Xã hội

Mạo danh các bác sĩ bệnh viện lớn để lừa đảo khám chữa bệnh

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y (Hà Nội) bức xúc khi hình ảnh của ông bị sử dụng trái phép để quảng cáo một loại thuốc có khả năng điều trị dứt điểm bệnh tăng huyết áp.

PGS Hiếu khẳng định đây hoàn toàn là tin giả. “Tôi đã nhiều lần bị cắt ghép hình ảnh quảng cáo loại thuốc uống điều trị dứt điểm bệnh tăng huyết áp. Nhưng gần đây, tôi luôn nhận được tin nhắn hỏi về vấn đề này, nguy hiểm hơn là ngay cả các bác sĩ cũng “bán tín bán nghi”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu bức xúc.

Bác sĩ, bệnh viện trở thành nạn nhân

Tăng huyết áp là bệnh phổ biến trên thế giới (các nghiên cứu cho thấy con số lên đến hơn 20% dân số mắc tăng huyết áp). Tăng huyết áp được phân loại thành tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát. Khoảng 90-95% số ca là tăng huyết áp nguyên phát, được định nghĩa là các trường hợp không xác định được bệnh nguyên gây tăng huyết áp rõ ràng (vô căn). 5-10% có nguyên nhân như hẹp động mạch thận, u thượng thận… có thể chữa khỏi tình trạng tăng huyết áp nếu giải quyết được nguyên nhân. Như vậy khi đã chẩn đoán tăng huyết áp vô căn có nghĩa là cần phải dùng thuốc lâu dài theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu có một loại thuốc chữa dứt điểm tăng huyết áp chắc chắn sẽ được trao giải Nobel y học”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.

Bằng khen “Bác sĩ xuất sắc” giả bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: L.HÀ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM) bị sử dụng hình ảnh quảng cáo thuốc đặc trị tiểu đường. Tuy nhiên, ngay sau đó bác sĩ Khanh khẳng định thông tin trong đoạn clip là không đúng, đã bị người khác tự ý lấy hình ảnh, ghép giọng nói. Thực tế bác sĩ không bán hay quảng cáo loại thuốc trị bệnh tiểu đường, giãn tĩnh mạch, đau khớp như đoạn clip đã đăng tải.

Đoạn clip được đăng tải trên một số trang mạng đã sử dụng công nghệ Deepfake (giả mạo khuôn mặt, giọng nói…) để tạo ra đoạn video có hình ảnh khuôn mặt nhân vật giống hệt bác sĩ Khanh, tuy nhiên giọng nói không giống.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy và rất nhiều cơ sở y tế khác đang phải đối mặt với tình trạng bị mạo danh trên mạng xã hội. Đơn cử, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã nhiều lần phải lên tiếng về việc giả mạo này. Đối tượng lừa đảo không từ thủ đoạn làm giả con dấu, chữ ký bệnh viện để khám bệnh, trục lợi.

Chiêu trò cũ nhưng tinh vi hơn, nạn nhân sập bẫy

Phản ánh tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, một người bệnh cho biết, chị bị bệnh lý ở mắt, bị bác sĩ “dỏm” trên trang Facebook Đông Phương lừa mua thuốc, chạy máy. Nhiều người khác cũng bị đối tượng này lừa bán thuốc với số tiền từ 5-7 triệu đồng, thậm chí có một số người bị lừa tới 80 triệu đồng.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng đã phát đi cảnh báo về đoạn clip được lan truyền nhanh chóng trên TikTok và Facebook. Trong đoạn clip này, một người đàn ông lớn tuổi mạo danh có gần 40 năm công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và trước khi nghỉ hưu đã mắc các bệnh: Tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa cột sống, rối loạn thần kinh trung ương. Người này chia sẻ, khi được tiếp cận với cuốn sách “Minh triết trong ăn uống của người phương Đông” và đã thực hành 4 tháng ăn chay, kết quả mọi bệnh đã hết. Ngoài việc chia sẻ về liệu pháp ăn chay chữa lành tự nhiên, clip này còn dẫn dắt người dân mua thực phẩm chức năng.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Nhằm ngăn chặn các hành vi mạo danh, lừa đảo, bệnh viện đã thường xuyên rà soát, báo cáo cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng. Tuy nhiên, để đối tượng xấu không có cơ hội lợi dụng, người dân cần đề cao cảnh giác hơn nữa và chọn lọc thông tin chính xác.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cảnh báo: Người dân tuyệt đối không nên tin theo các hướng dẫn chữa trị không có cơ sở khoa học, những quảng cáo sai sự thật, quảng cáo “vô tội vạ” trên YouTube, TikTok hay Facebook để từ đó khám, mua thuốc, trị bệnh. Thực tế cho thấy, có nhiều bệnh nhân sau khi xem những lời giới thiệu, chia sẻ trên mạng xã hội đã làm theo và uống thuốc không rõ nguồn gốc dẫn tới biến chứng, tổn thương sức khỏe nghiêm trọng. Việc khám, điều trị bệnh phải được thực hiện tại các bệnh viện bởi bác sĩ có chuyên môn, được đào tạo bài bản.

Theo quy định của Bộ Y tế, các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Theo Nghị định số 18/2023/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế.

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp cũng không được cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Lệ Hà

Nguồn tin: Báo Lao động

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More