Print Thứ hai, 17/04/2023 17:00 Gốc

Mua bán, sử dụng ô-tô cũ nhập khẩu từ nước ngoài không phải là câu chuyện mới. Song, với những hình thức ngày càng tinh vi của mọt số người bán, cộng thêm sự nhẹ dạ cả tin từ người mua, khiến nhiều người sập bẫy lừa đảo này.

Sập bẫy do… rẻ

Trước đây, các loại ô tô “nhập lậu” từ nước ngoài… được mua bán “sang tay” qua các mối thân quen từ người này qua người khác, nhằm lách luật, tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội Facebook, Zalo…, các “sàn” giao dịch ô tô cũ “nhập lậu” từ nước ngoài hoạt động công khai trên mạng internet. Như “Hội mua bán xe Ngân-Lào-Campuchia” trên facebook có tới 15,5 nghìn thành viên, nhóm “Hội mua bán xe ngân Lào toàn quốc” với 22,3 nghìn lượt thành viên. Mỗi ngày, các nhóm đăng hàng chục bài viết giới thiệu bán xe cũ được nhập từ Lào, Campuchia về Việt Nam với giá “siêu hời”, chỉ bằng 1/5 giá thị trường. Bình luận rôm rả trên nhóm, song giao dịch “chốt đơn” lại được các bên thỏa thuận kín qua tin nhắn cá nhân trên các nền tảng xã hội. Bởi vậy, không ít người sập bẫy lừa đảo khi ham xe giá rẻ.

Trước đó, anh Trần Tuấn L. ở đường vòng Vạn Mỹ, phường Máy Chai (quận Ngô Quyền) sập bẫy lừa đảo mất 290 triệu đồng vào tháng 2 vừa qua. Anh L. tham gia hội nhóm “Xe ngân xe Lào Việt Nam”, khi facebook “Nguyễn Lê Phương Bảo” đăng bài quảng cáo bán xe cũ, có nguồn gốc nhập từ Lào, Campuchia, nên vào hỏi giá. Thực tế, chủ tài khoản facebook trên là Võ Thanh Lâm, 25 tuổi, ở xã Bình Tú, huyện Thăng Bình (Quảng Nam), lấy hình ảnh xe ô tô từ mạng facebook rồi quảng cáo nguồn gốc từ Lào, Campuchia, đăng vào hội nhóm bán xe nhằm lừa đảo. Lâm sử dụng sim điện thoại “rác” đăng ký tài khoản zalo “Auto Phương Bảo” trao đổi riêng với khách hàng. Đến ngày 9/2, anh L. “chốt” xe ô-tô Mercedes C300, nguồn gốc từ Campuchia với giá 300 triệu đồng, trong khi giá xe này mới là… 2,1 tỷ đồng. Bằng thủ đoạn gọi điện thoại, nhờ người đóng giả các bên vận chuyển, giao xe, Lâm khiến anh L tin tưởng và chuyển tiền qua ngân hàng. Sau khi nhận được tiền, Lâm và đồng bọn xóa Facebook, Zalo, bỏ sim điện thoại, cắt liên lạc với anh L. Nhận được tin báo tố giác của anh L., bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 25/3 vừa qua, Công an quận Ngô Quyền bắt giữ Lâm và đồng bọn. Hiện vụ án được mở rộng điều tra, xử lý theo quy định.

Đây không phải là lần đầu các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan mua bán ô tô cũ được các cơ quan quản lý phát hiện và xử lý. Cuối tháng 7/2022, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trung Hiếu, 28 tuổi ở phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La (Sơn La) 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Theo đó, Hiếu tìm thông tin trên nhóm “Hội xe Ngân-Lào-Campuchia” để mua xe mang biển khiểm soát của Lào và Campuchia với giá rẻ, rồi làm giả giấy tờ hoặc sử dụng giấy tờ giả có sẵn khi mua xe rồi lừa đảo, bán cho người khác để chiếm đoạt tài sản.

Ô tô được kiểm tra số khung, số máy khi đi đăng ký biển số, nhằm tránh phát hiện xe không rõ nguồn gốc. Ảnh: Minh Tuấn.

Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý

Do nhu cầu mua ô-tô làm phương tiện đi lại trong khi điều kiện kinh tế eo hẹp, nên nhiều người lựa chọn mua ô-tô qua sử dụng. Đây chính là lý do nhiều đầu lậu nhập xe đã qua sử dụng, không có giấy tờ hợp pháp bán rẻ cho người sử dụng. Nhiều người vì ham rẻ, chưa chú ý các quy định hoặc nhận xe và các loại giấy tờ giả nhưng không biết đã vô tình tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật này. Thiếu tá Vũ Gia Viện, Phó đội trưởng Đội điều tra tổng hợp (Công an quận Ngô Quyền) cho biết: Điều 3, Nghị định 152/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhiều điều kiện để phương tiện cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam, trong có quy định người điểu khiển xe phải là người nước ngoài. Các xe mang biển kiểm soát nước ngoài chỉ sử dụng diện tạm nhập, tái xuất trong vòng 30 ngày tại Việt Nam. Công dân sử dụng xe nhập khẩu sai quy định, sử dụng giấy tờ giả, biển số xe giả, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, người dân tuyệt đối không nên mua xe cũ có nguồn gốc nước ngoài không đúng quy định.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an thành phố) thông tin: Hiện một số người lợi dụng mạng xã hội, cùng các thủ đoạn tinh vi làm giả giấy tờ đăng ký, đăng kiểm xe… hợp thức hóa các xe nhập lậu vào Việt Nam nhằm đối phó với các cơ quan chức năng. Bởi vậy, người dân nên tìm mua các loại xe có nguồn gốc, có giấy tờ hợp lệ và làm các thủ tục mua bán, sang tên, đổi biển số theo quy định. Hải Phòng đang triển khai lắp đặt hệ thống camera xử phạt nguội tại một số điểm nút giao thông. Đây cũng là cơ sở để thời gian tới Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các xe nhập lậu sử dụng biển số giả, sai quy định tham gia lưu thông.

Để hạn chế tình trạng lừa đảo nêu trên, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, cần rõ trách nhiệm và sự vào cuộc của các cơ quan quản lý an ninh mạng và các cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, lực lượng biên phòng. Việc nhà mạng rà soát loại bỏ các sim rác, sim chưa đăng ký cũng chính là biện pháp để ngăn chặn các hành vi lừa đảo trên./.

Tuệ Minh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Mua bán ô tô cũ không cũ nguồn gốc nhập từ nước ngoài: Cảnh giác kẻo sập bẫy lừa đảo
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác