Print Thứ Sáu, 25/10/2019 17:08

Sông Rế (hệ thống thủy lợi An Kim Hải) có nhiều nhánh với tổng chiều dài khoảng 65 km, đi qua địa bàn huyện Kim Thành (Hải Dương), huyện An Dương và quận Hồng Bàng (Hải Phòng). Trong đó, đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng do Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi An Hải quản lý.

Gia tăng tình trạng ô nhiễm

Hiện nay, sông Rế đóng vai trò cung cấp nước thô cho Nhà máy nước (NMN) An Dương, với công suất 140.000 m3/ngày; NMN Vật Cách 1 (17.000 m3/ngày) và NMN Vật Cách 2 (20.000 m3/ngày). Tuy nhiên, Theo Công ty CP Cấp nước Hải Phòng, nguồn nước này có xu hướng gia tăng tình trạng ô nhiễm. Các chỉ tiêu về Amoni, Nitrit, Hữu cơ nhiều thời điểm vượt ngưỡng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước mặt để sản xuất nước sinh hoạt và tăng cao so với các năm trước.

Trong đó, tại khu vực của nhà máy nước (NMN) Vật Cách 1 và Vật Cách 2, nước thô lại thường gặp tình trạng ô nhiễm Mangan. Mức độ ô nhiễm của nguồn nước sông Rế theo thời điển và chủ yếu tập trung chủ yếu vào mùa mưa, từ khoảng tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Nguyên nhân là do vào mùa mưa, nhu cầu thoát nước trong khu vực dân cư, khu sản xuất công nghiệp, làng nghề lớn. Nước mưa pha trộn với nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và cả từ sản xuất công nghiệp trên lưu vực nguồn nước sông Rế thẩm thấu, tràn bờ kè, mặt cống vào sông, rất khó kiểm soát. Mùa mưa cũng là lúc biên độ thủy triều lên cao, xuống thấp thất thường, gây khó khăn cho việc thau rửa, vận hành

Công ty CP cấp nước Hải Phòng và đơn vị quản lý thủy lợi (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải) đã khảo sát, lấy mẫu nước xét nghiệm và lập ‘danh sách đen” các khu vực có nguy cơ cao gây ô nhiễm sông Rế, Cụ thể, khu vực thứ nhất là cửa cống An Trì – Phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng. Đây là cống xả của kênh Bắc Nam Hùng, một kênh nhánh của Sông Rế, dài khoảng 8 km từ Cống Tây Hà (xã Bắc Sơn, huyện An Dương) về đến Cống An Trì (phường Hùng Vương). Kênh này tiếp nhận nước thải từ các khu dân cư, các doanh nghiệp và Bệnh viện GTVT dọc tuyến Quốc lộ 5, đường 351 trên địa bàn các xã Bắc Sơn, Nam Sơn (huyện An Dương) và phường Hùng Vương (quận Hồng Bàng).

Nhà xưởng xây dựng sát mép nước, xả thải xuống nguồn nước thôi.

Khu vực thứ 2 là nằm trên đoạn có cửa xả từ mương thoát nước thôn Quỳnh Hoàng, xã Nam Sơn, huyện An Dương. Tuyến mương này là tuyến mương thủy lợi nhỏ dài khoảng trên 1 km từ thôn Quỳnh Hoàng, đấu nối vào sông Rế (cách cầu Rế khoảng 700 m) và cách Trạm bơm Quán Vĩnh 3,4 km về phía thượng lưu. Mương này tiếp nhận nước thải của dân cư và một số doanh nghiệp tại thôn Quỳnh Hoàng, xã Nam Sơn, ô nhiễm cao, nước đen, có mùi hôi, thoát trực tiếp vào sông Rế. Kết quả phân tích mẫu nước thải mương Quỳnh Hoàng lấy ngày 13-3-2019: Các chỉ tiêu Amoni, tổng chất rắn hòa tan, COD, Coliform tổng số cao vượt Quy chuẩn về nước thải sinh hoạt khi xả vào nguồn nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

Khu vực thứ 3 là kênh Hỗ Đông, thuộc xã Hồng Phong, huyện An Dương. Đây là tuyến kênh thủy lợi, dài khoảng 1,5 km chạy dọc theo đường liên xã Hồng Phong và Tân Tiến (huyện An Dương), đấu nối vào sông Rế tại cầu Hỗ (chưa có cống ngăn với sông Rế). Kênh này tiếp nhận nước thải từ dân cư của các thôn Hà Đậu, Hỗ Đông, xã Hồng Phong, mức độ ô nhiễm cao, nước màu đen, có mùi hôi, thoát trực tiếp ra sông.

Nhà dân xây dựng lấn chiếm lòng sông và trực tiếp xả nước thải xuống nguồn nước.

Kết quả phân tích mẫu nước sông Rế lấy ngày 16-10-2019, các chỉ tiêu Amoni và Nitrit đều vượt rất nhiều lần tiêu chuẩn cho phép và tăng cao từ phía cống An Trì về trạm bơm Quán Vĩnh. Cụ thể, chỉ số Permanganat đo được là 8,86mg/L (tiêu chuẩn cho phép không quá 5,26%); chỉ số Amoni (N) đo được 4,60mg/L (chỉ số cho phép không vượt quá 0,30mg/L); chỉ số Mangan là 0,272 (chỉ số cho phép không vượt quá 0,200mg/L). Theo quy trình vận hành bình thường, cống An Trì chỉ mở để xả kênh Bắc Nam Hùng ra sông Rế đồng thời khi mở đập Cái Tắt xả ra sông Tam Bạc. Tuy nhiên, khi đập Cái Tắt đóng, do cống An Trì không kín hoặc do người dân tự mở làm nước thải thoát ra sông Rế và ô nhiễm ngược về phía Trạm bơm Quán Vĩnh.

Ngoài ra còn một số khu vực khác là mối nguy cơ cao gây ô nhiễm nước trên sông Rế như: các KCN Tràng Duệ, An Dương, huyện An Dương; doanh nghiệp dọc QL5 cạnh kênh Kim Xá – xã Lê Thiện, An Dương; các trại chăn nuôi trên địa bàn các xã Hồng Phong, Lê Thiện; khu vực bãi rác, trại chăn nuôi, nước thải dân cư tại huyện Kinh Thành (Hải Dương)…

Đảm bảo chất lượng nguồn nước

Để phục vụ công tác phối hợp kiểm tra nguồn nước sông Rế, ngày 22-10,  Công ty CP cấp nước Hải Phòng và Công ty TNHH  MTV khai thác công trình  thủy lợi An Hải  đã tiến hành khảo sát đã thành lập đoàn công tác  khảo sát thực tế trên tuyến và xây dựng dữ liệu một số sự cố của nguồn nước sông Rế có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nước sạch.

Lãnh đạo Cty CP Cấp nước Hải phòng và đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi khảo sát tìm biện pháp hạn chế ô nhiễm.

Một là, sự cố tràn dầu do khu vực thôn Mỹ Tranh, xã Nam Sơn, có tuyến đường ống xăng dầu đi gần bờ sông Rế. Trường hợp có sự cố có thể làm xăng dầu tràn ra sông, gây ô nhiễm nguồn nước.

Hai là, sự cố về nước thải của các khu, cụm công nghiệp bởi khu vực đầu nguồn sông Rế có các khu, cụm công nghiệp lớn như Tràng Duệ, An Dương, v.v. Trường hợp hệ thống thu gom, xử lý nước thải của các khu, cụm công nghiệp này bị sự cố, sẽ có lượng nước thải công nghiệp lớn không qua xử lý được đưa vào nguồn nước.

Ba là, sự cố về hóa chất từ các doanh nghiệp có lưu trữ, sử dụng hóa chất vì trên lưu vực sông Rế có các khu, cụm công nghiệp và nhiều doanh nghiệp nằm rải rác. Nếu như các doanh nghiệp có lưu trữ, sử dụng hóa chất độc hại bị sự cố có thể làm hóa chất thoát ra môi trường, xâm nhập nguồn nước.

Bốn là, sự cố về xăng dầu, hóa chất từ tai nạn giao thông đường bộ hoặc cố ý. Do điều kiện tự nhiên, sông Rế không có nhiều hoạt động giao thông thủy nhưng nằm gần nhiều tuyến đường bộ. Trường hợp các phương tiện vận tải chuyên chở xăng dầu, hóa chất gặp tai nạn, hoặc do cố ý, có thể làm xăng dầu, hóa chất xâm nhập vào nguồn nước.

Lực lượng chấp trách kiểm tra tình hình xay thải trên sông.

Trao đổi với phóng viên Báo ANHP ông Trần Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP cấp nước Hải Phòng cho biết: Hiện trạng mức độ ô nhiễm nguồn nước thô sông Rế gia tăng nhanh theo từng năm, theo mùa vụ, nhất là mức độ ô nhiễm về tạp chất hữu cơ, gây ra khó khăn, tốn kém trong công tác sản xuất nước sạch. Do đó, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng đề xuất một số biện pháp phối hợp với Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi An Hải để đảm bảo chất lượng nguồn nước sông Rế. Trước tiên là việc khắc phục các điểm có nguy cơ cao và chủ động ứng phó với các sự cố khẩn cấp gây ô nhiễm nguồn nước sông Rế nêu trên. Trong đó, đối với các khu vực có nguy cơ cao cần xác định các biện pháp khắc phục phù hợp và triển khai thực hiện ngay để đảm bảo ngăn chặn được nguy cơ ô nhiễm. Ví dụ, hiện trạng các hộ dân nằm ven sông khu vực thị trấn An Dương (huyện An Dương) đang xả trực tiếp nước thải ra sông Rế. Công ty CP Cấp nước Hải Phòng kiến nghị việc lắp đặt đường ông thu gom nước thải này và đưa vào khu vực xử lý tập trung, không để xả thải xuống sông như hiện nay. Hoặc, các đơn vị liên quan phối hợp triển khai ngay việc xây dựng phương án phối hợp ứng phó khi có sự cố khẩn cấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước thô của nguồn nước sông Rế….

Đoàn Lanh

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Mối lo ô nhiễm nguồn nước thô trên sông Rế
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác