Trong năm 2020, ngân sách nhà nước đã chi 21,1 nghìn tỉ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo đời sống cho người dân. Ngoài ra, ngân sách trung ương đã dành trên 14,5 nghìn tỉ đồng để mua vaccine phòng COVID-19.
Sáng 15.6, tiếp tục phiên họp thứ 57, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước tháng 5, 5 tháng, dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021.
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, kết quả thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm tích cực, các khoản thu từ hoạt động sản xuất-kinh doanh đạt trên 50% dự toán và tăng trên 10% so cùng kỳ.
Chính phủ đã chủ động đảm bảo kinh phí cho các nhiệm vụ chính trị quan trọng và công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 như đảm bảo điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Tính cả năm 2020, ngân sách nhà nước đã chi 21,1 nghìn tỉ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo đời sống cho người dân. Ngoài ra, ngân sách trung ương đã dành trên 14,5 nghìn tỉ đồng để mua vaccine phòng COVID-19.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chính phủ xác định giải pháp cho những tháng cuối năm là tiếp tục kiên định thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép”, vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Chủ động cân đối, đảm bảo đầy đủ nguồn lực ngân sách nhà nước, huy động tài trợ đóng góp tự nguyện từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước mua vaccine và cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia để ứng phó kịp thời các tình huống đột xuất, cấp bách, thiên tai, dịch bệnh.
Tại phiên họp này, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trình Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển nguồn 1.237 tỉ đồng kinh phí phòng chống dịch chưa sử dụng của Bộ Y tế năm 2020 sang năm 2021 để mua vaccine phòng dịch COVID-19; chuyển nguồn 14,6 nghìn tỉ đồng kinh phí cải cách tiền lương năm 2020 chưa sử dụng sang năm 2021.
Thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi phòng chống dịch COVID-19.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Đinh Văn Nhã cho biết, để có cơ sở điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép”, đề nghị Chính phủ sớm sơ kết, đánh giá, báo cáo cụ thể với Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ nhất về kết quả phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và các gói cứu trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Đề nghị Chính phủ kiến nghị các giải pháp đủ mạnh để tấn công, kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, trong đó có giải pháp với lộ trình cụ thể về kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội.
Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, tiến độ tiêm vaccine hiện nay còn chậm và khả năng đạt mức miễn dịch cộng đồng còn khá xa. Đề nghị Chính phủ tăng cường công tác dự báo, bổ sung các số liệu ước thực hiện của cả năm và có cảnh báo về các yếu tố tăng, giảm số thu ngân sách nhà nước, mức trần nợ công; có biện pháp điều hành thu-chi ngân sách nhà nước kịp thời, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đảm bảo mức trần nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội.
Phạm Đông