Print Thứ Bảy, 26/01/2019 17:41

Đó là phương châm, bí quyết dạy học mà Tiến sĩ Nguyễn Lan Hương, Trưởng bộ môn Máy xếp dỡ, Viện Cơ khí, Trường đại học Hàng Hải Việt Nam thực hiện trong suốt 25 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”.

 

Là cựu sinh viên Trường đại học Hàng hải Việt Nam, trong 5 năm học tập, cô Nguyễn Lan Hương nuôi dưỡng đam mê với những môn học về cơ khí- chuyên ngành thường thu hút phần lớn sinh viên nam. “Năm 1993, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Hàng hải ViệtNam, tôi may mắn được nhà trường mời ở lại làm giảng viên. Với mong muốn được tiếp nối những giảng viên tâm huyết; giúp những kiến thức trong giáo trình trở nên sinh động, tôi quyết định gắn bó với nghề “chèo đò” tại Viện Cơ khí”, cô Hương cởi mở.

 

Môn máy xếp dỡ tưởng chừng khô khan song rất hữu ích trong bối cảnh thành phố Hải Phòng dịch vụ vận tải-hàng hải phát triển mạnh mẽ. Để sinh viên hứng thú và hiểu được sự quan trọng của môn học, cô Hương chọn cách tương tác, trò chuyện cùng sinh viên vào đầu giờ lên lớp. Từ việc chia sẻ về những sinh viên khóa trước ra trường và đạt được thành công, cô Hương khéo léo trình chiếu hình ảnh, clip về phương tiện nâng, chuyển, công cụ, thiết bị tại một số nhà máy cơ khí hiện đại.

 

Tiến sĩ Nguyễn Lan Hương.

 

 

“Với trách nhiệm của Trưởng bộ môn, tôi cùng các thầy cô trong Viện chủ động liên hệ các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm thực tế; tiếp cận với những phương tiện xếp, dỡ tự động và theo dõi quy trình vận hành máy móc bằng hệ thống điện tử, vi tính. Qua đó áp những kiến thức của bộ môn vào từng quá trình sản xuất cụ thể; phân tích vai trò, nhiệm vụ của chuyên ngành trong sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; giúp sinh viên hiểu lý thuyết và nắm bắt, làm chủ công nghệ”- cô Hương cho biết thêm.

 

Cùng với đổi mới phương pháp giảng dạy, giảng viên Nguyễn Lan Hương còn đầu tư thời gian, công sức cho ra đời nhiều sáng kiến phục vụ giảng dạy, ứng dụng vào thực tiễn. Đối với những người mê tìm hiểu về việc sử dụng nhiên liệu đi-ê-zen sinh học thì sự tạo cặn trong động cơ là một nghiên cứu quan trọng. Song, họ thường thử nghiệm bằng cách khảo sát trên động cơ thực như phương tiện cơ giới hoặc tàu thủy, làm tốn rất nhiều thời gian và chi phí trong quá trình nghiên cứu. Cô Hương tìm hiểu và xây dựng một mô hình thực nghiệm đơn giản trên bề mặt nóng, sau đó quan sát, làm rõ cơ chế hình thành của cặn trong buồng cháy động cơ đi-ê-zen; từ đó đưa ra các khuyến cáo cần thiết nhằm giảm lượng cặn lắng, kéo dài “tuổi thọ” của động cơ. Cách làm này vừa tiết kiệm kinh phí, vừa làm lợi cho quá trình sản xuất; giúp cô Hương vinh dự trở thành 1 trong 5 giảng viên tiêu biểu của Trường đại học Hàng hải Việt Nam  nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2017.

 

Trong suốt hành trình “lái đò”, niềm yêu thích với môn học của sinh viên; sự thành công của mỗi học trò chính là nguồn động viên to lớn để cô Hương thêm hăng say học hỏi, sáng tạo. Từ năm 2012 đến 2017, cô Hương tham gia 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, viết 14 bài báo khoa học, hướng dẫn các sinh viên bảo vệ luận văn tốt nghiệp, luận án thạc sĩ… Với nỗ lực không ngừng nghỉ, tiến sĩ Nguyễn Lan Hương được Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT) tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục; vì sự nghiệp phát triển GTVT năm 2015; 5 năm liền từ 2012-2017 đạt danh hiệu “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”; 3 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…

Báo Hải Phòng 31/8/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: “Mọi bài giảng đều lấy sinh viên làm trung tâm”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác