8 tháng, số thu ngân sách nội địa của Hải Phòng đạt 14.925,5 tỷ đồng, bằng 65,5% dự toán pháp lệnh, 60,4% dự toán phấn đấu HĐND thành phố giao, tăng trưởng 16,8%. Mặc dù số thu nội địa có tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2017 nhưng so với kế hoạch năm 2018 và đặc biệt là so với tiềm năng, kỳ vọng của thành phố chưa đạt yêu cầu, đòi hỏi phải có các biện pháp quyết liệt, chặt chẽ hơn trong 4 tháng cuối năm.
Nhiều yếu tố giảm thu
Theo lãnh đạo Cục Thuế Hải Phòng, ngoại trừ dự toán thu ngân sách nội địa năm 2018 được giao tăng quá cao so với số thực hiện năm 2017, còn có thêm nhiều yếu tố giảm thu khiến số thu nội địa 8 tháng còn thấp. Cụ thể, 8 tháng qua, tuy kinh tế thành phố có sự phát triển và tăng trưởng khá, GRDP và chỉ số phát triển công nghiệp tăng cao, nhưng tăng trưởng tập trung chủ yếu ở các dự án mới, các dự án sản xuất và chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu, không phát sinh thuế GTGT. Thành phố còn nhiều dự án, nhà máy trong Khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải vẫn đang trong thời gian ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, một số ngành trọng điểm sản xuất nguyên vật liệu như xi măng, sắt thép, ống nhựa… lại đang gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dẫn đến số thu nộp giảm mạnh. Chỉ tính 13 doanh nghiệp trong số này đã có số nộp giảm tới 360 tỷ đồng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nguồn thu thuế nhà thầu từ dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện không phát sinh do các hạng mục cơ bản đã hoàn thành, dẫn đến giảm thuế nhà thầu hơn 300 tỷ đồng so với năm 2017.
Số nộp thuế của Công ty xi măng Chinfon Hải Phòng từ đầu năm đến nay giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty xi măng Chinfon. Ảnh: Duy Thính
Ngoài ra, công tác đấu giá quyền sử dụng đất chậm. Một số nguồn thu lớn như tiền sử dụng đất, tiền thuế đất nộp 1 lần cho cả năm thuê của các dự án lớn phần nhiều đã được thu nộp vào các năm trước nên cũng làm sụt giảm nguồn thu năm 2018. Việc các dự án XDCB từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) chậm được thanh toán cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của các nhà thầu, chỉ tính riêng dự án cảng Lạch Huyện đã có số nợ là 200 tỷ đồng do chưa được thanh toán…
Vì những lý do đó nên 8 tháng qua, kết quả thu ngân sách nội địa chưa đạt như mong muốn. Số thu từ các khu vực doanh nghiệp chỉ tăng rất thấp. Cụ thể, thu từ doanh nghiệp Nhà nước Trung ương mới đạt 1227,5 tỷ đồng, bằng 49,5% dự toán năm và tăng trưởng 2,4% so với cùng kỳ năm 2017. Số thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương đạt 726,8 tỷ đòng, bằng 58,4% dự toán năm và cũng chỉ tăng trưởng được 2,8%. Thu từ doanh nghiệp FDI đạt 2260,2 tỷ đồng, bằng 56,6% dự toán năm và tăng trưởng 6,9%. Chỉ có khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng khá hơn một chút, đạt 2713 tỷ đồng, bằng 62,6% dự toán năm và tăng trưởng gần 22%… Một số khoản thu khác như thuế bảo vệ môi trường; thu tiền bán nhà cũng giảm.
Dốc sức về đích
Mặc dù vậy, quyết tâm cao của thành phố là phải hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nội địa năm 2018. Các cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy, UBND thành phố đều đặt thu ngân sách là trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, yêu cầu các ngành, các địa phương phải rà soát tất cả các khoản thu, đặc biệt là dồn sức chống thất thu, thất thoát ngân sách.
Theo Phó cục trưởng Cục Thuế Nguyễn Huy Nhặn, với phần dự toán còn lại, 4 tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng phải thu được 2.450 tỷ đồng trong khi bình quân thu 8 tháng qua chỉ đạt 1.865 tỷ đồng/tháng. Nhiệm vụ như vậy là rất nặng nề nhưng với vai trò chủ lực, Cục Thuế đã chủ động đề xuất, tham mưu và có nhiều giải pháp thực hiện. Theo đó, Cục Thuế tham mưu với UBND thành phố tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo (BCĐ) chống thất thu ngân sách, đặc biệt trong các lĩnh vực XDCB, kinh doanh thương mại, vận tải và trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản… Đồng thời, thúc đẩy việc tính toán tiền sử dụng đất của một số dự án lớn; tổ chức đấu giá đất tại các địa phương theo kế hoạch được duyệt, kịp thời thu nộp tiền thuê đất, thu tiền sử dụng đất vào NSNN.
Về phía ngành Thuế, sẽ tăng cường công tác quản lý thuế trên tất cả các khâu từ kê khai thuế, thanh tra, kiểm tra thuế và thu hồi nợ thuế, phấn đấu tăng thu vào ngân sách qua thanh tra, kiểm tra tối thiểu 450 tỷ đồng. Đồng thời tăng cường phối hợp giữa các bộ phận theo dõi nợ thuế với kê khai, kiểm tra thuế nhằm phát hiện các trường hợp nợ mới phát sinh để đôn đốc nộp kịp thời vào ngân sách, thực hiện tất cả các biện pháp cưỡng chế và thu hồi nợ thuế, dừng việc sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp cố tình dây dưa, chây ỳ nợ thuế. Ngành Thuế tiếp tục quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) trên địa bàn, đặc biệt nguồn thu từ hoạt động kinh doanh thương mại; các mặt hàng xăng, dầu, gas…, hoạt động XDCB vãng lai, thuế nhà thầu, hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài nhưng không hiện diện tại Việt Nam, kịp thời hướng dẫn kê khai và thu nộp kịp thời vào NSNN, bù đắp nguồn thu thiếu hụt từ hoạt động SXKD của các doanh nghiệp. Ngành Thuế xây dựng và triển khai thực hiện các đề án chống thất thu thuế đối với lĩnh vực: kinh doanh vận tải, trước hết là vận tải taxi và kinh doanh dịch vụ du lịch; từng bước rà soát và triển khai công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, góp phần tăng thu và chống thất thu ngân sách. Cùng với đó, đôn đốc các đơn vị nghiêm túc thực hiện kiến nghị tăng thu của Kiểm toán nhà nước, nhất là đối với một số dự án khu đô thị, khu công nghiệp để thu vào ngân sách các khoản mà chủ đầu tư phải nộp.
Hoàn thành dự toán thu 24.750 tỷ đồng trong năm nay, Hải Phòng sẽ ghi dấu ấn mới về sự tăng trưởng vượt bậc trong công tác thu ngân sách nội địa. Dư địa thu của thành phố còn lớn. Nếu quyết tâm cao, biện pháp đồng bộ, phù hợp, chắc chắn Hải Phòng sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra.
Thanh Hiệp – Báo Hải Phòng 10/09/2018