Đó là yêu cầu của Chính phủ đối với Bộ Tài chính tại Nghị quyết số 121/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; đẩy mạnh tăng thu, mở rộng cơ sở thu, tăng cường chống thất thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết.
Được biết, tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu trên đối với Bộ Tài chính.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài Chính tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách nhà nước;
Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia;
Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp điều hành giá, các chính sách về thuế, phí và các chính sách khác, góp phần ổn định giá cả, giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân trong trường hợp cần thiết và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh…
Mở rộng cơ sở thu thuế có vai trò quan trọng
Thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Việc trở thành thành viên của các tổ chức kinh tế quốc tế và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích như: Ưu đãi thuế quan, xóa bỏ các rào cản phi thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo cam kết, khi gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế, tham gia các FTA, nhiều mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam giảm thuế theo lộ trình, ảnh hưởng nhất định đến nguồn thu ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021-2026, nhiệm vụ thu ngân sách dự kiến vẫn tiếp tục tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức do tác động của các yếu tố dịch bệnh, thiên tai, quá trình toàn cầu hóa, nền kinh tế số… Vì thế, cần có nguồn thu khác để bù đắp mức độ thâm hụt ngân sách nhà nước trong những năm tới.
Như vậy, việc mở rộng cơ sở thu trong thời gian tới có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm duy trì hệ thống thu ngân sách bền vững, hiệu quả, góp phần bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển vào năm 2030 và nước phát triển đến năm 2045 theo mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm đề ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Do đó, mở rộng cơ sở thu không chỉ bao gồm mở rộng cơ sở thu từ thuế mà còn bao gồm việc mở rộng cơ sở thu từ các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu.
Vũ Phương Nhi