Print Thứ Bảy, 26/01/2019 20:58

Đến tháng 8-2018, có 815/1.217 doanh nghiệp trong tổ chức công đoàn trên địa bàn thành phố ký kết thỏa ước lao động tập thể (LĐTT), đạt 67%. Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song, việc triển khai thương lượng, ký kết thỏa ước LĐTT trong các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế…

Công nhân Công ty  May Minh Thành trong ca sản xuất.

Công đoàn chủ động gắn kết với người lao động

Công ty TNHH công nghiệp giầy Aurora Việt Nam là một trong doanh nghiệp đông lao động thuộc ngành Công Thương thành phố với hơn 8 nghìn lao động, chủ yếu là lao động nữ. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty Đồng Thị Phượng, thỏa ước LĐTT của công ty được công đoàn xây dựng dựa trên 3 yếu tố: tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tâm tư, nguyện vọng của người lao động và dựa trên tình hình chung của các doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất tương đương trên địa bàn thành phố. Trong đó, việc lấy ý kiến công nhân, lao động về nội dung thỏa ước LĐTT mất khá nhiều thời gian do đơn vị đông lao động. Song, khó khăn nhất là ban chấp hành công đoàn thiếu thông tin về mặt bằng chung phúc lợi của các doanh nghiệp khác. Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp không tiết lộ nội dung thỏa ước LĐTT vì lo ngại cạnh tranh trong tuyển dụng cũng như “giữ chân” lao động. Trong khi đó, quá trình thương lượng, từng nội dung do ban chấp hành đưa ra để đàm phán, thương lượng, chủ sử dụng lao động đều đặt câu hỏi “nội dung này được áp dụng ở những đơn vị nào” để làm căn cứ xem xét, quyết định có áp dụng tại công ty hay không.

Ngoài khó khăn trên, ở Công ty TNHH Nomura Fotranco (quận Ngô Quyền), ban chấp hành công đoàn công ty mất nhiều thời gian, công sức để có được bản thỏa ước LĐTT được ký kết với nhiều nội dung có lợi cho người lao động (như hỗ trợ xăng xe 250.000 đồng/người/tháng, nghỉ du lịch hằng năm từ 3-4 ngày, nghỉ hưởng nguyên lương các ngày 23 tháng Chạp, Rằm tháng Bảy (theo phong tục người Việt Nam)…..). Theo Phó chủ tịch Công đoàn Công ty Nguyễn Thị Minh Nguyệt, lãnh đạo công ty là người nước ngoài, từ khi thành lập đến nay thường xuyên có sự biến động, thay đổi nên việc tiếp cận, trao đổi, đề xuất của công đoàn tới lãnh đạo doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, một số lãnh đạo doanh nghiệp không quan tâm đến các nội dung được đưa ra trong thỏa ước LĐTT; cán bộ công đoàn kiêm nhiệm nên thời gian cho hoạt động công đoàn nói chung và việc xây dựng nội dung, thương lượng thỏa ước LĐTT chưa nhiều….

Xây dựng hệ thống điều khoản có lợi cho người lao động

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Tống Văn Băng, thực tế việc thương lượng, ký kết thỏa ước LĐTT thời gian qua bộc lộ khó khăn, hạn chế, nhất là kỹ năng thương lượng của cán bộ công đoàn cơ sở, phương pháp sử dụng công cụ đối thoại, tập hợp ý kiến người lao động để tham gia xây dựng thỏa ước LĐTT. Mặt khác, một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa quyết liệt trong chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết thỏa ước LĐTT…. Về phía doanh nghiệp, nhiều chủ sử dụng lao động coi nhẹ bản thỏa ước LĐTT, coi việc ký kết thỏa ước LĐTT là cơ hội để người lao động liên tục tạo ra những đòi hỏi, yêu sách nên không muốn thương lượng hoặc thương lượng hình thức, một chiều, ít điều khoản có lợi cho người lao động….

Từ nay đến hết năm 2018, Liên đoàn Lao động thành phố giao Ban Chính sách – Pháp luật sớm khảo sát, tổng hợp hệ thống các điều khoản có lợi cho người lao động được quy định trong thỏa ước LĐTT tại các doanh nghiệp làm cơ sở để tiến hành thương lượng, ký kết thỏa ước LĐTT. Cùng với đó, chỉ đạo công đoàn cấp trên cơ sở quyết liệt trong hướng dẫn, định hướng công đoàn cơ sở xây dựng các nội dung cơ bản với nhiều điều khoản có lợi đưa vào thỏa ước LĐTT liên quan đến các chế độ tiền lương, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, phụ cấp…. phấn đấu năm 2018 và những năm tiếp theo, thành phố có thêm nhiều thỏa ước LĐTT đạt loại B trở lên.

Song song với đó, Liên đoàn Lao động thành phố chỉ đạo các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nghiên cứu, xây dựng thỏa ước LĐTT nhóm doanh nghiệp cùng địa phương, cùng ngành nghề, đặc thù sản xuất kinh doanh; hỗ trợ công đoàn cơ sở trong giám sát việc thực hiện thỏa ước LĐTT tại doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật lao động, tập huấn, bồi dưỡng tới cán bộ công đoàn cơ sở kỹ năng thương lượng, đàm phán thỏa ước LĐTT đúng quy trình, tiến tới ký kết thỏa ước LĐTT với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động, góp phần cải thiện đời sống, điều kiện làm việc, giải quyết tốt mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Nhật Nam – Báo Hải Phòng 04/9/2018        

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể: Cần bám sát thực tế doanh nghiệp
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác