Print Thứ Sáu, 17/11/2023 20:58 Gốc

Về Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản (gọi tắt là VJEPA), một số nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp của Ủy ban trọng tài bao gồm:

Nguyên tắc làm việc

Ủy ban trọng tài phải họp kín. Các bên tranh chấp sẽ chỉ có mặt tại các cuộc họp khi được Ủy ban trọng tài mời tham dự. Ủy ban trọng tài sẽ quy định các trình tự, thủ tục của mình sau khi tham khảo ý kiến của các bên tranh chấp.

Địa điểm giải quyết tranh chấp

Nơi diễn ra các cuộc họp chính thức của Ủy ban trọng tài sẽ được các bên tranh chấp thỏa thuận quyết định. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, địa điểm giải quyết tranh chấp sẽ luân phiên, trong đó cuộc họp chính thức đầu tiên sẽ được tổ chức tại thủ đô của bên bị khiếu nại.

Khung thời gian hoạt động

Ủy ban trọng tài tự quy định trình tự, thủ tục riêng liên quan đến việc xem xét vụ việc. Sau khi tham khảo ý kiến của các bên tranh chấp, ngay khi điều kiện cho phép trong vòng 7 ngày sau khi thành lập, Ủy ban trọng tài phải thống nhất khung thời gian cho hoạt động xét xử của mình.

Thời hạn để Ủy ban trọng tài xem xét một vụ tranh chấp được quy định là 120 ngày kể từ ngày thành lập Ủy ban trọng tài.

Khi xây dựng khung thời gian này, Ủy ban trọng tài phải dành thời gian hợp lý cho các bên tranh chấp chuẩn bị các tài liệu đệ trình của mình. Ủy ban trọng tài phải quy định thời hạn cụ thể để các bên đệ trình các tài liệu và các bên phải tuân thủ thời hạn đó.

-Thủ tục đình chỉ và hủy bỏ tố tụng

Cơ chế Việt Nam- Nhật Bản không quy định cụ thể về thủ tục đình chỉ quá trình giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, Điều 122 có quy định các bên tranh chấp được phép hủy bỏ quá trình tố tụng trước khi Ủy ban trọng tài ra phán quyết.

-Dự thảo phán quyết

Thời hạn để Ủy ban trọng tài ra dự thảo phán quyết là 90 ngày kể từ ngày thành lập. Thời hạn để cho các bên bình luận vào dự thảo phán quyết của Ủy ban trọng tài là 15 ngày kể từ ngày có dự thảo.

-Phán quyết

Nội dung này được quy định trong điều 121 của Hiệp định VJEPA. Theo đó, thời hạn ra phán quyết của Ủy ban trọng tài là trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra dự thảo phán quyết, tức là 120 ngày kể từ ngày thành lập Ủy ban trọng tài.

Ủy ban trọng tài ra phán quyết dựa trên nguyên tắc đồng thuận, trường hợp không thể đạt được quyết định đồng thuận thì ra phán quyết trên nguyên tắc đa số. Phàn quyết của Ủy ban trọng tài có tính chung thẩm và ràng buộc đối với các bên tranh chấp.

VJEPA không quy định về việc công bố phán quyết của Ủy ban trọng tài

-Thi hành phán quyết

Nội dung này được quy định trong Điều 123 của Hiệp định VJEPA. Về nguyên tắc, các nước tham gia ký kết hiệp định đề cao việc tự nguyện tuân thủ phán quyết. Thời hạn để thống nhất việc thực hiện kiến nghị của Ủy ban trọng tài là 20 ngày.

-Bồi thường và đình chỉ nhượng bộ

Nội dung này được quy định trong Điều 123 của Hiệp định, theo đó bên muốn đình chỉ nhượng bộ hoặc nghĩa vụ, phải thông báo cho bên bị đình chỉ và các bên liên quan về mong muốn của mình.

Bên muốn đình chỉ phải tìm cách đình chỉ nhượng bộ hoặc các nghĩa vụ khác trong cùng ngành hoặc các ngành bị ảnh hưởng bởi biện pháp bị kiện và chỉ khi việc áp dụng nguyên tắc này không khả thi thì bên muốn đình chỉ mới được đình chỉ nhượng bộ hoặc các nghĩa vụ khác ở các ngành khác.

Trường hợp bất kỳ bên nào trong tranh chấp không nhất trí với mức độ và phạm vi các lĩnh vực bị đình chỉ nhượng bộ hay cho rằng mình đã tuân thủ phán quyết của Ủy ban trọng tài thì đều có quyền triệu tập lại Ủy ban trọng tài ban đầu để xem xét vấn đề. Thời hạn cụ thể để Ủy ban trọng tài quyết định việc này là 60 ngày.

Các vấn đề khác như sau:

Thông tin kỹ thuật

Nội dung này được quy định tại Điều 120 của VJEPA. Ủy ban trọng tài có quyền tìm kiếm thông tin và tư vấn kỹ thuật từ bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà họ cho là phù hợp nhưng phải thông báo trước cho các bên tranh chấp. Ủy ban trọng tài phải tham vấn các bên tranh chấp trước khi lựa chọn chuyên gia và phải lựa chọn ít nhất hai chuyên gia để hỏi ý kiến.

Về chi phí

Điều 124 VJEPA quy định về vấn đề chi phí phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp. Theo đó, trừ khi các bên trong tranh chấp có thỏa thuận khác, nếu không:

Mỗi bên trong tranh chấp sẽ chịu chi phí cho trọng tài viên mà bên đó bổ nhiệm và chi phí, phí tổn pháp lý của riêng bên đó.

Chi phí của Chủ tịch Ủy ban trọng tài và các chi phí khác gắn liền với việc thực hiện thủ tục tố tụng của Ủy ban trọng tài sẽ do các bên trong tranh chấp cùng chịu trên cơ sở chia đều.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Một số nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp của Ủy ban trọng tài   
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác