Hải Phòng triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2010-2020 trong điều kiện khá thuận lợi: Kinh tế thành phố tăng trưởng nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năm 2012 tỉ trọng dịch vụ và công nghiệp chiếm gần 90%, dịch vụ cảng biển phát triển nhanh. Nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu về nhân lực kỹ thuật của các nhà đầu tư, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố được đặc biệt chú trọng.
Cụ thể, từ năm 2010 đến năm 2020 đã đào tạo nghề cho 263.500 lao động nông thôn, trong đó: 223.961 lao động nông thôn được đào tạo theo hình thức xã hội hóa và 39.539 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo từ các chương trình, dự án của Trung ương và thành phố.
Thí điểm và nhân rộng các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn được triển khai đối với cả nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đó, nghề phi nông nghiệp với các nghề đào tạo chủ yếu của các mô hình điển hình là May công nghiệp, Điện dân dụng, Kỹ thuật chế biến món ăn, Nghiệp vụ du lịch khách sạn, Hàn điện… Sau khi khóa học kết thúc, tỷ lệ có việc làm đạt 100%; hầu hết đều được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hợp tác xã tiếp nhận tuyển dụng sau đào tạo bằng hình thức ký hợp đồng lao động; thu nhập trung bình đạt khoảng 5-6 triệu đồng/người/tháng. Nghề nông nghiệp với các nghề đào tạo như Chăn nuôi gà, lợn hữu cơ, Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, Kỹ thuật trồng khoai tây, Trồng và nhân giống nấm, Chế biến và bảo quản thủy sản… Các học viên sau đào tạo áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất, góp phần đưa các loại giống mới, kỹ thuật mới mang lại năng suất, chất lượng cao hơn, tăng hiệu quả cho người sản xuất, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập được đầu tư với tổng kinh phí 59 tỷ đồng từ ngân sách trung ương. Các chương trình, giáo trình, học liệu được xây dựng, chỉnh sửa đảm bảo quy định và cơ bản phù hợp với điều kiện, yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và nhu cầu của người học. Công tác phát triển giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề/giáo dục nghề nghiệp được quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn cũng được tích cực triển khai. Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình đã tích cực thông tin tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của thành phố về đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân thành phố đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho 120.000 lao động nông thôn các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 03 tháng, đạt hiệu quả tối thiểu 85% học viên lao động nông thôn có việc làm ổn định và tăng thu nhập sau khi tốt nghiệp.
Tài liệu đính kèm tải tại đây 306 BC-UBND