Tọa đàm với chủ đề “Chữ hiếu xưa và nay” do Câu lạc bộ Hải Phòng học (Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng) tổ chức sáng 12-8 tại chùa Phổ Chiếu (quận Lê Chân) thu hút hơn 100 đại biểu là hội viên câu lạc bộ, các tăng ni, phật tử trên địa bàn thành phố tham dự.
Chủ tọa cuộc tọa đàm.
Các đại biểu nghe một số nhà nghiên cứu văn hóa uy tín như: Thượng tọa Thích Thanh Giác, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố, trụ trì chùa Phổ Chiếu; TS. Lã Trọng Long, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng; các nhà sử học Ngô Đăng Lợi, Nguyễn Phương, Nguyễn Khắc Phòng; ni sư Thích Tâm Chính, trụ trì chùa Vẽ…, trình bày quan niệm về chữ “hiếu”, nêu thực trạng chữ “hiếu” trong xã hội hiện đại…Các ý kiến tại hội thảo cùng chung nhận định: đạo đức xã hội nói chung đang bị xói mòn, một số giá trị truyền thống, trong đó có hiếu nghĩa đang phai nhạt. Do tác động của môi trường xã hội hiện đại, sự bất hiếu đã và đang trở nên phổ biến. Tình trạng thờ ơ, thậm chí bạo hành cha mẹ diễn ra ở không ít gia đình. Một bộ phận giới trẻ ngày nay sống ích kỷ, không quan tâm đến mọi người chung quanh, kể cả cha mẹ.
Quang cảnh tọa đàm.
Từ thực tế đó, hội thảo gợi mở: làm thế nào để giữ gìn giá trị của chữ “hiếu” – giá trị cao đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc ta – trong thời đại ngày nay? Cùng với việc nâng cao dân trí và đời sống văn hóa nhân dân, vai trò của các bậc làm cha mẹ trong giáo dục và làm gương cho con cái là vô cùng quan trọng. Mặt khác, cách báo hiếu của người làm con đối với bậc sinh thành cũng cần có sự thay đổi để phù hợp điều kiện xã hội hiện đại.
Hội thảo được tổ chức nhân mùa Vu lan báo hiếu (Phật lịch 2562)./.
Báo Hải Phòng 12/8/2018