Thầm lặng hy sinh
Những ngày cuối tháng Chạp năm Nhâm Dần, chúng tôi xuống xuồng máy rời cầu cảng thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng để đến với đảo Long Châu. Sau hơn 30 phút tròng trành sóng nước, cuối cùng ngọn đèn biển Long Châu vòi vọi mang trong nó bao nhiêu thăng trầm và kì tích cũng đã ở trước mắt. Đây là ngọn hải đăng cao tuổi thứ 3 cả nước sau hải đăng đảo Dấu và hải đăng Kê Gà. Hải đăng Long Châu được xây dựng từ năm 1894, ở độ cao 109,5m so với mực nước biển và chiếu sáng xa 27 hải lý phát tín hiệu chỉ dẫn những con tàu khi qua vùng biển vịnh Bắc Bộ lưu thông được an toàn. Trên bờ, các cán bộ của Trạm hải đăng Long Châu với nụ cười tươi rói đã đứng đợi chúng tôi.
Long Châu là một quần đảo gồm trên 30 đảo nhỏ nằm rải rác, trong đó, lớn nhất là đảo đá Long Châu rộng chừng hơn cây số vuông. Trên đảo cơ man đá tai mèo xám xịt, nhọn hoắt. Bởi thuần núi đá nên ở đây cối cũng khó sống. Thi thoảng mới bắt gặp bụi cỏ dại hay vài ba cây sứ đá cựa mình len đá trồi lên. Để sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt quanh năm hết nắng cháy da, cháy thịt, lại đến mưa biển mịt mù, những sinh vật nhỏ nhoi ấy phải cố hết sức vươn bộ rễ chằng chịt bám chắc vào đá, cũng để chắt chiu sinh khí của đá mà nuôi cây. Ngoài những loài cây bản địa ít ỏi đó, cách đây hơn 20 năm, khoảng 10 cây bàng đã được đưa từ đất liền ra đảo trồng. Đến nay, chúng đã vươn cành lá che nắng mưa, chắn gió, tạo màu xanh cho đảo đá giữa khơi xa.
Cũng bởi sự khắc nghiệt của thời tiết mà trên đảo Long Châu chỉ có 12 người sinh sống. Họ là cán bộ của Trạm hải đăng Long Châu và Trạm kiểm soát biên phòng Long Châu thuộc Đồn biên phòng Cát Bà, mang sứ mệnh thiêng liêng “gác đèn”. Trong đó thâm niên lâu nhất là anh Nguyễn Văn Hùng, Trạm trưởng và anh Dương Văn Hùng, Trạm phó Trạm hải đăng Long Châu.
Trên đường dẫn chúng tôi thăm đảo, tận mắt quan sát từng ngóc ngách của ngọn hải đăng Long Châu, anh Nguyễn Văn Hùng, Trạm trưởng Trạm hải đăng Long Châu chia sẻ, công việc chính của các cán bộ, công nhân của trạm ban ngày bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, đèn, máy, vệ sinh trạm, quan sát khu vực biển chung quanh xem có sự cố nào không. Tối đến vận hành đèn sáng hướng dẫn tàu thuyền qua lại (đèn nhập bờ).
Cũng theo anh Hùng, khó khăn nhất trên đảo của chúng tôi là nước ngọt. Mùa mưa, lượng nước mưa hứng chứa trong bể tằn tiện đủ dùng, còn mùa khô, phải mua từng can nước ở đảo Cát Bà nhờ tàu, thuyền chở ra. Nhiều khi chúng tôi cũng phải đối mặt với sự cô đơn, cô quạnh giữa mênh mông biển trời, sóng nước.
Thế nhưng, giữa cuộc sống bộn bề gian khó, thiếu thốn, bao năm qua, những “công dân” trên đảo này vẫn lặng lẽ hi sinh tuổi xuân để giữ đảo, bảo vệ chủ quyền biển trời thiêng liêng của Tổ quốc cũng như giữ ngọn hải đăng luôn rực sáng mỗi tối hướng dẫn tàu bè qua lại.
“Chưa một đêm nào ngọn đèn này ngừng chiếu sáng dù cuộc sống sinh tồn khắc nghiệt, trải qua mấy cuộc chiến tranh, cả nghìn tấn bom rơi đạn nổ, bởi bất cứ người lính đèn nào khi ra đảo nhận nhiệm vụ đều hiểu rằng hải đăng Long Châu là vô cùng quan trọng với Cảng biển Bắc Bộ”, anh Hùng chia sẻ thêm.
Tết “gác đèn” trên đảo
Gần 20 năm gắn bó với trạm là chừng ấy năm anh Hùng và đồng nghiệp đón Tết xa nhà trên đảo. Theo lời anh Hùng, từ 28 tháng Chạp, anh em trong trạm đã tổ chức gói bánh chưng để cúng Giao thừa, biếu tặng Trạm quan sát Long Châu thuộc Đồn biên phòng Cát Bà, tặng các ngư dân vươn khơi bám biển dịp Tết. Ngoài bánh chưng xanh, mâm cỗ cúng Giao thừa tại Trạm hải đăng Long Châu cũng đủ thịt đông, giò nạc, giò mỡ, dưa hành… Tết trên đảo cũng không thể thiếu cành đào và cây quất. Đây cũng là món quà mà đoàn công tác của huyện uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Cát Hải tận tay mang tặng những người “gác đảo” trước Tết chừng 1 tuần, để cán bộ, chiến sĩ trên đảo thực sự có một cái Tết thật vui tươi, đầm ấm.
Đúng thời khắc năm cũ qua đi, năm mới vừa tới, anh em trên trạm lại quây quần chung quanh tivi nghe Chủ tịch nước chúc Tết đồng bào. Sau đó cùng ra thắp nén hương thơm tri ân trước mộ liệt sĩ Cao Quang Viên, người không tiếc thân mình để giữ đèn biển Long Châu mãi sáng dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù.
Trạm trưởng Trạm hải đăng Long Châu Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: “Thời gian gần đây, nhà mạng di động Viettel lắp đặt cột phát sóng trên đảo. Nhờ đó mà điện thoại di động đã có mạng 4G, anh em trong trạm thoải mái gọi zalo cho người thân, bạn bè trong đất liền, đặc biệt là những ngày lễ, Tết. Không chỉ vậy, 1 tháng có 10 chuyến công ty tiếp tế lương thực, thực phẩm. Cuộc sống anh em ở trạm bớt khó khăn, gần với đất liền hơn. Không chỉ đời sống vật chất, mà đời sống tinh thần cũng được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Đây là động lực lớn giúp chúng tôi yên tâm cống hiến giữ đảo, giữ đèn”.
Trên đảo Long Châu, mùa xuân đã bắt đầu từ những cánh hải âu chao liệng trên mặt biển xanh biếc, từ những bông hoa dại mọc rải rác lối lên ngọn hải đăng. Bữa cơm ngày Tết của những cán bộ, công nhân Trạm hải đăng Long Châu có đủ bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành cùng những câu chuyện, tiếng cười “vui như Tết”.
Giữa biển trời mênh mông, trên đảo đá tai mèo sắc lạnh, những cán bộ, công nhân Trạm hải đăng Long Châu đã đón một cái Tết thật đơn giản nhưng ấm tình người cùng sứ mệnh thiêng liêng…
Thái Ngân
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Tối 11/1, tại Nhà hát thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…
Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More