Kinh tế

Muốn dân đồng thuận tăng giá điện, cần minh bạch khoản lỗ 31.000 tỉ đồng

Than, nhập 300 USD/tấn, đang được bán cho điện chỉ 90 USD/tấn. Kể cả như thế, Tập đoàn điện lực vẫn báo lỗ 31.000 tỉ và đã đề nghị tăng giá điện.

Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) tính toán năm nay mất đứt 1.000 tỉ chi phí do giá nhiên liệu đầu vào tăng mạnh.

Một trong những nguyên nhân là TKV đang phải bán than với giá 90 USD/tấn cho rất nhiều nhà máy nhiệt điện. Trong khi phải nhập than với giá thấp nhất 300 USD/tấn. Mở ngoặc là hơn 80% sản lượng than của TKV là dành cho các nhà máy điện.

Mua hàng chục triệu tấn than với giá rất thấp so với giá nhập, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn đang báo lỗ tới 31.000 tỉ, và theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, EVN đã chính thức đề nghị tăng giá bán điện.

Dù không tiết lộ mức đề xuất cụ thể, nhưng Thứ trưởng Hải nói: Mức tăng giá bán lẻ điện bình quân hiện nay đã “vượt thẩm quyền của EVN“, tức là đã tăng trên 5%.

TKV đang phải nhập than với giá thấp nhất 300 USD/tấn rồi phối trộn với than trong nước để bán cho EVN với giá chỉ… 90 USD/tấn, thấp xa với giá thành. Ảnh: Nguyễn Hùng.

Tính toán cho biết chi phí giá nhiên liệu đầu vào của sản xuất điện như than, dầu, khí đã tăng 3-5 lần so với trước khiến chi phí sản xuất điện tăng vọt.

Hồi giữa năm, khi báo lỗ 16.00 tỉ, EVN cho biết: Giá điện bình quân năm đã lên mức 1.915,59 đồng/kWh. Tức là cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân 1.844,64 đồng/kWh đang áp dụng từ năm 2019.

EVN không thể “gồng” mãi. Vấn đề là việc tăng giá bao nhiêu, vào thời điểm nào và nhất là câu chuyện thực lỗ trong “núi lỗ” 31.000 tỉ.

Trên một tờ báo, chuyên gia kinh tế, TS. Bùi Trinh đặt câu hỏi rất xác đáng về “núi lỗ” 31.000 tỉ, rằng: Đây là tính chi phí cho cả ngành hay chỉ chi phí sản xuất điện?

TS. Bùi Trinh cũng cho rằng: Nếu “đẩy vào giá” tất cả các yếu tố lỗ là bất hợp lý, đặc biệt là yếu tố tỷ giá. Bởi “Không thể để lỗ về tài chính xong bắt toàn dân phải chịu giá điện tăng, nếu có”.

Với một nền kinh tế thị trường, sẽ rất kỳ quặc khi buộc doanh nghiệp, chẳng hạn EVN, phải bán hàng dưới giá thành sản xuất. Nhưng còn kỳ quặc hơn nếu EVN được tăng giá, trong khi vẫn được mua nhiên liệu đầu vào, như than, với giá rất thấp, rất sâu, rất xa so với giá thành. Lại còn vô lý hơn nếu báo “nguyên một rổ lỗ” không loại trừ từ những khoản phi sản xuất điện, để tính vào giá thành.

Điện, trọng yếu chẳng khác gì xăng dầu. Nhưng khác với xăng dầu, có thể tính đếm từng 50 đồng tiền chi phí, chúng ta chỉ biết về điện bằng một rổ, một núi lỗ 31.000 tỉ không rõ đến từ đâu, không biết cái nào vào cái nào. Và đây là vấn đề cần làm rõ nếu muốn có sự đồng thuận về việc tăng giá.

Đào Tuấn

Nguồn tin: Báo Lao động

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More