Thường xuyên lấy “bệnh viện là nhà”
Gần hai năm nay, những chuyến xe đêm di chuyển từ huyện Tiên Lãng đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (Hà Nội) trở nên quen thuộc với mẹ con bé Phạm Thị Ngọc H. (ở xã Bạch Đằng). Năm gần 3 tuổi, cháu H, bị sốt, những cơn đau thấu xương ở tay và chân. Cơn đau đeo bám Ngọc H. trong từng giấc ngủ. Gia đình đưa cháu đi khám ở bệnh viện huyện không phát hiện bệnh, tới Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, qua kết quả khám lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán cô bé mắc ung thư máu, gia đình băn khoăn vì rất thương con nhưng điều kiện kinh tế khó khăn. Đến khi thấy chân con gái yếu dần, đi lại khó khăn, theo tư vấn của bác sĩ bệnh viện tuyến thành phố, gia đình đưa con lên điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Quá trình điều trị của Ngọc H. không dễ dàng khi chi phí chữa trị ngày càng cao và nguy cơ thiếu máu, thiếu tiểu cầu có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Chống chọi với ung thư xương khi bố mẹ đi lao động ở nước ngoài, cô bé Nguyễn Xuân G., 9 tuổi, ở xã Hòa Bình (huyện Thủy Nguyên) chỉ có bà ngoại và họ hàng ở bên. Bà ngoại cô bé cho biết, tháng 2/2023, gia đình đưa G. tới bệnh viện huyện, các bác sĩ chẩn đoán “có một khối u trong xương chân phải” và tư vấn cần chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám, điều trị gấp. Tại đây, cô bé được chẩn đoán mắc Osteo sacoma xương chày phải giai đoạn 3. Đây là dạng ung thư xương ở trẻ em, phải mổ lấy khối u, điều trị hóa chất. “Cháu truyền hóa chất là nôn trớ, co giật, ngất xỉu. Tôi bế cháu chạy đi gọi bác sĩ, rồi lại đứng chờ cấp cứu. Mỗi lúc như vậy tim tôi như rơi xuống”, bà ngoại cô bé kể, khổ nhất là lần về nhà nghỉ ngơi giữa hai đợt truyền hóa chất, G. bị sùi bọt mép, chân tay co quắp. Gia đình hoảng hốt đưa cô bé đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng để truyền thuốc vì thiếu chất.
Theo thống kê, tại Việt Nam hằng năm có khoảng 2.500 trẻ em mắc bệnh ung thư các loại. Tuy nhiên, hơn 50% số trẻ ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, không được điều trị đầy đủ. Vì thế, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng là một trong số ít bệnh viện tuyến thành phố chủ động khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư trẻ em, giúp tăng cơ hội sống cho trẻ. Ngoài ra, việc điều trị giảm đau hiệu quả và hỗ trợ tâm lý xã hội cho trẻ cũng được bệnh viện chú trọng nhằm giúp tăng chất lượng cuộc sống, hỗ trợ quá trình điều trị cho trẻ và gia đình trẻ hiệu quả hơn.
Đẩy mạnh công tác điều trị tại Hải Phòng
Cuộc sống “lấy bệnh viện là nhà” và thường xuyên phải di chuyển từ bệnh viện này tới bệnh viện khác khiến sức khỏe trẻ mắc bệnh liên quan đến ung bướu không được bảo đảm, người chăm sóc trẻ cũng vất vả theo. Tuy nhiên, nhiều năm nay, tại Hải Phòng chưa có cơ sở chuyên điều trị trẻ em mắc các bệnh về ung bướu nên phần lớn bệnh nhi phải chuyển lên tuyến trên.
Nắm bắt thực tế đó, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, cơ sở y tế chuyên khoa nhi tuyến cuối của thành phố tập trung đào tạo và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến Trung ương với nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu, như: Phẫu thuật dị tật tim bẩm sinh, phẫu thuật nội soi, lọc máu liên tục, triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch, kỹ thuật Real time PCR, điều trị ung thư…
BSCK2 Trần Thị Ngọc Hòa, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: “Hiện, bệnh viện quan tâm đến chuyên ngành ung bướu. Qua thống kê hằng năm, số lượng bệnh nhi mắc các bệnh về máu, ung thư máu thường đứng trong tốp 10 bệnh chuyển tuyến thường gặp ở bệnh viện, trung bình hơn 100 ca bệnh ung thư máu/năm cần chuyển tuyến. Vì thế, bệnh viện đang nỗ lực từng bước chuẩn bị đào tạo nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng quy trình và triển khai thực hiện các dự án liên quan đến chuyên ngành ung bướu, trong đó khám, điều trị và chăm sóc ung bướu huyết học nhi”.
Để thực hiện chủ trương này, từ cuối tháng 4/2024, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng thành lập Đơn nguyên điều trị ung bướu thuộc Khoa Nội tổng hợp, với 30 giường bệnh, tập trung điều trị trẻ mắc một số bệnh lý như: Bạch cầu cấp, u xương… và chăm sóc giảm nhẹ một số trường hợp trẻ bị ung thư từng phẫu thuật ở các bệnh viện tuyến Trung ương. Cùng với chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, bệnh viện chú trọng cử bác sĩ đi học viện, trường nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời, mời các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia từ các bệnh viện tuyến Trung ương đến trao đổi, truyền đạt kiến thức mới liên quan đến điều trị ung bướu ở trẻ em, trong đó có ung bướu huyết học; chăm sóc giảm nhẹ, giảm đau bằng nhiều phương pháp và chăm sóc lấy gia đình làm trung tâm… Với việc chủ động thúc đẩy các hoạt động truyền thông, mời gọi các chuyên gia đến giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới… mở hướng điều trị ung thư trẻ em ngay tại Hải Phòng, giảm tình trạng chuyển tuyến lên Trung ương, tiết kiệm thời gian và chi phí đối với gia đình bệnh nhi.
Bài và ảnh: NAM GIANG
Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…
Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…
Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…
Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…
Sáng 18/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực…
Chiều 18/12, UBND thành phố tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More