Trở lại với đợt dịch tả lợn châu Phi, mặc dù đã có khuyến cáo của cơ quan chức năng rằng bệnh không lây sang người, nhưng đối với người tiêu dùng thì tâm lý chung là không nguy hiểm nhưng cũng không… sạch. Tính đến thời điểm này, mặc dù nằm trong điểm phát dịch nhưng số lơn nhiễm dịch của Hải Phòng bị phát hiện mới khoảng hơn một nghìn con, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng đàn lợn của toàn thành phố là hơn 412 nghìn con. Điều này cho thấy, để đảm bảo tiêu thụ đàn lợn không nhiễm bệnh, thành phố cần định hướng hiệu quả, trong đó việc khai thác các kênh tiêu thụ sạch hiện có là một giải pháp.
Mở rộng mô hình phân phối thực phẩm tiêu chuẩn là xu hướng tất yếu
Vậy giải pháp nào cho thực phẩm sạch? Về lý thuyết thì công thức đưa ra chẳng có gì lạ: Phải quan tâm đầu tư cho nguồn sản xuất sạch – Có hệ thống phân phối sạch – Chất lượng chuẩn mực và giá cả hợp lý. Nhưng trong lúc công thức này mới chỉ mang tính khẩu hiệu đối với các nhà quản lý, thì những mô hình xã hội hóa đang phải đối mặt với một môi trường cạnh tranh bất bình đẳng. Giữa một bên là hàng sạch trong luồng có chất lượng, có giám sát và đóng góp ngân sách, với một bên là hàng ngoài luồng mặc sức hoành hành, sử dụng miễn phí tài sản công cộng để tồn tại. Rõ ràng, những bất cập này phải từng bước được loại bỏ, trách nhiệm không phải ai khác mà chính là các nhà quản lý. Đáng buồn là trong thời gian qua, ngoài những con số tròn trĩnh trong báo cáo, thông tin cụ thể về những vụ việc kiểm tra, kiểm soát thị trường thành phố có quá ít.
Bởi lẽ như đã phân tích, ngoài sự lép vế khi phải cạnh tranh về giá, so về số lượng và hình thức thì thực phẩm không rõ nguồn gốc cũng đang chiếm thế áp đảo trên thị trường, mà nguyên nhân chính là việc quản lý chợ cóc, vỉa hè, lòng đường quá lỏng lẻo. Nhưng cũng chính vì nhu cầu lớn, kiến thức tiêu dùng hạn chế, hệ thống quản lý vừa thiếu vừa yếu, đang tạo điều kiện hoàn hảo cho thực phẩm “bẩn” hoành hành. Nhìn rộng hơn, chẳng phải đợi đến khi các dịch bệnh bùng phát, mà từ lâu những nguyên nhân chủ quan dẫn đến thực phẩn nhiễm “bẩn” đã không còn là chuyện hiếm, nguy cơ mất an toàn đang tồn tại ở tất cả các kênh thực phẩm trên cả nước. Chẳng hạn nguồn gia súc gia cầm được nuôi công nghiệp bằng thức ăn có hại cho sức khỏe con người, mà vụ chất tạo nạc Salbutamol là một ví dụ điển hình. Mặt khác, việc lưu cữu thực phẩm chưa kịp tiêu thụ trong môi trường bảo quản không đảm bảo, cộng với nguồn thịt nhập khẩu kém chất lượng đang cung cấp ra thị trường một số lượng không nhỏ thực phẩm bị coi là “bẩn”.
Thị trường truyền thống cần cải thiện phương pháp chế biến, dịch vụ
Tại Hải Phòng, người viết bài này trong một chuyến tham gia đoàn kiểm tra đi về các vùng ngoại ô, không khó để bắt gặp người dân dùng các phương tiện như bình phun hoặc ống phun dạng bơm tay, công khai xả hóa chất vào diện tích đang canh tác rau mầu. Một nguồn thông tin từ kết quả điều tra thực trạng sản xuất tại các vùng chuyên canh rau cho thấy: hơn 85% các nông dân vùng chuyên canh rau có sử dụng phân bón qua lá, chất kích thích sinh trưởng cho rau màu; hơn 70% đã sử dụng thuốc Sherpa 25EC để phun cho rau màu, ít sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học hoặc thảo mộc… Nhiều loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm có độc tính cao, đã được Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cấm sử dụng trên rau, nhưng vì giá rẻ, dễ mua, nông dân vẫn cứ sử dụng. Trong đó nhiều loại thuốc ngoài luồng ghi toàn tiếng nước ngoài, vì không biết ngoại ngữ hoặc không được hướng dẫn nên bà con vô tư xử lý theo cảm tính của mình.
Nguồn chế biến cũng không ngoại lệ. Bà Hoàng Thị L – một ngư dân ở Đồ Sơn chia sẻ, cá khô một nắng là đặc sản được ưa chuộng, tuy nhiên theo cách sơ chế truyền thống, cá phơi một nắng thì không thể để lâu trong môi trường tự nhiên, nên khi bán bà con luôn dặn kỹ khách hàng phải để trong ngăn đá tủ lạnh dùng dần. Nhưng thực tế dạo quanh các chợ trên thành phố, loại cá “một nắng” vẫn được bày bán thoải mái ngày này qua ngày khác, màu vẫn tươi và vị vẫn… thơm, do bí quyết nào hay đơn giản chỉ là hóa chất? Hoặc đơn cử như các loại thực phẩm truyền thống phổ biến là bún, bánh phở, bánh đa nhúng… trên bất cứ quầy hàng nào cũng có thể mua được bún, phở vừa dai vừa giòn, bánh đa nhúng cảm giác lúc nào cũng ẩm mềm tay, nhưng cũng có thể để được hàng tuần mà không có mùi chua hay nấm mốc. Chưa kể những thông tin về việc dùng thuốc tẩy, hô “biến” thực phẩm ôi thối thành tươi sống được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội.
Hải Phòng là thành phố có tỷ trọng nông nghiệp thấp so với công nghiệp và dịch vụ. Mặc dù vậy nguồn cung thực phẩm tại chỗ cũng khá lớn, theo số liệu thống kê, toàn thành phố hiện có hơn 600 trang trại đang hoạt động với tổng diện tích gần 1.700 ha, phần lớn tập trung ở khu vực ngoại thành. Trong 2 tháng đầu năm 2019, tổng đàn trâu trên địa bàn thành phố là 5.040 con, tổng đàn bò 12.743 con, tổng đàn lợn 412.058 con, 464.872 con, tổng đàn gia cầm 7.496,9 nghìn con. Về thủy sản, sản lượng khai thác nuôi trồng đạt khoảng 26.684,5 tấn. Riêng về rau mầu, trong vụ đông-xuân vừa qua thành phố đạt tổng diện tích 7.449,2 ha, với sản lượng khoảng trên 150 nghìn tấn. Nhìn vào số liệu này mới thấy, hiện hệ thống cing cấp thực phẩm sạch tại Hải Phồng còn rất hạn chế, trên cả hoạt động chuỗi lẫn thong tin tuyên truyền đến người dân.
Hải Phòng đang xúc tiến trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng và cả nước, ngoài nhu cầu tiêu thụ tại chỗ cho 2 triệu cư dân, thì nhu cầu về thực phẩm của khách tạm trú là tất yếu, hơn thế họ còn có thể mua về khi ra khỏi Hải Phòng. Thiết nghĩ, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng bằng một thị trường lành mạnh, phải là đích hướng tới của thành phố. Có được như vậy thì mục tiêu xây dựng một Hải Phòng “An toàn, thân thiện, đáng sống” mới thành hiện thực.
Lê Minh Thắng