Vở diễn ít nhiều làm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân trong khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, việc tập trung người trong một khán phòng là không phù hợp.
Đây là vở diễn thứ hai sau vở diễn về người chiến sĩ cộng sản “Nguyễn Đức Cảnh” cũng trên truyền hình Hải Phòng cách đây tròn một tháng. Cũng xin nói luôn, có được hai vở diễn đã phát trên truyền hình và sau đây cứ cách một tháng Đài Truyền hình Hải Phòng lại phát một vở diễn mới về Hải Phòng là sáng kiến của Thành ủy, UBND Thành phố và Sở VHTT Hải Phòng đáng để các tỉnh, thành trên cả nước học tập giữa khi các thể loại sân khấu nước ta đang trong tình trạng suy thoái, vắng bóng người xem.
Cách đây nửa năm, Thành ủy, UBND Thành phố đã quyết định sân khấu phải là hình thức chủ đạo tuyên truyền về truyền thống, bản sắc của Hải Phòng trong quá trình phát triển và trưởng thành. Bên cạnh đó cũng là cách để phục hồi lại nền sân khấu thành phố biển đã từng là một trong những trung tâm lớn của làng kịch nước ta với những vở diễn đầy sức hút với khán giả cả nước ở mọi thể loại sân khấu như “Ma Sa”, “Biên bản cuộc họp”, “Dòng sông ám ảnh”, “Nữ tướng Lê Chân”…
Thành ủy và UBND Thành phố đã giao cho Sở VHTT Hải Phòng tổ chức thực hiện. Bằng ngân sách thành phố, làm sao mỗi tháng Đài Truyền hình Hải Phòng phát một vở diễn mới về con người và cuộc sống Hải Phòng. Thi hành quyết định này, Sở VHTT Hải Phòng ngay lập tức đã đi tìm, đặt các tác giả sân khấu trong cả nước có sáng tác cũ và mới phù hợp với tiêu chí đề ra để đưa vào kế hoạch dàn dựng.
Vở diễn “Nguyễn Đức Cảnh” mở đầu cho chương trình dài hạn này là kịch phẩm được dựng lại từ kịch bản cũ có sửa chữa và nâng cao của Ngọc Thụ – một tác giả lão thành, được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Vở diễn thứ hai “Một truyền tích Hoa phượng” là một kịch mục mà kịch bản được đặt cho NSƯT Lê Chức – người con của Hải Phòng, từng là diễn viên nổi tiếng của Đoàn kịch nói Hải Phòng.
Đạo diễn của vở diễn rối “Một truyền tích Hoa phượng” vẫn là NSND Nguyễn Tiến Dũng – người đã đoạt danh hiệu Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế tại Hà Nội tháng 10/2019 qua vở diễn tài ba“Thân phận nàng Kiều” với nhiều thủ pháp cách tân đầy sáng tạo. Ở vở diễn của đoàn rối Hải Phòng, Nguyễn Tiến Dũng vẫn trung thành với phương thức kết hợp giữa người và con rối một cách nhuần nhuyễn. Trong dàn dựng, những dải lụa từng làm nên ấn tượng ẩn dụ về sự thăng trầm của cuộc đời Kiều được chuyển hóa sang mô tả sự gắn kết của cặp trai gái làng chài, và sự xung đột khốc liệt giữa thủy thần độc ác với lòng chung thủy của tình yêu. Hình như để tạo ra Sóng – nhân vật nữ chính của vở diễn – khi tìm ra sức mạnh để chiến thắng thủy thần biển, ê-kíp vở diễn có sự ảnh hưởng, hoặc vô tình trùng ít nhiều ý tưởng của “Tấm Cám” – vở diễn đã trở thành hiện tượng của sân khấu Thủ đô dịp hè 2019, chỉ trong vòng 1 tháng đã diễn tới trên dưới 100 suất – khi nhấn mạnh “tình mẫu tử là phép mầu kì diệu giúp con người vượt qua và chiến thắng tất cả”. Cũng với việc sử dụng nhuần nhuyễn các dải lụa, vở diễn đã mô tả nổi bật chất biển từ sinh hoạt của làng chài “đi khơi vào lộng” đến niềm vui khi thuyền về “cá nặng đầy khoang”; đan, vá lưới; sự sinh động của biển khơi từ khúc hát đám cua, cá đến hình tượng “dã tràng xe cát”với những miếng trò đặc trưng cho nghệ thuật rối.
Đến kịch bản dành cho rối thứ hai, Lê Chức tỏ ra có duyên và khả năng khi viết kịch bản sân khấu rối. Kịch bản “Một truyền tích Hoa phượng” rất kiệm lời thoại, và được kết cấu trực tuyến đơn giản theo lối kể chuyện dân gian xen lẫn chất thực và chất ảo đã tạo ra nhiều không gian cho các mảng, miếng của nghệ thuật rối người và con rối phát huy sở trường của mình. Vở rối cổ tích về Hải Phòng khác hẳn “Thân phận nàng Kiều” từ tính cách nhân vật đến cách tạo hình con rối. Nếu trong vở diễn về Kiều, tính cách nhân vật đa dạng, nhiều mặt thì trong kịch bản cũng như vở diễn “Một truyền tích Hoa phượng”, mọi tính cách được mặc định như trong chuyện cổ tích. Thiện – ác, tốt – xấu rạch ròi rất phù hợp cho sự diễn của con rối. Hầu hết hình dáng các con rối của nhân vật trong “Thân phận nàng Kiều” đều được cách điệu một cách sáng tạo dựa trên sự phát triển tính cách như mặt Tú Bà là mặt đồng tiền cổ, đầu Hoạn Thư là chiếc quạt, mặt Thúc Sinh có lúc được lật ngược để thành mặt dê… Còn trong “Một truyền tích Hoa phượng” thì tạo hình rối nhất quán toàn vở: cô Sóng hiền thục với thể hình duyên dáng, đậm đà còn chồng cô, anh dân chài Thiên cơ bắp khỏe mạnh, da đỏ au….
Nếu để lẩy ra đôi ba hạt sạn trong vở diễn này thì hình tượng sau chiến thắng vợ chồng Sóng – Thiên và cậu con trai trở thành hoa phượng tiêu biểu cho thành phố Hải Phòng hơi áp đặt. Bởi với khuôn mẫu gia đình và câu chuyện nếu được huyền thoại hóa thì có thể trở thành bất kỳ một thứ hoa nào không chỉ là hoa phượng. Giá tác giả kịch bản và đạo diễn hướng câu chuyện và tình tiết chuyện để chỉ sự tất yếu thành hoa phượng sẽ hấp dẫn hơn. Điểm nữa, cảnh mở đầu với đôi trai gái hiện đại đi xe đạp nhặt, ép hoa phượng vào trang vở và cảnh đàn cua đùa với sóng biển hơi dài, làm loãng chủ đề và làm đứt sự theo dõi với khán giả.
Nhưng cũng cần ghi nhận sự thành công của vở diễn rối “Một truyền tích Hoa phượng”, qua đó thêm một lần ghi nhận chương trình sử dụng nghệ thuật sân khấu để giáo dục tình yêu, niềm tự hào đối với thành phố quê hương, cũng như hâm nóng lại tình yêu của người dân đối với sân khấu trong giai đoạn sân khấu đang suy thoái này của Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng. Các kịch mục sân khấu trên truyền hình để chuyển tải tới người xem càng đáng trân trọng, hoan nghênh hơn giữa mùa dịch Covid-19 này.
Sáng 15/11, Sở Y tế phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai Quyết…
Ngày 15/11, thông tin từ Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, từ ngày 15/01/2025, giá…
Sáng 15/11, tại trụ sở UBND xã Thủy Sơn (huyện Thủy Nguyên), đồng chí Phạm…
Sáng 15/11, UBND quận Hải An tổ chức Hội nghị Biểu dương phong trào thi…
Ngày 14/11, Đoàn thẩm định số 40, 53 thuộc Ban tổ chức Giải Sao vàng…
Tối 14/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More