Print Thứ Bảy, 26/01/2019 18:02

Vừa qua, Hải Phòng đã tổ chức chương trình “Kết nối đầu tư kinh doanh Việt Nam-Nhật Bản”. Đây là hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc tiếp cận, tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất vệ tinh của Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

DN Nhật Bản giới thiệu về các chi tiết sản phẩm

Tiềm năng chưa được khai phá

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Hải Phòng có 553 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 15,7 tỷ USD. Các dự án tập trung trong các lĩnh vực: công nghiệp (76,49%), cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản (18,22%), thương mại (2,8%), dịch vụ (2,17%), các lĩnh vực khác (0,38%). Trong số 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại địa phương thì Nhật Bản đang đứng đầu về số dự án với 137 dự án, tổng số vốn đầu tư là 4,6 tỷ USD. Các dự án FDI Nhật Bản chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp với 101 dự án có vốn đầu tư 3,63 tỷ USD.

Ông Sadayuki Katsumata – Chi hội trưởng Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Hải Phòng cho biết: Việc tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam với vai trò là doanh nghiệp vệ tinh để tham gia vào quá trình cung ứng, sản xuất sản phẩm là nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, hiện thực hóa được việc này sẽ giúp nhà đầu tư Nhật Bản tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí logistics, giảm được giá thành sản phẩm, nâng được năng lực cạnh tranh.

Tại sự kiện, rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã chia sẻ thông tin, mục đích tìm đối tác hợp tác như: Công ty TNHH Juraron Industres Hải Phòng đang có nhu cầu cần hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác để sản xuất khuôn, mẫu cho các sản phẩm nhựa, như vỏ ti vi, vỏ các thiết bị điện công nghiệp, gia dụng; Công ty TNHH Nomura Fotranco chuyên may quần áo đồng phục, thể thao cần tìm đối tác gia công một số công đoạn trong chuỗi sản xuất …

Đại diện DN Nhật Bản và Hải Phòng trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác

DN Việt Nam phải xem lại… chính mình!

Qua các cuộc thảo luận, trao đổi giữa hai bên, thì khả năng đáp ứng của doanh nghiệp nội còn rất nhiều hạn chế, từ trình độ kỹ thuật, kỹ năng quản lý nhà máy đến đầu tư công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật và năng lực sản xuất hàng loạt.

Theo ông Shigeyuki Sano – Trưởng nhóm sản xuất của Công ty TNHH Juraron Industres Hải Phòng, năng lực ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam còn hạn chế, nếu so với Thái Lan, ngành này còn đi sau 10-15 năm.

Để bứt phá, theo kịp được xu thế cũng như đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản, Ông Muto Tadashi – Chuyên gia cao cấp của JICA tại Hải Phòng chia sẻ: Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự nhìn lại những hạn chế của mình đồng thời phải cải thiện hơn nữa về tính chuyên nghiệp, đặc biệt cần thực hiện các tiêu chuẩn của Nhật Bản như 5S, Kaizen…

Bên cạnh đó, năng suất lao động của các doanh nghiệp Việt cũng là một cản trở, theo số liệu thống kê, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn so với khu vực,dẫn đến chi phí sản xuất trở nên đắt đỏ hơn, tác động trực tiếp tới tính cạnh tranh của nền kinh tế, nguy cơ doanh nghiệp FDI sẽ chuyển địa điểm sản xuất sang nước có chi phí rẻ hơn là điều khó tránh?!

 Một lý do khác nữa là, tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp nội là rất yếu, không biết phát huy, sử dụng năng lực của nhau dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư từ máy móc , thiết bị đến nhân lực. Ông Phùng Hải Hà – Giám đốc Công ty TNHH thương mại kỹ thuật Phương Đông không giấu diếm: Do không có sự liên kết, nên có doanh nghiệp thì phải đi vay để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị công nghệ mới, trong khi đó lại có doanh nghiệp để không những máy móc, thiết bị do không có việc hoặc có việc nhưng khai thác không hết công suất!

Còn nữa, các doanh nghiệp Việt cũng chưa trú trọng đến công tác truyền thông nên đang tồn tại một nghịch lý là ở Việt Nam nhưng việc tìm kiếm thông tin về các DN Việt Nam hoạt động trong ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ còn khó hơn tìm thông tin về các doanh nghiệp Nhật.

Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đánh giá: Các doanh nghiệp Nhật Bản đã thực sự trở thành một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế thành phố, việc hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển, tuy nhiên để hội nhập, cùng phát triển cộng sinh thì các doanh nghiệp nội địa phải tự hoàn thiện ngay từ trong nội tại.

Đã tìm ra được những hạn chế, đã đến lúc DN Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng nỗ lực khắc phục, hoàn thiện để thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ cho các DN Nhật Bản nói riêng và các quốc gia tiên tiến khác.

Kim Oanh – Báo an ninh Hải Phòng 06/8/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Mở lối cho ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội hợp tác, phát triển của doanh nghiệp
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác