Triển lãm Mỹ thuật Hải Phòng 2018 đang diễn ra tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam (16 phố Ngô Quyền, Hà Nội). Theo đánh giá của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, sự kiện này đánh dấu sự trở lại của mỹ thuật đất Cảng tại “cái nôi” mỹ thuật của cả nước sau hơn 10 năm “vắng bóng”.
Tác phẩm điêu khắc “Dấu vết” của Bùi Viết Đoàn thu hút người xem.
Sức hút giữa Thủ đô
Trời mưa to do ảnh hưởng của cơn bão số 3 không ngăn được bước chân của những người yêu thích hội họa Thủ đô, du khách trong nước, quốc tế đến tham dự buổi khai mạc Triển lãm và trao giải Mỹ thuật Hải Phòng 2018, do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố tổ chức. Có mặt tại triển lãm trước giờ khai mạc khá sớm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam ngắm nghía toàn bộ 74 tác phẩm hội họa, điêu khắc trưng bày tại triển lãm. “Tôi ấn tượng bởi phòng trưng bày chững chạc của các họa sĩ Hải Phòng hội đủ các tác giả ở độ tuổi khác nhau. Qua đó, phần nào thể hiện được diện mạo, không khí lao động nghệ thuật của các thế hệ họa sĩ đất Cảng, trong đó có cả các họa sĩ Hải Phòng đang sống và làm việc tại Hà Nội. Người trẻ nhất mới ngoài 20 tuổi với những hứng khởi mạnh mẽ tuy còn nhiều điều cần phải tiếp tục hoàn thiện; người cao tuổi nhất là họa sĩ Nguyễn Hà, với chiều sâu của tư duy và tay nghề. Đồng thời thể hiện, lực lượng kế cận của Hải Phòng đang viết tiếp những câu chuyện mới, câu chuyện khác với thế hệ đi trước”.
Tại triển lãm, nhìn đội ngũ họa sĩ “hùng hậu” của đất Cảng tham dự triển lãm và các tác phẩm của họ được trưng bày sang trọng tại nhà triển lãm, những người chơi tranh chuyên nghiệp của Thủ đô và du khách thừa nhận: đội ngũ họa sĩ trung tuổi của Hải Phòng đang có độ “chín” nhất định, còn các họa sĩ trẻ hứa hẹn nhiều triển vọng. Tiêu biểu như: Nguyễn Viết Thắng với tác phẩm sơn dầu “Con sông ở Diêm Điền”; Phạm Anh Tuấn với tác phẩm sơn dầu “Ký ức tuổi thơ”; Phan Quang Tuấn với tác phẩm sơn mài “Nắng thu”; Phạm Hoàng Hà với tác phẩm sơn dầu “Đường về”; Bùi Thu Hường với tác phẩm acrylic “Hoa sa-lem”; Ngô Bình Nhi cũng với tác phẩm acrylic “Mùa hè”; Bùi Duy Khánh với tác phẩm màu nước “Phong cảnh miền núi”…Anh Cameron, du khách Anh vui vẻ cho biết: “Tôi rất hào hứng khi tham dự phòng tranh đẹp như thế này. Thông qua các tác phẩm, các bạn cho tôi hiểu biết thêm về những lát cắt trong bức tranh đời sống xã hội Việt Nam”.
Không giấu được niềm vui hiện trên nét mặt, họa sĩ Đặng Tiến, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng, một trong 3 thành viên Ban giám khảo cho biết: “Hơn 10 năm rồi mỹ thuật Hải Phòng mới có sự trở lại Thủ đô, được Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao. 74 tác phẩm hội họa, điêu khắc của 49 tác giả được lựa chọn từ hơn 100 tác phẩm gửi về tham dự. Kết quả này là nhờ sự chuẩn bị công phu, chu đáo về đội ngũ sáng tác tập trung, tổ chức các chuyến đi thực tế trong, ngoài thành phố và cả sự khuyến khích, động viên, không ngừng đòi hỏi anh em phải nâng tầm tác phẩm”.
Truyền tải không khí, phát triển sôi động ở thành phố Cảng
Là người sâu sát hoạt động mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung, Hội Mỹ thuật Hải Phòng nói riêng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương nhận định: “Chưa bao giờ không khí sáng tác của các họa sĩ đất Cảng, nhất là các họa sĩ trẻ, sôi động như hiện nay. Với sự lớn mạnh này, Hải Phòng đang khẳng định vị thế là trung tâm của mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng, sau Hà Nội”. Ông cho biết, để giữ vị trí trung tâm, cần có 3 điều kiện: đội ngũ sáng tác đủ mạnh; hoạt động sáng tác, triển lãm liên tục với chất lượng tác phẩm tốt và có mối quan hệ với đội ngũ sáng tác nhiều tỉnh, thành phố. Hiện, Mỹ thuật Hải Phòng hội đủ các yếu tố này.
Tuy nhiên, theo họa sĩ Trần Khánh Chương, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn cả nước diễn ra hơn 300 cuộc triển lãm mỹ thuật, thể hiện sự sôi động trong hoạt động mỹ thuật hiện nay, nhưng cũng bộc lộ ít nhiều hạn chế, thiếu sót, nhất là cấp địa phương. Triển lãm Mỹ thuật Hải Phòng 2018 mặc dù có nhiều tác phẩm tốt, nhưng cũng có một số tác phẩm còn non tay. Trong đó, đang thiếu những tác phẩm phản ánh không khí, nhịp sống sôi động của thành phố Cảng. “Hải Phòng đang là đại công trường với các công trình, dự án lớn, nhưng xem tranh của các họa sĩ Hải Phòng, tôi thấy ít tác phẩm thể hiện điều này. Ngoài cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn mới của Hải Phòng cũng có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đâu đó một số bức tranh vẫn vẽ cảnh người nông dân vác cày, đội nón… Bên cạnh đó, bản thân một số họa sĩ cũng đang lúng túng khi lựa chọn phong cách thể hiện. Họ chưa xác định được vẽ tranh để bán hay để theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp”, họa sĩ Trần Khánh Chương bày tỏ.
Còn theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, để mỹ thuật Hải Phòng “vươn ra biển lớn”, Hải Phòng cần có sự chuẩn bị tốt về lực lượng sáng tác. Ngoài bồi dưỡng các họa sĩ là thành viên của Hội Mỹ thuật Hải Phòng, Hội cần tiếp tục tạo ra các “sân chơi” để kết nối, thu hút các họa sĩ ngoài Hội tham gia. Trong đó, chú trọng phát hiện những khuôn mặt mới, trẻ trung hơn, tạo sự đa dạng trong phong cách thể hiện và góc nhìn mới mẻ, để vừa hòa vào dòng chảy chung của mỹ thuật Việt Nam đương đại, vừa giữ được nét duyên đằm thắm riêng của mỹ thuật thành phố Hoa Phượng Đỏ./.
Đông Hải – Báo Hải Phòng 24/7/2018
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị…
Chiều 10.1, Ban Tổ chức hội thi truyền thống Vật dân tộc thời Mạc lần…
Sáng 10/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More