Tham dự chương trình có các đồng chí: Đào Hồng Lan, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm; Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam; Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Về phía lãnh đạo thành phố Hải Phòng có đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng; Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng. Cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan và hơn 1.200 cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh, quần chúng nhân dân thành phố Hải Phòng; đại diện ngành Y tế của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Năm 2023 đánh dấu mốc tròn 40 năm thế giới tìm ra vi rút HIV. Việt Nam đã trải qua 33 năm ứng phó đại dịch HIV với gần 250.000 người nhiễm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, xã hội và sự phát triển của đất nước. Dịch bệnh đã và đang từng bước được khống chế, kiểm soát, nhưng dịch có xu hướng tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi (từ 15-29 tuổi), các trường hợp mới phát hiện chủ yếu thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 80%.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền các cấp, sự tham gia của các Ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân, hàng loạt các Chỉ thị của Ban Bí thư, Luật Phòng chống HIV/AIDS và các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, tạo hành lang, pháp lý cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được thuận lợi, dễ dàng thực hiện.
Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bộ Y tế cùng các Bộ, ngành và địa phương trên cả nước đã triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện: cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS. Mở rộng độ bao phủ các dịch vụ HIV có chất lượng. Huy động nguồn tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS đặc biệt là Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ về điều trị HIV/AIDS. Nhiều mô hình, sáng kiến về cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được nghiên cứu, áp dụng và triển khai phù hợp với bối cảnh dịch HIV có nhiều thay đổi ở Việt Nam. Kết quả phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS thế giới.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm cho biết: chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay là “Cộng đồng sáng tạo-Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi mọi người cùng nhau cam kết, chung tay hành động ngay và luôn, mỗi hành động dù nhỏ nhất cũng có thể góp phần kết thúc dịch bệnh AIDS và năm 2030.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS, chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát các mục tiêu Chiến lược quốc gia của Chính phủ để xây dựng kế hoạch hành động cho từng năm, từng giai đoạn và triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS một cách sáng tạo và hiệu quả. Các địa phương cần tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Ngành Y tế cần tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại, điều trị HIV. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV. Các tổ chức cộng đồng cần tham gia tích cực, mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhất là trong cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho các nhóm đối tượng đích.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật giúp Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam cho biết: Tính từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên của được phát hiện tại thành phố Hải Phòng vào năm 1993, đến nay, lũy tích trên địa bàn thành phố có 5.436 người tử vong do AIDS, ước tính số người nhiễm HIV hiện còn sống khoảng 7.000 người và số người nhiễm HIV đang được quản lý là 6.372 người, trong đó có 5.459 người nhiễm HIV đang được điều trị thuốc kháng vi rút HIV (ARV).
Thành phố luôn xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương; đồng thời, thực hiện cam kết của các cấp chính quyền qua việc đầu tư ngân sách ngày càng nhiều hơn cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Trên cơ sở xác định nhu cầu hoạt động thiết yếu và khả năng đáp ứng của thành phố, UBND thành phố đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo tài chính thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS ngày 01 tháng 12 năm 2023” với chủ đề “Cộng đồng sáng tạo-Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!”, Phó Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi toàn thể cộng đồng xã hội cùng hưởng ứng và chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Yêu cầu ngành Y tế tăng cường hơn nữa sự tham gia của cả hệ thống y tế, bao gồm hệ thống y tế công và tư, từ tuyến thành phố, quận, huyện, đến phường, xã, thị trấn trong việc mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS.
Cũng trong dịp này, Phó Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của các cấp lãnh đạo trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện các cam kết hành động phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng được ý thức phòng, chống HIV/AIDS của cả cộng đồng; khuyến khích các đột phá, sáng kiến, cải tiến mới trong việc tiếp cận đối tượng nguy cơ cao, đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV, duy trì và mở rộng hệ thống điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, điều trị kháng vi rút HIV chất lượng, hiệu quả.
Tại chương trình, các nhà hảo tâm tặng cho trẻ em nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV tại thành phố Hải Phòng một số xe đạp và vật dụng khác. Sinh viên Trường Đại học Y Dược Hải Phòng biểu diễn tiết mục nhảy Flashmob trên nền nhạc bài hát “Alo PrEP nghe”. Các lực lượng tuyên truyền diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 và ngày thế giới phòng, chống AIDS 1/12.
Hồng Nhung, Đàm Thanh
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More