Vụ lúa xuân năm 2018 nhiều giống lúa mới, chất lượng cao cho năng suất từ 70-75 tạ/ha (năng suất trung bình các giống lúa khác trên toàn thành phố ước đạt hơn 70 tạ/ha), giá bán sản phẩm cao, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, dù đưa các giống lúa này vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 lần đến 2 lần các giống lúa truyền thống, song nhiều địa phương chưa mở rộng được diện tích như mong muốn.
Thu hoạch lúa ở xã Khởi Nghĩa (huyện Tiên Lãng)
Bà con chưa hoàn toàn tin tưởng
Vụ xuân năm 2018 này, diện tích cấy lúa mới, chất lượng cao ở các huyện ngoại thành chiếm hơn 10 nghìn ha (bằng 35% tổng diện tích gieo cấy). Ở nhiều địa phương diện tích cấy giống lúa mới, chất lượng cao gồm các giống như BT7, RVT, J02, VT404, Hương biển 3, Đài Thơm, QP5, DT120… cho năng suất khá cao, ước đạt từ 70 – 75 tạ/ ha, cá biệt một số giống lúa đạt 75 -78 tạ/ha. Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọt ở xã Đại Thắng (Tiên Lãng) cấy 10 sào lúa, phần lớn là giống lúa Thiên Ưu, năng suất đạt 75 tạ/ha. Trừ chi phí đầu tư giống, thuốc bảo vệ thực vật, gia đình thu lãi hơn 9 triệu đồng. Bà Ngọt cho biết, sau khi thu hoạch vụ xuân, thóc giống lúa thông thường giá bán khoảng hơn 6 nghìn đồng/kg, nhưng các loại thóc cho chất lượng gạo ngon dao động từ 7,5 nghìn đồng/kg đến hơn 10 nghìn đồng/kg.
Các giống lúa mới chất lượng tốt đưa vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao nên các địa phương đặt mục tiêu ngày càng mở rộng sản xuất, phấn đấu đạt 60% – 70% tổng diện tích gieo cấy. Tuy nhiên, đến nay, phần lớn các huyện chưa đạt được mục tiêu này. Cụ thể, đến vụ xuân năm 2018, mới chỉ có một số huyện như Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Tiên Lãng, An Lão đạt được diện tích gieo cấy lúa chất lượng khoảng 35% – 40% tổng diện tích gieo cấy. Một số huyện khác như Thủy Nguyên, An Dương… chưa tích cực mở rộng diện tích gieo trồng các giống lúa này (chỉ đạt 25% – 30%).
Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, nguyên nhân do nhiều nông dân khó bỏ thói quen canh tác các giống lúa truyền thống. Hiện nay, trên thị trường có nhiều giống lúa mới, được quảng cáo là năng suất cao, chất lượng tốt, tiếp thị đến các địa phương, song bà con băn khoăn, chưa tin tưởng. Hiện tại, một số nơi nông dân mới chỉ ứng dụng gieo trồng các giống lúa mới, chất lượng cao dưới dạng mô hình sản xuất thử nghiệm, được các ngành chức năng hỗ trợ kinh phí… Ở một số địa phương, do điều kiện địa hình không mấy thuận lợi, đồng ruộng chủ yếu là vùng trũng, nên khó canh tác các giống lúa mới chất lượng đạt hiệu quả. Vì vậy, nông dân vẫn giữ thói quen gieo cấy các giống lúa truyền thống.
Mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa
Những năm tới, toàn thành phố phấn đấu mở rộng diện tích cấy giống lúa mới, chất lượng cao đạt 60% – 70% tổng diện tích gieo cấy. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN- PTNT) Hải Phòng Đinh Công Toản đánh giá, nông nghiệp Hải Phòng đang thiếu lao động trầm trọng, vì vậy các địa phương cần chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, chất lượng, trong đó có việc đẩy mạnh gieo trồng các giống lúa chất lượng cao Sở NN – PTNT hướng dẫn các địa phương cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp theo nội dung Nghị quyết 13 và 14 HĐND thành phố khóa 15, trong đó có chính sách hỗ trợ nông dân quy vùng sản xuất tập trung, ứng dụng sản xuất các giống lúa tiến bộ, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến…
Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Hải Phòng, các giống lúa chất lượng cao đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, cho chất lượng gạo ngon, bán được giá cao từ 20-30 nghìn đồng/kg, nhiều người tiêu dùng chuộng mua… Quá trình canh tác, các giống lúa mới có nhiều ưu điểm vượt trội hơn các giống lúa truyền thống như ít bị sâu bệnh. Song để mở rộng được diện tích gieo trồng, cần tăng cường tuyên truyền để nông dân nắm rõ những ưu thế vượt trội của các giống lúa này để đưa vào sản xuất, dần thay thế các giống lúa truyền thống.
Hướng tới mục tiêu này, trong các vụ sản xuất tới, các đơn vị cung ứng giống mới, chất lượng cao phối hợp các ngành chức năng trực thuộc Sở NN – PTNT chính quyền các địa phương tổ chức hội thảo tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ thuật canh tác, đồng thời có cơ chế khuyến khích nông dân tham gia. Các địa phương tập trung các giải pháp thiết thực như đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, tiếp thu các giống lúa mới, chất lượng cao, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa; khuyến khích nông dân ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất; tích cực tạo điều kiện giúp nông dân liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo… Các huyện giao HTX nông nghiệp làm cầu nối thu hút nông dân sản xuất lúa chất lượng cao trên các cánh đồng lớn để tiện ích việc hỗ trợ, giám sát sản xuất cùng giống lúa, điều tiết thủy lợi nội đồng, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất…Thành phố tăng kinh phí hỗ trợ, đầu tư các mô hình trình diễn thử nghiệm giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao tại các huyện để đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm để bà con thấy rõ được hiệu quả và làm theo.
Hương An – Báo Hải Phòng 09/7/2018
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị…
Chiều 10.1, Ban Tổ chức hội thi truyền thống Vật dân tộc thời Mạc lần…
Sáng 10/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More