Chị Trần Nguyên Thảo, công nhân may đang làm việc tại một công ty có vốn đầu tư 100% nước ngoài tại Hải Dương cho biết, do yêu cầu gấp của đơn hàng mà mấy tháng nay, công nhân công ty chị phải tận lực tăng ca từ sáng sớm đến 10 giờ đêm. Mức lương của chị là gần 4,5 triệu đồng/tháng, nếu tính cả tiền làm thêm giờ, thu nhập của chị khoảng 6,5 triệu đồng/tháng. Có thêm một chút thu nhập nhưng chị cũng phải đánh đổi thời gian cho gia đình.
Chị Thảo chia sẻ, mấy tháng nay tăng ca triền miên quá mệt mỏi, về tới nhà hơn 10h đêm, gần như không biết đến gia đình gì cả. Thậm chí, sáng dậy sớm đi làm chẳng kịp nhìn mặt con, tối về con đã ngủ từ bao giờ. Con cái ở nhà gần như “khoán trắng” cho ông bà chăm sóc.
Trong khi đó, chị Bùi Thu Thủy, công nhân da giày Tiên Lãng, Hải Phòng chia sẻ về thời gian làm thêm còn cảm thấy phục chính mình.
“Sáng làm việc từ 7 giờ 30, sau đó tăng ca tới 21 giờ, một tháng được nghỉ một ngày chủ nhật. Con cái ông bà chăm. Thiết nghĩ sức khoẻ của công nhân thật phi thường. Vẫn biết chúng ta phải kết hợp hài hòa, tiền ai cũng cần nhưng trách nhiệm với gia đình, chăm sóc con cái thì cũng không thể bỏ được”, chị Thủy chia sẻ.
Theo chị Thủy, tăng ca triền miên đã khiến công nhân trở thành những con người dù đang sống trong xã hội nhưng thực tế lại là đang ở bên ngoài của xã hội.
Đề cập đến việc giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, chị Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự, Công ty Synztec Việt Nam (KCN Nomura, Hải Phòng) cho biết, người lao động rất mong muốn có thời gian để chăm sóc gia đình, con cái. Chính vì thế người lao động như chị rất mong muốn vấn đề này sớm được “luật hóa”.
Theo chị Thu, năm 2018, công nhân trong công ty có 93 ngày nghỉ. Công đoàn đã đề xuất tăng lên 95 ngày nghỉ trong năm 2019 và Ban giám đốc đồng ý ở con số 94 ngày. Căn cứ để đề xuất tăng ngày nghỉ thường dựa vào kết quả lao động sản xuất của người lao động năm trước. Bên cạnh đó, dù ngày nghỉ tăng nhưng do những cải tiến mà người lao động thường xuyên đề xuất khiến công ty luôn đảm bảo được năng suất và chất lượng sản phẩm.
“Xu hướng chung của các doanh nghiệp FDI trong Khu công nghiệp Nomurra là cho nghỉ các ngày thứ Bảy trong tháng. Hiện giờ cũng nhiều doanh nghiệp đã cho người lao động nghỉ 2 thứ Bảy/tháng nhưng nếu được luật hoá thì vẫn tốt hơn”, chị Thu cho biết.
Trong đề xuất, góp ý một số nội dung lớn trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đưa ra ngày 7-10, cơ quan này tiếp tục giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ “48 giờ trong một tuần” xuống “44 giờ trong một tuần”.
Bên cạnh đó, cũng tiếp tục đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm theo 2 phương án: nghỉ Quốc khánh 4 ngày từ 2 đến 5-9 hằng năm (tăng thêm 3 ngày so với quy định hiện hành) hoặc nghỉ 1 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 và 2 ngày thêm vào ngày nghỉ Tết dương lịch.
Tổng LĐLĐVN lập luận, với số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm rất thấp, lao động trong nhiều ngành kinh tế chủ yếu là lao động di cư, địa hình đất nước ta lại trải dài theo hình chữ S nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất 3 ngày nghỉ là cần thiết. Việc tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ giúp người lao động có thêm ngày nghỉ để tái tạo sức lao động, có thêm thời gian chăm lo cho gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển.
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) cho biết, qua khảo sát tại 7 doanh nghiệp ở Việt Nam đang duy trì chế độ làm việc 40-44 giờ/tuần, thấy rằng năng suất và hiệu quả lao động không bị ảnh hưởng, có 3 doanh nghiệp năng suất còn cao hơn, người lao động gắn bó và tin tưởng hơn với doanh nghiệp.
“Năng suất lao động tăng bình quân trên 5%, tuy vẫn còn khoảng cách so với khu vực và thế giới. Xu hướng phát triển và thu hút nguồn lực đầu tư coi trọng về số lượng, tăng trưởng dựa trên chiều rộng, khai thác nguồn lực sẵn có, coi nguồn nhân công giá rẻ là lợi thế cạnh tranh không còn phù hợp khi Việt Nam đặt mục tiêu vươn lên để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Nếu tiếp tục duy trì cạnh tranh bằng khai thác nguồn nhân công giá rẻ và kéo dài thời gian làm việc, người lao động sẽ tiếp tục bị vắt kiệt sức lực với mức lương không đủ sống. Không chỉ dừng ở thế hệ họ mà còn ảnh hưởng đến hàng chục triệu con cháu họ sau này khi lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn về dinh dưỡng và giáo dục”, ông Quảng nói.
Cũng trong đề xuất góp ý những nội dung cơ bản của Bộ luật Lao động sửa đổi này, Tổng LĐLĐVN đồng ý với việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, theo Tổng LĐLĐVN, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn.
Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật.
Đối với người lao động bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn đến 10 năm so với quy định.
Công thức tăng tuổi nghỉ hưu chia ra thành các nhóm: công chức (tăng tất cả), viên chức (tăng một bộ phận lớn), công nhân lao động (chỉ tăng một bộ phận nhỏ và mức tăng đối với lao động nữ chỉ nên là 58).
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn tiến hành trên 2.550 lao động (hơn 62% lao động nữ), phần lớn người lao động không mong muốn làm thêm nhưng vì thu nhập thấp nên phải chấp nhận.
Đáng lưu ý là trung bình thu nhập từ tăng ca của người lao động chỉ là hơn 1.336.000 đồng/người/tháng (chiếm 22,4% tổng thu nhập). Đa số công nhân, người lao động đều cho rằng, do thu nhập còn thấp, không đủ để trang trải cho cuộc sống nên họ buộc phải làm thêm để cải thiện thu nhập.
Phan Hoạt
Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có hướng dẫn các doanh nghệp đăng ký…
Dự kiến, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Hải Phòng thưởng Tết Nguyên…
Công an huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) vừa bắt giữ 1 đối tượng cướp…
So với những năm trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 giảm 1…
Sáng 24/12, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng long trọng tổ chức lễ kỷ…
Chiều 24/12, quận Lê Chân tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More