Print Thứ Năm, 01/04/2021 20:45 Gốc

Những chùm hoa gạo nồng nàn sắc đỏ đã trở thành nỗi nhớ niềm thương của bao người, là mối rung cảm của bao trái tim thi nhân. Có nhiều áng thơ thật đẹp, giàu chất nhạc, chất họa, chạm đến trái tim người đọc khi viết về tháng ba và hoa gạo.

Hoa gạo và quê hương

Hoa gạo hay còn gọi là hoa Pơ lang, hoa Mộc miên. Hầu như ở làng quê Bắc Bộ nào cũng có một cây gạo, nơi đầu làng hay đâu đó giữa cánh đồng. Vì thế, cùng với vị ngọt ngào của rét nàng Bân, mùi hoa xoan, hoa bưởi nồng nàn, sắc đỏ hoa gạo rực cháy trong tiết tháng ba trở thành đặc sản của xứ Bắc, là miền ký ức gợi thương gợi nhớ của những người xa quê.

Nhà thơ Hoa Lư gọi tên nỗi nhớ ấy bằng những câu thơ thật dung dị mà đong đầy xúc cảm trong bài “Ký ức người xa”: Quê tôi đó đầu làng trồng cây gạo/ Tháng ba về mang sắc áo đỏ tươi/ Rét Nàng Bân khẽ chạm nhẹ môi người/ Gió vu vơ chuyển trời sang màu nắng/ Làng tôi đó sớm đồng xanh phẳng lặng/ Đường quanh co vui vang tiếng trẻ thơ/ Hoa gạo rụng hương nồng như hơi thở/ Gọi chim bày ríu rít giữa chiều buông… Những lời thơ tự nhiên như hơi thở, như câu chuyện kể hằng ngày nhưng chất chứa bao yêu thương, tự hào của người con dành cho quê hương: “Quê tôi đó”, “Làng tôi đó” tháng ba này có cây hoa gạo đầu làng mang sắc áo đỏ tươi, có cái rét nàng Bân, có cánh đồng xanh phẳng lặng… Chỉ vậy thôi, nhưng sao yêu đến thế!

Hoa gạo tháng Ba ở đền Mõ, huyện Kiến Thụy.

Cùng hòa chung dòng cảm xúc thương nhớ, quê hương-tháng ba và hoa gạo hiện lên thật bình yên trong hồn thơ Hồ Viết Bình: Lập lòe cây gạo ra hoa/Nghe trong sâu thẳm cây đa, đình làng/Ẩn trong tiềm thức mơ màng/Một vùng quê, một mùa vàng bội thu… (Tháng ba bình yên). Trong dòng đời cứ hối hả chảy trôi, ai cũng đều tất bật với cuộc sống, để rồi sau tất cả, tâm hồn mỗi người lại lắng xuống, thật bình yên và ấm áp khi nhớ đến chốn quê, mơ màng nhớ đến hoa gạo lập lòe những ngày tháng ba, với gốc đa, giếng nước, sân đình.

Yêu thương đến cồn cào, xót xa là những tình cảm của tác giả Nguyễn Văn Chương dành cho quê hương được bày tỏ trong bài thơ “Khúc hồi tưởng tháng ba”: Phải rồi ở chỗ này đây /Cổng làng thuở ấy có cây gạo già/ Cồn cào cái cữ tháng ba/ Lập lòe hoa vẫn như là lửa treo/ Tháng ba ngơ ngác trẻ nghèo/ Chân chim đuôi mắt nhăn nheo thương bà… Trong nỗi nhớ của tác giả, hình ảnh quê hương hiện lên trong tiết tháng ba, vẫn với hoa gạo đỏ lập lòe nhưng gắn cùng đó là một thời thiếu thốn, nghèo đói. Nhà thơ thương quê, ngậm ngùi trước những đứa trẻ nghèo và xót xa, ngậm ngùi khi nhớ về bà. Những tình cảm mộc mạc ấy của nhà thơ cũng là tiếng lòng của bao người khi hướng về quê hương. Nên lời thơ, tình thơ đã làm lay động tâm hồn người đọc.

Với tình yêu đôi lứa

Cùng với tình yêu quê, tháng ba và hoa gạo bước vào thi ca còn gắn với những câu chuyện tình yêu lãng mạn của một thời tuổi trẻ. Tác giả Đào Mạnh Thanh khi “Nhớ mùa hoa gạo” là nhớ về tình xưa với bao dấu yêu của ngày nào: Tháng ba về hong nắng vàng rực rỡ/ Cây gạo ven đường hoa đỏ lên ngôi/ Hương bưởi xưa bao quyến luyến bồi hồi /Hoa xoan tím lạc trôi miền nhung nhớ/ Anh về đây nhớ nhung tình ngày đó/ Bông gạo rực hồng dạo đó đã chênh chao/ Dấu yêu ơi ký ức của ngày nào/ Ta hẹn ước trao ngọt ngào tha thiết…

Mỗi độ “Tháng ba về” cũng gieo đầy nhớ nhung trong thơ của Hoàng Minh Tuấn: Tháng ba về …/ Hoa gạo đỏ triền đê/ Anh đợi em trên lối về xưa cũ/ Tiễn em đi khi Mộc Miên ngày đó/ Đỏ rực trời như nỗi nhớ anh mang!Tháng ba về …/ nắng gieo những hạt vàng/ Cứ buông rơi nhẹ nhàng như nhắc nhở/ Mấy mùa qua, mấy mùa hoa gạo nở/Em ở đâu cho nỗi nhớ đong đầy!… Tháng ba về, lời thơ ấy cứ được lặp đi lặp lại trong mỗi khổ thơ trong bài, tạo thành một điệp khúc da diết vô cùng-điệp khúc tình yêu, của những kỷ niệm, tạo nên những đợt sóng lớp lớp trào dâng trong lòng người.

Tháng và hoa gạo” trong thơ của Phan Thu Hà lại mong manh, nhẹ nhàng như một lời thủ thỉ với những hình ảnh lãng mạn, thi vị, nên thơ: Anh có về thăm hoa gạo tháng ba/ Để nhớ về một thời hoa đỏ/ Cái thời em hay mơ màng nhìn qua khung cửa sổ/ Và thả hồn mình vào những cánh buồm mây/ Hoa gạo vương đầy trên lối cỏ chiều nay/ Nghe rưng rức một triền đê ngập nắng/ Hoa vẫn đỏ giữa khoảng trời trống vắng/ Mỗi cánh hoa như tia lửa mặt trời…

Tháng ba, hoa gạo không phải của riêng ai. Nhưng khi bước vào thi ca, bằng nỗi niềm cảm xúc riêng, bằng phong cách riêng biệt, mỗi nhà thơ lại vẽ nên một đường nét của tháng ba và hoa gạo theo cách riêng mình. Dù mong manh hay đậm nét, tháng ba và hoa gạo luôn đẹp, đẹp cả trong thực tại và cả trong nỗi nhớ, niềm thương…/.

Xuân Hạ. Ảnh: Trọng Luân

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Mùa hoa gạo trong thơ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác