Print Thứ Sáu, 15/03/2024 11:45 Gốc

Thời gian qua, hình thức bán hàng qua livestream (phát trực tiếp) qua các mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok, trên các kênh thương mại điện tử… được các chủ cửa hàng sử dụng ngày càng nhiều. Khi thương mại điện tử bùng nổ, mua sắm online được nhiều người ưa chuộng thì đây cũng là mảnh đất “màu mỡ” với tội phạm lừa đảo cùng nhiều chiêu thức nhắm vào khách hàng.

Tiềm ẩn nhiều “bẫy” mua hàng

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa, 31 tuổi, kế toán Công ty TNHH Thương mại DHP Land (quận Lê Chân) kể, từng đặt mua thịt lợn gác bếp của một cơ sở sản xuất tại huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) vào dịp Tết Giáp Thìn vừa qua khi tham gia buổi livestream trên Facebook có hàng nghìn người xem. Thấy người bán vừa quảng cáo, vừa xé thịt ăn trực tiếp, chị Hoa có cảm giác yên tâm. Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, sản phẩm không giống như quảng cáo. Thịt rất khô, không có mùi thơm, xé ra cũng không có màu hồng như hình ảnh phát trực tiếp, có chỗ còn bị mốc xanh. Do không quay hình ảnh lúc nhận hàng nên bên bán hàng không nhận đổi trả, chị Hoa đành vứt bỏ.

Tại các “sự kiện” livestream bán hàng như vậy, khách mua có nhu cầu sẽ đặt hàng trực tiếp phía dưới phần bình luận. Cửa hàng “chốt” đơn hàng và yêu cầu khách đưa thông tin cá nhân, gồm: Số điện thoại, tên, địa chỉ, mã số mặt hàng.

Anh Phạm Ngọc Minh, phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) cho biết: Đầu tháng 2/2024, anh vào trang bán hàng đang livestream để chọn mua bộ quần áo thể thao tại Hà Nội với mức giá hơn 1 triệu đồng, có để lại số điện thoại, địa chỉ. Sáng hôm sau, anh Minh nhận được điện thoại báo hàng đến nơi. Anh thấy lạ vì đơn hàng này giao quá nhanh, nhưng vẫn thanh toán. Sau khi kiểm tra hàng, thấy quần áo không như hàng đã đặt, anh liên lạc ngay với nơi bán hàng thì được biết đơn hàng của anh đang trên đường giao, khoảng 2 ngày sau mới đến. Lúc ấy, anh Minh mới hay mình bị đánh cắp thông tin qua phần bình luận, phải nhận hàng của người bán khác, không đúng với sản phẩm đã đặt.

Khi mua hàng qua hình thức livestream, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi thanh toán.

Tăng cường phối hợp kiểm soát

Thời gian qua, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan chức năng phát hiện không ít trường hợp livestream bán hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Như cuối tháng 12/2023, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kiểm tra kho hàng của chị Nguyễn Hoàng Mai Ly, sinh năm 1995, là người bán hàng livestream nổi tiếng trên nhiều nền tảng mạng xã hội tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội). Theo đó, kho hàng này có giá trị lên đến 19 tỷ đồng, với các loại mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng, trên vỏ hộp thể hiện xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Canada… nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hải Phòng Trần Thành Vin, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố chưa có vụ việc lừa đảo liên quan đến hoạt động livestream bán hàng. Tuy nhiên, việc mua hàng kiểu này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi do hoạt động trên môi trường mạng, một số tài khoản bán hàng không đăng ký tại Việt Nam nên gây khó khăn đối với cơ quan chức năng trong việc truy xét các thông tin của tài khoản bán hàng kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc. Cục Quản lý thị trường thường xuyên phối hợp cơ quan chức năng, ngành thông tin để rà soát các tài khoản bán hàng, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm, các hành vi gian dối, bán hàng nhái, hàng giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, nếu trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015.

Để ngăn chặn, phòng ngừa, giảm bớt nạn hàng giả nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như phòng, chống nguy cơ thất thu thuế với ngân sách nhà nước trong hoạt động bán hàng qua livestream, ông Nguyễn Bình Minh, Chủ tịch Hội Đo lường và Bảo vệ người tiêu dùng thành phố Hải Phòng cho rằng, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp chặt chẽ các đơn vị chủ quản của sàn thương mại điện tử, nền tảng số, mạng xã hội để thực hiện các giải pháp như: Cho phép người dân báo cáo tài khoản livestream bán hàng giả, hàng kém chất lượng; kiểm soát, bảo đảm tài khoản có hoạt động livestream đăng ký bằng các thông tin thật; chỉ cho phép livestream bán hàng khi có giấy phép đăng ký kinh doanh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép, có các biện pháp xử lý nghiêm nếu các tài khoản livestream vi phạm quy định như khóa tài khoản, trừ tiền ký quỹ…, chia sẻ dữ liệu các tài khoản livestream vi phạm pháp luật về buôn bán hàng giả tới cơ quan chức năng để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Bài: Kim Minh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Mua hàng trực tuyến qua livestream: Cân nhắc kỹ trước khi “chốt đơn”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác