Thủ đoạn tinh vi
Theo đánh giá của cơ quan hải quan, tuyến đường vận chuyển hàng hóa từ Châu Phi về Việt Nam là một tuyến đường trọng điểm. Các hoạt động buôn bán,vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã thuộc danh mục Cites thường đi theo tuyến đường này.
Qua nghiệp vụ rà soát, đánh giá, thu thập, phân tích thông tin, Phòng Quản lý rủi ro – Cục Hải quan Hải Phòng nhận thấy Công ty TNHH xuất nhập khẩu VIC Thanh Bình (địa chỉ tại thôn Tổ, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) có dấu hiệu rủi ro cao về việc nhập khẩu trái phép động thực vật thuộc danh mục Cites nên đã thiết lập tiêu chí kiểm tra thực tế hàng hóa qua máy soi container đối với lô hàng nhập khẩu của doanh nghiệp.
Ngày 22-1-2019, Công ty VIC Thanh Bình khai báo nhập khẩu mặt hàng gỗ Gõ đi từ Nigeria, lô hàng xuất phát từ cảng Apapa (Nigeria, châu Phi) ngày 4-12-2018, cập cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) ngày 18-1-2019, theo tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ, được đóng trong 1 container 20 feet. Tờ khai được phân luồng đỏ kiểm tra thực tế hàng hóa qua máy soi container. Ngày 24-1-2019, Đội máy soi thực hiện soi chiếu lô hàng thuộc tờ khai nêu trên.
Qua hình ảnh soi chiếu phát hiện có dấu hiệu lô hàng cất giấu ngà voi, vẩy tê tê. Đội máy soi container đã phối hợp với Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ mở kiểm tra thực tế hàng hóa.
Kết quả cho thấy, thủ đoạn của doanh nghiệp hết sức tinh vi. Khi mở niêm phong, đầu phía ngoài container là 2 lớp gỗ với các khúc gỗ lớn có chiều dài trung bình từ khoảng 1,7- 2,5 mét. Sau 2 lớp gỗ, ở phần cuối container có 6 thùng gỗ, mở kiểm tra bên trong từng thùng gỗ được lót bằng các lớp giấy bạc, sau đó là lớp giấy bóng đen nhằm “qua mắt” sự kiểm tra của cơ quan chức năng, hàng hóa vi phạm.
Khám xét thực tế trong mỗi thùng gỗ, Cục Hải quan phát hiện có 5 thùng gỗ chứa ngà voi, vảy tê tê và 1 thùng chứa toàn bộ vảy tê tê, với tổng trọng lượng hơn 1,5 tấn vẩy tê tê, hơn 500 kg ngà voi.
Qua vụ việc trên cho thấy thủ đoạn buôn lậu của doanh nghiệp ngày càng tinh vi. Tuy nhiên với việc trang bị hệ thống máy soi, việc kiểm tra không xâm nhập bằng máy soi container đã kịp thời phát hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại tinh vi đồng thời có tính răn đe, ngăn chặn với các doanh nghiệp có ý đồ buôn lậu, gian lận.
Đại diện Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, thời gian qua ngoài việc tăng cường áp dụng quản lý rủi ro, phân luồng kiểm tra trong quá trình làm thủ tục, ngành Hải quan đã áp dụng đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Đó là thực hiện soi chiếu trước đối với hàng nhập khẩu. Cụ thể, cơ quan hải quan tổ chức thu thập, phân tích thông tin trước (thông tin bản lược khai hàng hóa điện tử- E-manifest) nhằm kịp thời phát hiện các lô hàng có rủi ro, dấu hiệu vi phạm, buôn lậu để thực hiện soi chiếu trước đối với hàng hóa nhập khẩu.
Mặt khác, cơ quan hải quan đẩy mạnh tự động hóa hoạt động kiểm tra điều kiện đăng ký tờ khai để quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận tờ khai của doanh nghiệp theo quy định. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cũng tiến hành các biện pháp kiểm soát, giám sát hải quan; thu thập, trao đổi thông tin nghiệp vụ từ các cơ quan hải quan, giữa cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng trong và ngoài nước để phát hiện các doanh nghiệp, lô hàng vi phạm, kịp thời áp dụng biện pháp dừng hàng qua khu vực giám sát để kiểm tra hoặc khám xét đối với các lô hàng có dấu hiệu vi phạm.
Song song với đó, Hải quan Hải Phòng cũng tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, trong đó thường xuyên xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch tăng cường kiểm tra sau thông quan đối với các lô hàng luồng xanh. Đối với công tác kiểm tra, soi chiếu sau các tờ khai xuất khẩu luồng xanh đã được thông quan, tiến hành các biện pháp thu thập thông tin nghiệp vụ, đánh giá rủi ro, xác định các lô hàng xuất khẩu có dấu hiệu rủi ro cao để lựa chọn soi chiếu, kiểm tra theo quy định.
Hiện, toàn ngành Hải quan có 15 máy soi container gồm: 3 máy soi cố định, 2 máy soi dạng cổng và 10 máy soi di động. 2 đơn vị là Cục Hải quan Hải Phòng và Cục Hải quan TP HCM có số lượng nhiều nhất với 4 máy soi/đơn vị.
Việt Nam- điểm trung chuyển ngà voi?
Được biết, cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2018, lực lượng Hải quan đã chủ trì triệt phá 2 vụ vận chuyển ngà voi, vảy tê tê tại sân bay quốc tế Nội Bài và cảng Đà Nẵng, thu giữ hàng tấn ngà voi, vảy tê tê. Cụ thể, ngày 4-10, Cục Hải quan Đà Nẵng đã chủ trì, phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung (Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan), Cục CSĐT TP về ma túy- Bộ Công an tiến hành khám xét các lô hàng nghi vấn có xuất xứ Nigeria.
Ngà voi được cất giấu tinh vi trong các thùng gỗ lớn
Kết quả, phát hiện trong container có 200 bao đựng vảy tê tê và ngà voi, trọng lượng khoảng 6 tấn vảy tê tê và 2 tấn ngà voi. Trước đó, ngày 28-9, tại sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Hải quan Hà Nội phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan kiểm đếm 24 thùng carton hàng hóa được gửi từ Nigeria về Việt Nam.
Khám xét các thùng hàng, lực lượng Hải quan phát hiện, thu giữ hơn 190 kg ngà voi, sản phẩm ngà voi và hơn 800 kg vảy tê tê. Điểm đáng chú ý, các vụ việc bắt giữ có điểm chung là dù đi đường biển hay đường hàng không, các lô hàng đều có xuất xứ từ Nigeria.
Trở lại vụ việc bắt giữ lượng lớn ngà voi, vảy tê tê tại cảng Hải Phòng, có mặt tại hiện trường, TS. Đặng Tất Thế, Trưởng phòng hệ thống học phân tử và Di truyền bảo tồn (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, ngà voi, vảy tê tê nằm trong Phụ lục I- Thông tư 04/2017/TT-BNN&PTNT của Bộ NN&PTNT ban hành Danh mục các loại động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES).
Như vậy, doanh nghiệp vi phạm pháp luật hải quan nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu, hàng thuộc danh mục Cites. Theo T.S Đặng Tất Thế, khác với sừng tê giác hay vảy tê tê có liên quan đến các đơn thuốc đông y, ngà voi chỉ được dùng để làm đồ trang trí, nhất là đồ mỹ nghệ.
Bởi từ lâu việc sử dụng ngà voi làm đồ mỹ nghệ được nhiều quốc gia thực hiện. Nhưng những năm gần đây, Trung Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường chủ yếu tiêu thụ sản phẩm này. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ngà voi và sản phẩm ngà voi không được sử dụng nhiều vì giá cả đắt đỏ và cũng không phải là thú chơi truyền thống.
Trước thực tế lực lượng Hải quan bắt giữ nhiều vụ vi phạm liên quan đến ngà voi, TS. Đặng Tất Thế cùng nhiều chuyên gia khác nhận định, Việt Nam hay một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á chỉ là một trong những điểm trung chuyển trong đường dây buôn lậu ngà voi xuyên quốc gia.
Lý do được đưa ra dựa vào việc phân tích các yếu tố thị trường, nhu cầu tiêu dùng như đề cập ở trên. Thực tế nhiều vụ việc bắt giữ trước đây chủ yếu liên quan đến các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất, nhất là tạm nhập tái xuất hàng hóa đi Trung Quốc.
Đối với các lô hàng có xuất xứ từ Nigeria, trên thực tế đây không phải là quốc gia có đàn voi phong phú ở châu Phi. Tuy nhiên, có thể, khu vực cảng của quốc gia này nằm trong mắt xích của các đối tượng buôn lậu ngà voi quốc tế nên hàng hóa được tập kết ở đây để vận chuyển đến thị trường tiêu thụ.
THỦY NGUYÊN
Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…
Cơ quan khí tượng dự báo không khí lạnh mạnh sắp tăng cường sẽ gây…
Các trường THCS vẫn có thể đánh giá trực tiếp học sinh khi xét tuyển…
Sáng 10/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường tiếp Đoàn đại biểu…
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều khó khăn chung, nhưng…
Cơ quan chức năng đã tạm giữ đối tượng hành hung cảnh sát giao thông…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More