Print Thứ ba, 15/09/2020 21:00 Gốc

Trước tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng gây bức xúc dư luận thời gian qua, các bộ, ngành và các địa phương đã tăng cường công tác quản lý, thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật.

Vi phạm vẫn phức tạp

Mới đây, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát hiện trên website: thuoctieuduong.net đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Glu Metaherb không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định; liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng đã xử phạt một số công ty vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng như: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mãnh hổ vương trên website http://manhhovuongvn.com gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe HATTRICK trên website: http://hattrick-vn.fastbuy.biz/ gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mạnh Cốt Linh trên website: www.thienthanh.vn mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo…

Đây là một trong số những vụ việc cho thấy, các vi phạm về quảng cáo vẫn diễn ra phức tạp, tập trung vào các vi phạm như: Quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo. Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Sử dụng hình ảnh của các báo, đài nổi tiếng, người nổi tiếng, văn nghệ sĩ, danh nghĩa của bác sỹ, lương y, các cán bộ y tế (nhất là một số cán bộ y tế, nhà khoa học đã nghỉ hưu), cơ sở y tế, ý kiến của người tiêu dùng, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo cho sản phẩm thực phẩm chức năng.

Lực lượng quản lý thị trường xử phạt vi phạm kinh doanh thực phẩm chức năng nhập lậu.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân của những vi phạm trên đó là một số tổ chức, cá nhân có sản phẩm thực phẩm chức năng bất chấp quy định của pháp luật, vi phạm về quảng cáo, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội để có lợi nhuận. Một số cơ quan phát hành quảng cáo nhận tài trợ của doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo để phát hành quảng cáo không đúng công dụng của sản phẩm. Các cơ quan chuyên môn còn gặp khó khăn khi xử lý các vi phạm nhất là trên các trang mạng xã hội.

Cũng theo Bộ Y tế, các quy định pháp luật về quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng đã được quy định trong Luật An toàn thực phẩm, Luật Quảng cáo, 4 Nghị định của Chính phủ và một số thông tư hướng dẫn quản lý quảng cáo. Trong các văn bản này đã quy định rõ: Trước khi quảng cáo, người có sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo phải gửi các nội dung dự kiến quảng cáo để cơ quan y tế thẩm định.

Bên cạnh đó, người phát hành quảng cáo (báo, đài, mạng xã hội, website, sàn thương mại điện tử, nhà in, nhà xuất bản…) chỉ được phát hành quảng cáo đúng với những nội dung đã được thẩm định; không sử dụng hình ảnh, danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm chức năng; cấm quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Thực hiện các quy định trên, Bộ Y tế đã giao Cục An toàn thực phẩm quản lý và thẩm định nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Cục An toàn thực phẩm đã triển khai tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Qua rà soát, các hồ sơ lưu tại Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế không có hồ sơ quảng cáo nào đã được thẩm định mà có vi phạm các quy định nêu trên.

Thành lập Tổ phản ứng nhanh xử lý vi phạm

Nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, Cục An toàn thực phẩm đã làm việc với Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử và Thanh tra Bộ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan quản lý các đơn vị phát hành quảng cáo), Cục Văn hóa cơ sở và Thanh tra Bộ thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo cũng như quản lý các văn nghệ sĩ), Cục thương mại điện tử và kinh tế số – Bộ Công Thương (quản lý cấp phép các sàn thương mại điện tử) và thống nhất thành lập Tổ phản ứng nhanh xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo đó, Bộ Y tế sẽ xử lý các doanh nghiệp có sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật vi phạm quy định về quảng cáo; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương sẽ xử lý các đơn vị phát hành quảng cáo có vi phạm (báo, đài phát thanh, đài truyền hình, các website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử).

Đáng chú ý, thực hiện quy chế trên, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã trực tiếp làm việc với facebook Việt Nam yêu cầu không quảng cáo thực phẩm chức năng khi chưa được cơ quan y tế thẩm định. Đồng thời, đã xử phạt 148 công ty có sản phẩm vi phạm với số tiền phạt hơn 6,36 tỷ đồng; đã chuyển các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý 203 đường link với 86 sản phẩm thực phẩm quảng cáo sai theo thẩm quyền.

Ngoài ra, gửi 18 công văn cho Ban Thời sự – Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị công khai tên công ty, sản phẩm vi phạm theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ban hành công văn gửi Cục Văn hóa Thông tin cơ sở – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị có biện pháp với các văn nghệ sĩ, người mẫu… tham gia quảng cáo sai sự thật.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sản phẩm thực phẩm chức năng vi phạm quảng cáo; nghiên cứu bổ sung các chế tài quản lý chặt chẽ hơn về quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng; chỉ đạo các hội, hiệp hội trực thuộc quản lý của Bộ Y tế không để cán bộ tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm quy định của pháp luật.

Về phía các bộ, ngành, Bộ Y tế kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm; rà soát các quy định, quản lý chặt các trang mạng xã hội, có chế tài xử lý các trang mạng quảng cáo sai sự thật; chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền các cơ quan phát hành quảng cáo cố tình quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi chưa có thẩm định nội dung của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định.

Bộ Công Thương quản lý chặt chẽ các sàn thương mại điện tử, không để các sàn thương mại điện tử, các công ty kinh doanh đa cấp quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật.

Tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh, lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế để quảng cáo vẫn diễn ra, trong đó có thông tin gây hiểu lầm một số sản phẩm có thể dự phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19 được lan truyền trên một số phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian gần đây.

Quỳnh Nga

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Mạnh tay xử lý quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác