Print Thứ Bảy, 17/08/2019 14:59

Mỗi dịp đến ngày 19-8, ngày Cách mạng thành công, cũng là ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân, trên mọi ngõ ngách của dải đất hình chữ S đều rộn ràng vang lên giai điệu ca khúc “Mười chín tháng Tám”, nhắc lại lịch sử hào hùng của dân tộc.

Ít ai biết, trong cuộc đời mình, nhạc sĩ Xuân Oanh đã trải qua những kỷ niệm đáng nhớ làm nên con người ông và thổi hồn truyền thống cách mạng vào các thế hệ con cháu ông.

Tuổi thơ chật vật

Xuân Oanh cất tiếng chào đời vào một sớm mùa Ðông, ngày 4 tháng 1 năm 1924 ở cửa sông Bạch Ðằng, thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Mẹ mất sớm, ông rời nếp nhà đơn sơ ở tuổi lớp 4. Ðậm trong trí nhớ tuổi thơ của ông là người chị cả “đẹp nhất thị trấn” của ông bị viên quan năm Tây bắt làm vợ, và chỉ đưa chị về nhà sau khi đã hành hạ chị đến chết.

Không có tiền, ông kiếm miếng ăn qua ngày bằng học lỏm từ bậu cửa sổ để học hộ, làm bài hộ. Ông biết đến nhạc, họa và bước vào đời qua những bậu cửa như thế. Lớn thêm, ông vào làm ở xưởng kẽm Quảng Yên cho đến khi bị điện giật rơi xuống từ cột điện cao thế. Tỉnh dậy sau 5 ngày, ông dạt sang Hải Phòng làm đủ nghề, từ làm gia sư, vẽ tranh đến đàn hát ở quán bar, và quen biết các nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Ðình Thi từ dạo ấy.

Ðầu những năm 1940, ông lên Hà Nội, ngày làm thuê đóng giày ở gần Bờ Hồ, tối đi dạy học, hát ở quán kiếm tiền. Ông chủ hiệu giày hứa nếu bán giày được bằng tiếng Anh sẽ trả thêm. Nhờ biết tiếng Anh mà sau này, ông trở thành một trong hai phát thanh viên tiếng Anh đầu tiên của Ðài Tiếng nói Việt Nam sau năm 1954.

Từ một tuổi thơ chật vật, Xuân Oanh tự học và trở thành nhà báo lứa đầu tiên của tờ Cứu Quốc, tiếp đó trở thành nhà ngoại giao nhân dân, rồi dịch giả đa ngôn ngữ. “Chuyện phiêu lưu của Hắc Phin” ông dịch trên chuyến tàu hỏa từ Mátxcơva về Bắc Kinh, đến Hà Nội thì hoàn tất. Ông góp phần giới thiệu thơ văn tiếng Việt ra thế giới, trong đó có cuốn thơ Hồ Xuân Hương trong “Tuyển tập thơ nữ Việt Nam” (NXB Phụ Nữ), vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Lưu Quang Vũ), tiểu thuyết “Ông cố vấn” (Hữu Mai). Ông là tác giả ca khúc bất hủ “Mười chín Tháng Tám”.

Cố nhạc sĩ Xuân Oanh.

Ở nước ngoài, ông từng nổi danh với những bản hợp xướng gợi nhớ tình yêu quê hương, yêu hòa bình, được sáng tác ngay trong những chuyến đi tuyên truyền hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, như “Quê hương hai tiếng ấy” (ở Pháp), “Trời sẽ lại trong xanh” (ở Nhật Bản). Về già, ông trở lại với những bản tình ca da diết mà ông phổ nhạc như “Gọi Thu”, “Hương Nhài”.

Triết lý sống đơn giản của ông là “sống để yêu”. Những người bạn Mỹ của ông kể lại, hồi quản phi công Mỹ ở Hỏa Lò, ông thường chia sẻ với phi công thuộc nhiều tiểu bang bằng tiếng địa phương của họ. Có lần ông nói đùa: “Bọn mày bảo rải thảm để biến Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá. Thật ra bọn mày làm tốt hơn thế. Bọn mày đang biến Hà Nội thành thời kỳ đồ xương”.

Rồi ông ôm đàn, hát cho họ nghe một khúc hát đồng quê thanh bình của Mỹ. Sau này, nhiều người con của các phi công Mỹ vẫn còn tìm đến thăm nếp nhà đơn sơ của ông ở phố Quán Sứ để tưởng nhớ về một người bạn của những người cha đã quá cố của họ.

Tình yêu với nữ điệp báo Công an Hà Nội và các con

Tình duyên của Xuân Oanh chắc do “trời định”. Một hôm, ông đứng gác để lãnh đạo họp trong rạp Ðại Nam (ngày nay) thì bắt gặp, hẹn hò Xuân Uyên, cô nữ sinh Ðồng Khánh đi biểu tình về nhà ở chợ Hôm. Toàn quốc kháng chiến, Xuân Oanh lên chiến khu, Xuân Uyên ở lại nội thành với Ðội Tự vệ Chiến đấu Thành Hoàng Diệu, tham gia giành giật từng góc phố cổ Hà Nội, rồi làm Trạm trưởng Trạm Ðiều tra Phản gián của CAHN, tổ chức hoạt động điệp báo ngầm ở nội thành. Năm 1949 bà bị Pháp bắt, bị tra tấn dã man trước khi được đồng đội giải cứu lên Việt Bắc.

Năm 1951, đám cưới của họ diễn ra đơn sơ trong một góc rừng Việt Bắc dưới khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”. Món quà cưới giá trị nhất là một rổ trứng luộc. Lúc cao hứng, chú rể ôm đàn nhảy lên bàn hát ứng tác một liên khúc. Sớm hôm sau, máy bay Pháp ném bom san phẳng “phòng cưới” của họ. 1956, hai người có con trai đầu lòng sau 5 năm tưởng như Xuân Uyên không thể sinh con do cơ thể bị tàn phá bởi đòn thù. Người con cả của họ sau trở thành một vị tướng trong lực lượng CAND.

Nhạc sĩ Xuân Oanh và bà Xuân Uyên ngày cưới (năm 1951).

Với các con, Xuân Oanh để họ lớn lên theo cách riêng, không ép buộc và luôn bên con như người bạn. Mỗi khi bà Xuân Uyên phàn nàn về con, ông thường im lặng. Lần duy nhất ông nghỉ phép trong đời là dành cho con cả khi thấy con “oánh vật” với môn tiếng Anh. Trong hai tuần giữa cái nóng ở căn nhà hầm ngột ngạt mất điện giữa mùa hè, ông vừa dạy vừa quạt cho con. Ông nhắc lời Bác dạy ở Việt Bắc: “Ông Cụ bảo không có ngoại ngữ thì như người tịt mũi, thơm thối gì cũng chả biết”.

Người con thứ của ông tài hoa, mạnh mẽ hơn cả. Giữa những năm sống thuận lợi trong bao cấp, người con thứ muốn rời công ty của nhà nước để ra ngoài tự làm ăn. Ðó là một chuyện không tưởng, từ bỏ một công việc nhàn hạ, an toàn để tự bươn chải. Ông họp gia đình, thuyết phục vợ. Người con thứ sau lập một công ty lấy tên bí danh của mẹ thời hoạt động nội thành, từng bước vượt khó và thành đạt trên đôi chân của mình.

Người con út có ham thích chu du, khám phá, và trái với lựa chọn của mẹ, muốn chọn Ðại học Ðịa chất làm điểm kết thúc của tuổi học trò. Bà Xuân Uyên buồn phiền, can ngăn, sợ đời con vất vả. Ông Xuân Oanh không nói gì, lặng lẽ đưa cho trai út mấy cuốn sách về những câu chuyện kỳ thú ngành địa chất. Nhưng chắc duyên với mẹ hơn nên người con út vào Công an, sau cũng trở thành một vị tướng.

Cô cháu nội với “Vườn Cổ tích của Ông”

Nhạc sĩ Xuân Oanh có 5 cháu nội, hai gái ba trai, mỗi đứa ông yêu một kiểu, nhưng Thư có may mắn được gần gũi ông nhiều hơn cả. Thơ ấu, cô bé được ông yêu chiều. Trong nhiều năm, “Anh Thư” nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết của Mỹ được chuyển ngữ sang tiếng Việt từ căn nhà hầm ở 54 Quán Sứ.

Thư lớn lên mỗi ngày theo sự già đi của ông. Xuân Oanh thổi vào cô bé những gì là của mình, ham muốn khám phá, nghị lực chinh phục, hài hước dí dỏm và cả những nét “không giống ai”. Hình ảnh mà cô bé nhớ về ông mình là một “chàng trai” 80 tuổi mặc quần Jeans đội mũ Levis, vừa đi bộ vừa huýt sáo một giai điệu kiểu “Trời thật là đẹp và cô em thật là mốt”. Cô bé ưa thích Spaghetti Bolognese kèm cà chua bi và pho mai bào – món ăn Tây mà với nó, hai ông cháu mỗi đợt hàng tuần “luyện chưởng” Kim Dung. Tiếng gọi mà cô bé nhớ nhất là “Darling number one” (Người yêu thương số 1) mà ông dành cho cô.

Lớn lên, giống như người bác, cô bé ghi dấu đời mình bằng một công ty tư nhân đặt tên theo kỷ niệm về ông, “Vườn Cổ tích của Ông”. Cô nói đó là cách cô “trả đũa” vì ông đã bắt cô phải trở thành dịch giả trứ danh. Cây trái của khu vườn đó là những công thức tự mày mò nghiên cứu, những mẫu mỹ phẩm giản dị tự sáng tạo, và những cuốn sách nhiều thứ tiếng được tìm tòi, khám phá và phổ biến bằng chính tình yêu của ông. Con đầu lòng, cô đặt “nhái” tên ông: “Xuân Anh”!

Ðó là cách mà cô bé muốn ông sống mãi với đời.

Trần Hoàng Thiên Kim

Nguồn: Báo CAND

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Một góc đời của tác giả ca khúc “Mười chín Tháng Tám”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác