Mô hình “Tổ dân phố với môi trường an toàn – thân thiện” phường Tràng Minh (Kiến An): Hứa hẹn một diện mạo mới cho làng nghề

Bao đời nay, việc thu gom, tái chế phế liệu luôn là nghề mưu sinh chính của đại bộ phận người dân phường Tràng Minh, quận Kiến An. Mỗi ngày, có tới hàng trăm tấn rác thải các loại ở các nơi được tập kết về đây để phân loại, tái chế, sử dụng. Bên cạnh việc tạo ra công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho người dân thì bao năm qua, nghề này cũng đặt phường Tràng Minh vào tình trạng báo động của vấn nạn ô nhiễm môi trường.

 Hàng trăm tấn rác thải các loại được tập kết về phường Tràng Minh mỗi ngày

Nguy cơ rình rập…

Phường Tràng Minh có trên 10 nghìn nhân khẩu sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa và thu gom, tái chế phế liệu với tổng số 81/310 hộ kinh doanh cá thể trong đó nhiều hộ mạnh dạn mở rộng thành lập doanh nghiệp tư nhân đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lượt lao động trong và ngoài địa phương.

Tuy nhiên, hầu hết các hộ thu gom, tái chế phế liệu đều nằm rải rác trong khu dân cư, hoạt động mang tính tự phát, nhỏ lẻ; không có nhà xưởng, bãi tập kết nên phế liệu thường được chất thành đống ngay trong nhà và trên vỉa hè. Công nghệ tái chế phế liệu thì đơn giản, thô sơ.

Trong khi đó, đơn giá để xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại rất cao nên toàn phường hiện chưa có bất kỳ hộ kinh doanh nào có thể ký kết hợp đồng xử lý với các đơn vị chức năng, chưa nói đến việc đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý trong quá trình phân loại, tái chế phế liệu. Chính vì thế, ngoài phần phế liệu được đưa vào tái chế sử dụng, phần rác thải rắn thông thường, chất thải nguy hại còn lại chủ yếu được người dân đem đi đốt, chôn lấp hoặc thả sông…

Và đó chính là nguyên nhân “đầu độc” nguồn nước, đất, không khí, gây ra tiếng ồn lớn trong khu dân cư, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người dân địa phương.

Rác chất đống từ trong nhà ra ngoài vỉa hè

Theo Công an địa phương, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn phường Tràng Minh đã xảy ra 8 vụ đốt rác gây ô nhiễm lớn tới môi trường sống. Điều đáng nói là, việc xử lý các vụ vi phạm này vấp phải rất nhiều khó khăn do thủ phạm thường lợi dụng đêm tối, ít người qua lại đã chở rác thải ra khu vực cánh đồng, nghĩa trang… để đốt. Khi lực lượng chức năng phát hiện, tổ chức bắt giữ thì đối tượng đã rời khỏi hiện trường.

Đơn cử, vào 1h ngày 2-2-2018, bà Hoàng Thị Huyên, sinh 1977, ở tổ Kiến Thiết 2, phường Tràng Minh đã chở khoảng 50 kg dây điện phế liệu ra bờ sông Đa Độ đốt lấy đồng, bị CAP bắt quả tang, xử phạt hành chính. Đêm 27-5, cũng tại bờ sông này tiếp tục xuất hiện đối tượng chở rác thải ra đốt làm táp 3 sào lúa của gia đình chị Nguyễn Thị Luận, ở tổ Kiến Thiết 2…

Không chỉ dừng lại ở việc gây ô nhiễm môi trường, hoạt động kinh doanh, sản xuất, tái chế phế liệu còn là nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn không đáng có trong nội bộ nhân dân, gây mất ANTT…

Đáp ứng nhu cầu bức thiết…

Hiện, do địa phương không có quỹ đất nên việc quy hoạch, đưa các hộ kinh doanh, tái chế phế liệu tập kết về một khu gặp rất nhiều khó khăn. Tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn dự kiến sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Công nghệ tái chế thô sơ

Trước thực trạng đó, với mong muốn quy tụ được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia bảo vệ môi trường, gắn với phong trào ”Toàn dân bảo vệ ANTQ” và các phong trào khác của địa phương, được sự tham mưu tích cực của Công an phường, UBND phường Tràng Minh vừa cho ra mắt mô hình “Tổ dân phố với môi trường an toàn – thân thiện”.

 Các đại biểu ký giao ước thi đua triển khai mô hình

Trước “sự kiện” này, ông Trần Hữu Độ – Tổ trưởng tổ dân phố (TDP) Hoàn Bình 1, phường Tràng Minh tâm đắc: Đây là mô hình có ý nghĩa thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tế tại địa phương. Ngay sau khi triển khai mô hình, TDP phối hợp với lực lượng CSKV tiến hành tổ chức ký cam kết đến 100% các hộ trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường theo 8 tiêu chí đã nêu. Cụ thể là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động cán bộ, đảng viên, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, nhân dân trên địa bàn nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường; xây dựng các nhóm tự phòng, tự quản, tự hòa giải tại cơ sở. Tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi gây ô nhiễm môi trường; quản lý chặt chẽ các cơ sở thu gom, tái chế phế liệu, cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và kịp thời ngăn chặn, giải quyết theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm…

Thực tiễn triển khai cho thấy, mô hình đã thực sự từng bước nâng cao nhận thức, làm thay đổi hành vi tác động, không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, có ý thức, tinh thần, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa cộng đồng dân cư của mỗi tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Mô hình hứa hẹn sẽ góp phần làm cho cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân địa phương trở lên trong lành, tươi đẹp, thân thiện hơn.

Khánh Chi – An ninh Hải Phòng 25/09/2018

    Tin khác

    Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

    Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

    22/11/2024

    Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

    Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

    22/11/2024

    Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

    Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

    22/11/2024

    Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

    Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

    21/11/2024

    Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

    Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

    21/11/2024

    This website uses cookies. See Our policy to learn more.

    Read More