Print Thứ Hai, 27/06/2022 12:01 Gốc

Tại dự thảo mới nhất về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Bộ Y tế khẳng định, chưa công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Về căn cứ pháp lý

Bộ Y tế cho biết, việc công bố dịch, công bố hết dịch tại Việt Nam quy định tại Mục 1, Chương IV, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 và Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28.01.2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, việc công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm phải đáp ứng điều kiện:

. Triển khai các biện pháp chống dịch quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

. Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau 28 ngày.

Tại Việt Nam, ngày 01.4.2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch COVID-19 trên quy mô toàn quốc thay thế Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01.02.2020 về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Đánh giá dịch COVID-19 của WHO

. Nhận định virus SARS-CoV-2 là virus đường hô hấp mới, chưa hình thành được tính sinh thái và virus tiếp tục biến đổi, khó dự báo được.

. Các khuyến cáo chính bao gồm: tăng cường đáp ứng quốc gia thông qua điều chỉnh kế hoạch, chuẩn bị, đáp ứng theo những ưu tiên, kịch bản của Kế hoạch chiến lược chuẩn bị và đáp ứng COVID-19 của WHO năm 2022.

. WHO khuyến cáo các quốc gia thành viên chuẩn bị mở rộng các biện pháp xã hội khi cần thiết, đảm bảo các dịch vụ y tế thiết yếu, các dịch vụ xã hội, giáo dục… Tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng bệnh như: sử dụng khẩu trang, ở nhà khi có triệu chứng của bệnh, tăng cường vệ sinh tay, thông thoáng khí.

Đánh giá dịch COVID-19 tại Việt Nam

Tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều nước có xu hướng gia tăng trở lại, virus liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới, tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

Khó khăn khi công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam

. Khi tình huống dịch xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế khi đó việc kích hoạt đáp ứng với các biện pháp y tế, xã hội sẽ trở nên bị động.

. Nhân viên y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 không được hưởng chế độ phụ cấp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A; người bệnh sẽ không được hưởng chi trả điều trị COVID-19 miễn phí, đặc biệt là người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

. Không có cơ chế áp dụng đặc thù đối với vaccine phòng COVID-19 sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.

. Việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, người dân sẽ không được quan tâm đúng mức cũng như người dân sẽ chủ quan, lơ là trước sự nguy hiểm của dịch bệnh, không thực hiện chủ động các biện pháp phòng chống dịch.

. WHO vẫn còn cảnh báo tình trạng đại dịch trên toàn cầu và tại Việt Nam (quốc gia thành viên của WHO) vẫn còn ghi nhận số mắc cao hàng ngày tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Do đó phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo các khuyến cáo của WHO.

Việc duy trì công bố dịch COVID-19 tại Việt Nam sẽ huy động được sự quan tâm của toàn thể hệ thống chính trị tham gia vào công tác chống dịch, bố trí kinh phí đầy đủ cho các hoạt động chống dịch không để bị động khi xuất hiện biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

Trong thời gian chưa công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam, để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phòng, chống dịch, nhất là những nơi đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 với số mắc, tử vong ở mức thấp trong thời gian dài và có khả năng đáp ứng tốt, sẽ thực hiện đánh giá ngưỡng kiểm soát dịch theo các tiêu chí để quyết định các biện pháp đáp ứng phù hợp.

Đối với trường hợp đạt các tiêu chí dưới ngưỡng kiểm soát dịch, xem xét điều chỉnh áp dụng các biện pháp tương tự như với bệnh truyền nhiễm lưu hành phổ biến khác.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, đánh giá nguy cơ và có điều chỉnh phù hợp khi có những diễn biến mới.

Thùy Linh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Lý do Bộ Y tế chưa công bố hết dịch COVID-19
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác