Print Thứ Bảy, 26/01/2019 18:37

Ngày 10-7, kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố khóa 15 khai mạc trọng thể. Nhiều nội dung quan trọng, trong đó các nghị quyết như quyết định chương trình việc làm thành phố giai đoạn 2018-2020; một số cơ chế, chính sách trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào, tạo, bồi dưỡng bọc sinh giỏi quốc gia, quốc tế; quyết định cơ chế hỗ trợ vật tư để cải tạo, nâng cấp đường, ngõ xuống cấp trên địa bàn các quận thuộc thành phố… được người dân thành phố quan tâm. Báo Hải Phòng lược ghi lại một số ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân thành phố chung quanh các vấn đề này.

Giảng viên Nguyễn Minh Thụy, Trường đại học Y- Dược Hải Phòng:

Điều chỉnh mức khen thưởng học sinh giỏi đoạt giải phù hợp hơn


Việc xây dựng riêng đề án quy định một số cơ chế, chính sách trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế trình HĐND thành phố xem xét thông qua  tại kỳ họp này được đông đảo người dân quan tâm, đánh giá cao đây là các quy định thiết thực, tạo cơ chế chính sách dài lâu trong việc đào tạo, xây dựng, phát triển đội ngũ nhân tài tương lai cho thành phố.

Tuy nhiên, tôi thấy một số quy định về các kỳ thi quốc tế, khu vực là các kỳ thi nào, với những môn thi cụ thể cần làm rõ hơn. Bên cạnh đó, các đề xuất về mức khen thưởng cho học sinh đoạt giải tại các kỳ thi quốc tế, khu vực, mức chi phí dạy học cho các chuyên gia quốc tế…, là khá cao so với mặt bằng chung các khoản chi cho người nghèo, người có công, người công tác tại vùng xa, hải đảo…  Do vậy, mức chi nên xem xét điều chỉnh phù hợp. Mặt khác, đề án nên nghiên cứu, đánh giá xem có bao nhiêu học sinh đoạt giải quốc tế, quốc gia quay trở lại thành phố làm việc, nguyên nhân và thực trạng để có những giải pháp khắc phục, tránh lãng phí nhân tài.

Ông Hoàng Nhật Thọ, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thủy Nguyên:

Quan tâm đầu tư cho đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất dạy nghề


Đề án về chương trình việc làm thành phố Hải Phòng giai đoạn 2018 – 2010 trình kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố khóa 15 nêu: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tổ chức xây dựng quy chế tổ chức, hoạt động và kế hoạch đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương. Thực tế, hoạt động tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn của trung tâm này chưa phát huy hiệu quả. Riêng tại huyện Thủy Nguyên, trong năm 2018, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên phối hợp Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức mở 4 lớp dạy nghề thủ công, công nghiệp, cắt gọt kim loại cho 120 lao động nông thôn. Song, do thiếu giáo viên, phòng chức năng phục vụ dạy nghề, nên lớp cắt gọt kim loại chỉ có 16 học viên theo học. Do vậy, cần quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề và cơ sở hạ tầng sẽ tạo điều kiện để các trung tâm liên kết với các doanh nghiệp đào tạo và cung ứng lao động phù hợp thực tế nhu cầu tuyển dụng. Hiện nay, huyện Thủy Nguyên có Khu công nghiệp VSIP, cụm công ngiệp ở Trịnh Xá, xã Thiên Hương…, nên nhu cầu tuyển dụng lao động rất cao. Theo tôi, đề án nêu rõ trách nhiệm gắn với đầu tư cụ thể đối với trung tâm để nâng cao hiệu quả phối hợp dạy nghề cho lao động nông thôn.

Ông Phạm Văn Diễn, Phó chủ tịch UBND phường Đông Hải 1 (quận Hải An):

Tăng thêm kinh phí cải tạo đường, ngõ từ nguồn xã hội hóa


Thực hiện chủ trương của thành phố, đến nay, 29 ngõ với chiều dài hơn 2.300 mét trên địa bàn phường Đông Hải 1 tiếp nhận hỗ trợ xi măng để cải tạo, nâng cấp. Từ nguồn hỗ trợ xi măng, sau khi bàn bạc, thống nhất, người dân đồng tình đóng góp, mức trung bình khoảng 3 triệu đồng/hộ, đặc biệt, có hộ dân ủng hộ tới 45 triệu đồng. Một số ngõ, ngách, người dân đóng góp cải tạo lại hệ thống thoát nước, nâng cấp đường ống cấp nước… Sau khi cải tạo, bộ mặt đô thị trên địa bàn phường thay đổi, ngõ xóm khang trang, người dân rất phấn khởi.

Song, trên thực tế địa bàn phường, qua khảo sát một số ngõ như ngõ 31, ngõ 67 phố Phương Lưu… khá dài, rộng, nhưng số hộ ít. Do đó, ngoài phần hỗ trợ xi măng, kinh phí đóng góp của người dân để cải tạo ngõ quá lớn, vượt khả năng của các hộ. Hay như ngõ 269 phố Phương Lưu, hiện xuống cấp, dễ ngập lụt khi mưa, nhưng khu vực này nằm trong quy hoạch tuyến đường 100m, nên nguyện vọng của người dân về việc nâng cấp ngõ gặp khó khăn.

Thời gian tới, tiếp tục thực hiện chủ trương của HĐND thành phố về cơ chế hỗ trợ vật tư để cải tạo, nâng cấp ngõ, ngách trên địa bàn các quận, rất cần sự chủ động của chính quyền địa phương trong công tác xã hội hóa nhằm tăng thêm nguồn kinh phí, hỗ trợ cải tạo các ngõ mà điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn. Có như vậy, các ngõ sau khi được rà soát, đưa vào danh sách cấp hỗ trợ xi măng sẽ không phải hoãn thời gian thi công.

Chị Nguyễn Mai Anh, phường Dư Hàng (quận Lê Chân):

Điều chỉnh học phí để nâng cao chất lượng dạy và học


Tôi thấy việc điều chỉnh mức thu học phí theo Đề án quy định mức thu học phí năm học 2018 – 2019 đối với các trường công lập (giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên) của UBND thành phố là phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương. Mức thu mới tăng không nhiều so với mức thu cũ, nhưng cũng bổ sung một phần chi phí cần thiết cho công tác giảng dạy, sửa chữa cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, bảo đảm lương và thu nhập cho giáo viên để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Việc nâng cấp học phí sẽ khiến giáo viên và học sinh có ý thức, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục. Đồng thời đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của học sinh được quyền lựa chọn trường, lớp, nghề nghiệp và hình thức học tập phù hợp với điều kiện, khả năng của mỗi gia đình.

Báo Hải Phòng 11/7/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Mong sớm hiện thực hóa các đề án, cơ chế chính sách được xem xét thông qua tại kỳ họp
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác