“Thực chất, tục đốt vàng mã xuất phát từ những ý nghĩa tốt đẹp. Song gần đây, “phú quý sinh lễ nghĩa”, nhiều người đốt vàng mã gồm cả tivi, tủ lạnh, máy giặt, nhà cao tầng… vừa lãng phí vừa làm méo mó văn hóa tâm linh”. Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phụ trách Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Hải Phòng chung quanh vấn đề này.
Cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân giảm dần tục đốt vàng mã.
– Khá nhiều người cho rằng đốt nhiều vàng mã càng thể hiện việc tri ân công đức của tổ tiên, nhất là trong mùa Vu lan báo hiếu. Quan điểm của Hòa thượng về vấn đề này như thế nào?
– Thực chất, tục đốt vàng mã trong mùa lễ Vu lan xuất phát từ những ý nghĩa tốt đẹp. Đó là, sự lo sợ người thân ở cõi âm bị thiếu thốn; gián tiếp tạo nên hay khuyến khích phẩm chất nhớ ơn, biết ơn trong gia đình; hướng đến ứng xử tri ân trong việc thờ cúng, tưởng nhớ tổ tiên; biết lo nghĩ đến đói khổ của người khác, cho dù họ khuất bóng, không kể thân sơ, làm tăng lòng từ bi hỉ xả. Bản chất của sự thờ cúng dưới góc độ văn hóa tâm linh là hình thức trả ơn, là đạo lý. Nét đẹp của ngày rằm tháng bảy là bày tỏ sự tri ân, báo ân của người con, người cháu đối với bố mẹ, ông bà, tổ tiên. Ví dụ khi ông bà, bố mẹ còn sống, ngày Tết hay sinh nhật của bố mẹ, con cháu tặng quần áo, biếu tiền tiêu. Khi bố mẹ mất đi, con cháu bày tỏ tấm lòng mình bằng một bộ quần áo giấy hoặc một chút tiền giấy. Hình ảnh người còn sống thành tâm hóa chút vàng mã cho người mất trong gia đình, rồi lại không quên mua thêm manh quần, tấm áo, một chút tiền vàng giấy để đốt cho những người không ai thờ cúng, không nơi nương tựa thực sự là nét nhân văn. Song gần đây, nhiều người tiêu dùng đồ mã gồm cả tivi, tủ lạnh, máy giặt, phương tiện giao thông, người giúp việc, nhà cao tầng, quạt điện, điều hòa, điện thoại thông minh…bằng giấy, mà để sắm được tương đối thôi cũng mất vài triệu đến vài chục triệu đồng. Việc lạm dụng tục đốt vàng mã không chỉ gây lãng phí, còn làm méo mó văn hóa tâm linh, dẫn đến những thay đổi căn bản trong hành vi cầu cúng, giống như một cách để đổi chác danh lợi với thánh thần, với người đã khuất.
Việc tưởng nhớ đến người quá cố trong lễ Vu lan quan trọng nhất là phải có cái tâm thiện và có vậy mới là văn hóa; ngược lại nếu cái tâm vị kỷ, bằng sự phô trương cúng lễ để cầu mong sự phù hộ độ trì một cách phù phiếm, lại không văn hóa. Quan điểm của tôi là hạn chế “dùng tiền giả đốt tiền thật”. Bởi văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng luôn có một sự giới hạn cần thiết, nếu trong ngưỡng là văn hóa, còn vượt ngưỡng là không văn hóa. Cũng chính vì lý do này, tháng 2-2018, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành công văn về việc không đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự Phật giáo.
– Hòa thượng cho biết các cơ sở thờ tự thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố thực hiện chủ trương của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam như thế nào?
– Không chỉ khi Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản chỉ đạo, nhiều năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố đều hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trì các tự viện vận động bà con Phật tử khi đến chùa, cơ sở thờ tự không đốt vàng mã, gây lãng phí. Trong kinh sách nhà Phật ghi rõ, cách đây 2642 năm, đấng Đại hùng Đại lực Đại từ bi Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở thế gian. Sau đó, để cứu chúng sinh khỏi khổ hạnh, ngài từ bỏ ngai vàng, điện ngọc. Vậy mà ngày nay, người dân đến cửa chùa, cơ sở thờ tự Phật giáo lại cúng dâng vàng tiền giấy. Phải chăng đó là căn bệnh của chúng sinh, mang tư tưởng “tốt lễ dễ kêu” ngoài đời vào cửa Phật hòng kêu cầu cái này, cái kia. Đó là suy nghĩ không đúng. Trong tư tưởng của Phật giáo có luật nhân – quả. Mình muốn thu hoạch “quả” tốt thì phải gieo “nhân” đẹp. Còn suốt ngày làm điều ác, điều xấu, tham sân si, sao có điều tốt đẹp được.
– Vậy trong mùa lễ Vu lan, thay vì đốt nhiều vàng mã, người dân nên làm gì, thưa Hòa thượng?
– Tất nhiên khó có thể vận động người dân bỏ ngay tục đốt vàng mã, nhưng cần tích cực tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân; tấm lòng dâng cúng, đền ơn người đã khuất nên bằng những việc làm thiết thực. Với những người có điều kiện kinh tế, mùa này là mùa các cháu học sinh đến trường, nên bớt ăn, bớt tiêu, bớt tiền mua vàng mã để trao tặng các cháu học sinh nghèo vượt khó hoặc trao quà tặng gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.
Trong mùa lễ Vu lan này, cùng với việc tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mọi người cũng nên bày tỏ tấm lòng của mình, ban, trải cho những người vất vưởng, không nơi nương tựa. Nếu với người đã khuất, mình cúng họ chút cháo, bánh trái, cho manh quần, tấm áo bằng giấy. Với người còn sống, mình quan tâm, làm từ thiện bằng việc làm thiết thực như động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và bao cảnh đời khó khăn khác trong xã hội. Đức Phật dạy “cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”, làm việc thiện nên hướng tới chăm lo, chia sẻ với những người yếu thế, thiếu thốn hoặc người dân đang khổ sở vật lộn với cuộc sống do bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt.
– Trân trọng cảm ơn Hòa thượng!
Đông Hải thực hiện – Báo Hải Phòng 23/8/2018
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Tối 11/1, tại Nhà hát thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…
Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More