Cần tiền trả nợ và chi tiêu, chị Nguyễn Kim An (27 tuổi, nhân vật đề nghị thay tên), ngụ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã lựa chọn hình thức vay tiền online. Tuy nhiên, chị lại lựa chọn nhầm đơn vị hỗ trợ vay tiền lấy tên giả mạo một công ty tài chính bởi điều kiện chúng đưa ra quá hấp dẫn.
“Tôi thấy thông tin cho vay tiền online không cần chứng minh thu nhập, không cần tài sản đảm bảo, chỉ cần hình chụp căn cước công dân, lãi suất 8%/năm. Điều kiện và mức lãi suất này vô cùng hấp dẫn, thấp hơn cả so với ngân hàng nên đã không cảnh giác, vội vàng nhắn tin đăng ký”, chị An nói.
Nhắn tin trò chuyện, 1 tiếng sau, hồ sơ khoản vay 50 triệu đồng của chị An đã được phê duyệt. Kẻ gian hướng dẫn chị truy cập vào website do chúng lập ra để kiểm tra khoản vay và rút tiền về tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, thực hiện đến bước rút tiền thì không được bởi hệ thống thông báo sai số tài khoản nhận tiền. Chiêu lừa bắt đầu từ đây.
“Hệ thống thông báo tôi đăng ký tài khoản nhận tiền không chính xác dù tôi đã nhập đúng. Khi liên hệ với người hỗ trợ thì được yêu cầu đến trực tiếp văn phòng ở TP. Hồ Chí Minh hoặc nộp 20% giá trị khoản vay để xác minh, sửa đổi thông tin”, chị An kể lại.
Theo chị An, kẻ gian sẽ nói địa chỉ công ty ở rất xa để người vay không thể đến trực tiếp. Khi người vay từ chối nộp tiền xác minh, kẻ gian đã tung ra chiêu trò hù dọa khiến chị An lo lắng, nhanh chóng nạp tiền.
“Họ nói số tiền đã phê duyệt dù chưa giải ngân nhưng tôi vẫn phải có trách nhiệm trả nợ. Họ yêu cầu tôi phải trả lãi hàng tháng cho số tiền này. Nếu sau 1 tháng không thanh toán sẽ đưa vào nợ xấu đồng thời đến tận địa chỉ nhà tôi đã cung cấp để thu hồi nợ”, chị An cho biết.
Sau khi chị An ngỏ ý vay mượn bạn bè nộp 20% giá trị khoản vay để xác minh, lập tức kẻ gian đã hạ giọng nhẹ nhàng cùng lời hứa xác minh xong sẽ nhận được đủ 60 triệu (gồm 50 triệu khoản vay và 10 triệu đồng xác minh).
Thế nhưng, nạp tiền thành công, thực hiện việc rút tiền thì hệ thống lại thông báo sai mật khẩu rút tiền trong khi chị An nhập chính xác. Để đổi mật khẩu rút tiền, hệ thống yêu cầu chị An phải nạp thêm 20% giá trị khoản vay.
Lúc này, phát giác được hành vi lừa đảo, chị An nói không vay nữa đồng thời yêu cầu trả lại tiền xác minh thì kẻ gian đã từ chối. Chúng vẫn thuyết phục chị An thực hiện nốt bước xác minh mật khẩu sẽ được rút tiền về. Sau nửa ngày không thuyết phục được chị An, kẻ gian đã chặn mọi liên lạc.
“Đây là hình thức lừa đảo khá mới và đủ chiêu trò, chúng đánh vào tâm lý cần tiền để thực hiện hành vi. Qua trường hợp của mình, tôi mong mọi người cảnh giác cao để tránh tiền mất tật mang“, chị An khuyên nhủ.
Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Trước thủ đoạn lừa đảo tinh vi, có nhiều diễn biến phức tạp trên không gian mạng, Bộ Công an đã có khuyến cáo, người dân cần chủ động nâng cao ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mạnh Cường
Vào khoảng 14 giờ 30 ngày 6/1, một đám cháy bùng phát tại khu vực…
Giành chức vô địch Asean Cup 2024 sau 2 trận chung kết thắng Thái Lan…
Đêm 5/1/2025, Công an quận Hồng Bàng tổ chức tuần tra vây ráp phòng chống…
Số liệu kết quả kinh doanh của 3 “ông lớn” ngành viễn thông Viettel, MobiFone,…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 29/QĐ-TTg ngày 5/1/2025 về chủ…
Chiều ngày 5/1, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có báo cáo…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More