Print Thứ Bảy, 26/01/2019 22:41

Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức được xem là một trong những chỉ số quan trọng cải cách hành chính. Song, một số cán bộ, viên chức, nhất là ở bộ phận tiếp công dân tại các cơ quan nhà nước, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức dẫn đến người dân bức xúc.  

 

Bức xúc vì thái độ, lời nói chưa đúng mực

 

Đầu tháng 10-2018, ông Phạm Văn Học, ở đội 7, xã Bạch Đằng (huyện Tiên Lãng) đến Báo Hải Phòng gửi đơn thư kiến nghị chính quyền địa phương. Về việc giải quyết tranh chấp trong xây dựng nhà giữa gia đình ông và hộ liền kề; việc giải quyết các chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, bị nhiễm chất độc hóa học. Việc gia đình ông Học tiếp tục có đơn kiến nghị tới nhiều cơ quan, đơn vị, nguyên nhân xuất phát từ thái độ tiếp xúc, giải thích, trả lời của một số cán bộ địa phương chưa đầy đủ. Theo lời ông Học, có lần hỏi về thủ tục hồ sơ chính sách, ông chỉ nhận được câu trả lời “ra Sở mà hỏi” hoặc “chỉ trả lời đơn công dân một lần”.

 

Ông Nguyễn Đình Thắng, ở phố Hàng Kênh, phường Trại Cau (quận Lê Chân) gửi đơn đến Báo Hải Phòng phản ánh về thái độ của nhân viên tại Bộ phận tiếp công dân UBND quận Lê Chân. Theo ông Thắng trình bày, ông đến UBND quận gửi đơn đề nghị chính quyền địa phương giải quyết tranh chấp trong xây dựng với hộ liền kề, nhân viên của bộ phận tiếp công dân chưa thực hiện đúng quy định trong việc tiếp nhận đơn thư. Thái độ, lời nói của nhân viên chưa đúng mực, khiến ông bức xúc và gửi đơn “vượt cấp” đến Sở Xây dựng.

 

Người dân đến giao dịch tại bộ phận “một cửa” UBND quận Hải An. Ảnh: Đỗ Hiền

 

Việc tiếp công dân khác với việc giải quyết thủ tục hành chính, không chỉ là chuyện cá nhân, tổ chức nộp đủ hồ sơ hợp lệ là có thể thụ lý, viết giấy hẹn và chờ trả kết quả. Tiếp công dân là sự lắng nghe, chia sẻ về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, cả ý kiến phản ánh của công dân. Cán bộ, công chức làm nhiệm vụ này phải có thái độ lịch sự, lễ phép, giải thích rõ ràng, chứ không phải vô cảm hay quát nạt. Chị Nguyễn Thu Thủy, trú tại phường Máy Chai (quận Ngô Quyền) cho biết, một vài lần khi có việc phải đến các cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương để giải quyết công việc, điều chị cảm thấy không hài lòng là cách trả lời thiếu chủ ngữ, nhát gừng của nhân viên. Hoặc có khi trong giờ làm việc, một vài cán bộ, nhân viên tại bộ phận “một cửa” thản nhiên “buôn” chuyện riêng tư, cười khá to hoặc chăm chú chơi điện tử, lướt web trên điện thoại.

 

Nâng cao trách nhiệm, nhận thức

 

Nhiều năm qua, các sở, ngành, các cấp chính quyền địa phương luôn quan tâm công tác cải cách thủ tục hành chính. Hiện nay, tại các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đều xây dựng đầy đủ quy trình, thời gian, các bước thực hiện thủ tục hành chính. Bộ phận “một cửa”, bộ phận tiếp dân đều được bố trí tại nơi trang trọng, thuận lợi; trang bị đầy đủ phương tiện làm việc, bàn ghế khang trang, sạch đẹp, tạo cảm giác thoải mái cho người dân. Cán bộ, nhân viên làm việc phải đeo bảng tên, thực hiện nghiêm giờ làm việc. Các nội quy, quy chế, thủ tục hành chính đều được niêm yết công khai. Song, trên hết, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính, khi có việc cần đến chính quyền địa phương, cơ quan chức năng được đánh giá không chỉ ở thời gian, thủ tục giải quyết có nhanh gọn hay không, mà còn ở thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Chính vì vậy, nhiều cơ quan, chính quyền địa phương luôn coi trọng nâng cao trách nhiệm, nhận thức cho cán bộ, viên chức, đồng thời xem xét xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, dù mới là thái độ chưa đúng mực.

 

Tại quận Lê Chân, sau khi nhận được  ý kiến của ông Nguyễn Đình Thắng về thái độ của nhân viên tại Bộ phận tiếp công dân, UBND quận tổ chức cuộc họp trao đổi trực tiếp với người dân, đại diện lãnh đạo các bộ phận chức năng. Những kiến nghị của ông Thắng liên quan đến việc xây dựng của hộ liền kề được các bộ phận chức năng, chính quyền địa phương giải quyết triệt để. Đồng thời, nhân viên tại Bộ phận tiếp công dân trực tiếp nhận trách nhiệm, tiếp thu các ý kiến phản ánh của người dân. Theo lãnh đạo Văn phòng UBND quận Lê Chân, ngoài việc yêu cầu nhân viên, cán bộ thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục trong việc tiếp công dân, những ý kiến phản ánh của người dân về thái độ cũng được coi là tiêu chí xem xét, đánh giá thi đua, bố trí sắp xếp công việc đối với cán bộ, nhân viên.

 

Chủ tịch UBND phường Đông Hải (quận Lê Chân) Nguyễn Đình Thụy cho biết, lãnh đạo phường luôn quán triệt tới cán bộ, nhân viên tại bộ phận “một cửa” trong việc tiếp xúc, làm việc với người dân, tổ chức phải luôn có thái độ, tác phong đúng mực. Đối với cán bộ, nhân viên chưa làm đúng trách nhiệm, có những ý kiến phản hồi của người dân, sẽ bị xem xét thi đua, xử lý kỷ luật nghiêm tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

 

Năm 2017, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công thành phố xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố (giảm 5 bậc so với năm 2016); chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố. Vị trí xếp hạng các chỉ số nêu trên là chưa tương ứng và thống nhất, đồng bộ với chỉ số năng lực cạnh tranh thành phố xếp thứ  9/63, tăng 12 bậc so với năm 2016. Do đó, năm 2018, UBND thành phố có Chỉ thị số 14 về việc cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính và chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công. Theo đó, các sở, ngành, UBND các cấp xác định nguyên nhân, hạn chế để có giải pháp khắc  phục, tập trung vào các chỉ số thành phần như trách nhiệm giải trình với người dân; về công khai, minh bạch; về thủ tục hành chính công… Tất cả giải pháp nhằm mục đích chính rút ngắn thời gian, các thủ tục hành chính không cần thiết, giảm mọi sách nhiễu, phiền hà, đem lại sự hài lòng cao nhất cho người dân, tổ chức.


Hoàng Minh – Báo Hải Phòng 23/10/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Nâng cao chỉ số mức độ hài lòng của người dân, tổ chức trong cải cách hành chính:  Quan trọng thái độ tiếp công dân
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác