Print Thứ Năm, 01/06/2023 14:05 Gốc

Việc khoe thành tích học tập của con cái lên mạng xã hội đang được nhiều phụ huynh ủng hộ với lý do “đẹp khoe xấu che”.

Mỗi mùa tổng kết năm học, nhiều bậc phụ huynh lại rầm rộ đăng tải giấy khen khoe thành tích học tập của con lên mạng xã hội.

Hiện tượng này đang trở thành trào lưu “nhà nhà khoe giấy khen“, “người người khoe giấy khen” tràn ngập Facebook.

Nhiều người đồng tình, ủng hộ trào lưu này vì cho rằng, việc đăng thành tích học tập của con lên mạng như một sự động viên, mang ý nghĩa tích cực với con trẻ.

Nhưng cũng không ít ý kiến bày tỏ, việc làm này của một số bậc phụ huynh gây ảnh hưởng không tốt tới tâm lý trẻ, vô tình tạo áp lực với các con ở những năm học tiếp theo.

Bên cạnh đó, việc khoe giấy khen cũng cổ súy cho “bệnh thành tích” trong giáo dục.

Trào lưu phụ huynh khoe “cơn mưa giấy khen” của con rầm rộ trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Quan niệm “tốt khoe, xấu che”

Nhiều bậc phụ huynh đồng tình với việc này với lý lẽ, đó là niềm vui chân chính, thể hiện niềm tự hào của bố mẹ về con.

Chị Nguyên Đàm (Hà Nội) chia sẻ quan điểm: “Cả năm vất vả lo lắng rồi nên với tôi việc khoe giấy khen của con là một niềm vui chân chính. Tôi thấy từ mấy chục năm trước, bố mẹ chúng ta còn giữ, đóng khung treo tường giấy khen của con cái như một điều đáng tự hào và quý giá. Vậy thì tại sao hiện tại, chúng ta lại không được tự hào vì những điều tương tự?“.

Chị Hoài Thương (Gia Lâm) đồng quan điểm: “Ai có cái gì thì khoe nấy, ai thích khoe gì thì khoe, thế mới là xã hội trăm hoa đua nở. Nhà thì khoe thành tích, nhà thì khoe đi chơi, nhà thì không khoe gì, miễn là ai cũng thấy vui là được. Tại sao có những người cứ bắt người khác phải giống mình? Đến bông hoa còn biết đường khoe sắc“.

Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh khác cũng bày tỏ, việc khoe thành tích học tập của con đơn giản là sở thích cá nhân.

Một phụ huynh tên Hoài Nguyễn bày tỏ: “Tôi chỉ sợ con mình không có thành tích hoặc thành tích khiêm tốn không đáng để khoe. Nếu thành tích học tập của con tốt thật sự, con đồng ý thì tôi chẳng ngại khoe điều đó“.

Chị Phương Nhung (33 tuổi, Tây Hồ) chia sẻ với phóng viên, dù con trai chị mới đi học tiểu học nhưng chị cũng thích khoe mỗi khi con nhận được lời khen hay giấy khen.

Tôi chỉ nghĩ đó là kỷ niệm, khoảnh khắc đẹp của con nên chia sẻ, lan tỏa niềm vui, năng lượng tích cực tới mọi người. Mọi người đừng đưa sự việc đi quá xa bởi một tờ giấy khen“, chị Nhung nói.

Khoe quá đà sẽ biến tướng

Bên cạnh đa số phụ huynh đồng tình việc khoe bảng thành tích học tập của con trên mạng xã hội, một số khác cho rằng, việc khoe không xấu nhưng khi cha mẹ quá lạm dụng việc đó sẽ vô tình tạo áp lực cho chính con mình, cả con người khác.

Với chị Hương Linh đang có con theo học tại trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm Hà Nội cho rằng: “Tôi nghĩ, việc khoe thành tích không xấu nhưng nếu lạm dụng điều đó quá thì sẽ khiến nhiều bạn nhỏ gặp áp lực thành tích, lâu dần trở nên biến tướng khi nhìn nhận về cách học tập. Với tôi, cả quãng thời gian con trẻ học tập và trải nghiệm ở trường có nhiều thứ đáng quý hơn nhiều mỗi tờ giấy khen cuối năm đó“.

Chị Hương Linh chọn không khoe thành tích học tập của con lên mạng xã hội. Ảnh nhân vật cung cấp.

Vị phụ huynh này giải thích thêm, khi khoe quá nhiều về điểm số của con trên mạng xã hội, chính các bậc phụ huynh lâu dần sẽ khiến bản thân cảm thấy tờ giấy khen đó trở thành “thứ bắt buộc” con cần đạt được khi hết năm học.

Chị cũng từng chứng kiến, nhiều phụ huynh thậm chí không quan tâm thực lực hay kiến thức con mình đạt được đến đâu mà chỉ cần có “giấy khen“, điểm tốt để bố mẹ có cái “sống ảo“.

Khi cha mẹ bị ảnh hưởng bởi bệnh thành tích thì cũng khiến những đứa trẻ bị hiểu sai lệch mục đích của việc đến trường. Nếu học lực không đủ, các bạn nhỏ sẽ tìm cách đạt được giấy khen hoặc điểm cao bằng “đường tắt”. Chưa kể, những đối tượng tương tác trên mạng xã hội của những người chăm khoe con cũng dần bị ảnh hưởng bởi quan niệm bệnh thành tích và lại tiếp tục áp đặt nhiều bạn trẻ khác tạo thành một vòng lặp“, chị Hương Linh bày tỏ.

Vị phụ huynh này cũng chứng kiến một số bạn nhỏ chưa có giấy khen sau khi hết năm học bị phụ huynh so sánh với “con nhà người ta” trên mạng xã hội. Việc chia sẻ thành tích của phụ huynh A có thể làm tổn thương đến những em bé ở gia đình B, vì bố mẹ so sánh.

Thay vì khoe giấy khen bảng điểm, tôi nghĩ các bậc phụ huynh hãy khoe những chuyến đi chơi hè thưởng cho các con vì thành tích đã đạt được thì hay hơn rất nhiều“, vị phụ huynh này nói thêm.

Băng Tâm

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Lý do khiến trào lưu “nhà nhà khoe giấy khen” bùng nổ trên Facebook
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác