Phòng được hơn 1 năm qua, giúp thành phố chủ động phát hiện người bệnh lao trong số những người có nguy cơ mắc lao cao. Dự án đã tổ chức khám sàng lọc lao tại cộng đồng cho 18.572 người tiếp xúc người bệnh lao phổi và tiếp xúc cộng đồng tại 4 quận Lê Chân, Ngô Quyền, Hồng Bàng và Hải An, phát hiện được 159 người mắc lao đưa vào quản lý điều trị theo chương trình và 5 người bệnh bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, điều trị lao tiềm ẩn cho 32 người. Các cộng tác viên (cán bộ dân số hoặc y tế phường nơi người bệnh lao cư trú) đến tận nhà người bệnh lao để tư vấn, giúp đỡ những người trong gia đình tiếp xúc hằng ngày với người bệnh để động viên, giới thiệu họ đến cơ sở chuyên khoa lao để khám và xác định bệnh lao miễn phí. Các thiết bị chẩn đoán xác định bệnh lao hiện đại, nhanh và chính xác đạt chuẩn quốc tế được đặt ngay tại cơ sở đã hỗ trợ rất tốt để phát hiện chủ động bệnh lao trong nhóm những người có nguy cơ mắc lao cao.

Ngoài dựa vào các tổ chức đoàn thể, năm 2019, việc dựa vào cộng đồng để phát hiện sớm bệnh lao theo phương pháp của dự án ZTV sẽ được triển khai trên toàn thành phố. Trong đó, sẽ tổ chức đưa những người từng mắc bệnh lao và được điều trị thành công tham gia hoạt động vận động, tuyên truyền, giám sát người bệnh tại cộng đồng. Trong năm 2019, việc sàng lọc lao tại cộng đồng sẽ tập trung ưu tiên khu vực ngoại thành và các huyện đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi ít được tiếp cận với truyền thông và các dịch vụ điều trị bệnh lao…

– Trân trọng cảm ơn đồng chí! 

Kim Oanh – Báo Hải Phòng 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lao: Dựa vào cộng đồng, ưu tiên khu vực ngoại thành
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác