Lương sắp tăng, giá cả có tăng?

Từ 1.7 tới đây, mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng sẽ được áp dụng cho 9 nhóm đối tượng. Vấn đề đặt ra là, lương tăng liệu giá cả có tăng vẫn là câu hỏi cần lời giải đáp.

Tăng lương tác động đến CPI thế nào?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5.2023 tăng 0,4% và so với cùng kì năm trước tăng 2,43%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kì năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,83%.

Còn kết quả điều tra kì vọng lạm phát tháng 6.2023 do Ngân hàng Nhà nước công bố hồi giữa tháng 6 thì lạm phát tháng 6 so với tháng 5 tăng khoảng 0,26%, lạm phát bình quân 2023 so với 2022 sẽ tăng khoảng 3,74%.

Như vậy có thể thấy, dù ngày 1.7 sẽ tăng lương cơ bản nhưng các chỉ số CPI hay lạm phát vẫn khá “đẹp” và trong vùng kiểm soát.

Kiểm soát giá cả trước mỗi kì tăng lương để không tác động xấu đến người lao động. Ảnh: Hải Nguyễn.

Thực tế chứng minh, trong lịch sử vấn đề cải cách tiền lương giai đoạn 1986-1992, kinh tế Việt Nam đối mặt với siêu lạm phát, năm 1986, mức lạm phát đã lên đến 774,7%, khiến nền kinh tế rối loạn. Riêng các mặt hàng nông sản, so sánh vật giá năm 1986 với năm 1976 thì tăng tới 2.000%, năm 1987, lạm phát là 323,1%, năm 1988, lạm phát lại vọt lên 393%…

Ngược lại, những lần tăng lương gần nhất lại không ghi nhận sự tăng đột biến của lạm phát cơ bản lẫn chỉ số giá tiêu dùng. Kì tăng lương tháng 7.2018 (lương cơ sở tăng từ mức 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng/tháng) mức tăng CPI tháng 6 là 0,61% và chỉ số lạm phát 6.2018 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên khi sang đến tháng 7, nghĩa là sau khi tăng lương, thì các chỉ số trên lại giảm nhẹ. Ở kì tăng lương tháng 7.2019 (lương cơ sở tăng từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng), thì chỉ số CPI lại tăng thấp nhất trong 3 năm trước đó.

Điều này cho thấy việc tăng lương cơ sở không làm biến động quá nhiều CPI cũng như lạm phát.

Kiểm soát giá cả luôn đặt ra trước mỗi kì tăng lương (ảnh minh họa). Ảnh: Đình Hải.

Ngăn chặn giá tiêu dùng tăng

Đợt tăng lương tới đây có đặc điểm là tăng tới 20,8% vì đã 4 năm chưa tăng lương cơ sở. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: “Mức tăng 20,8% là tương đối lớn so với tốc độ tăng CPI 3 năm qua và cả dự tính năm 2023. Tuy nhiên, tăng 20,8% trên nền tảng mức lương thấp nên đời sống lao động khu vực công có được cải thiện song không nhiều”.

Vấn đề ở đây là cần phải kiềm chế mức tăng của CPI khi nguy cơ tăng giá tiêu dùng vẫn còn hiện hữu. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kì năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,83%.

Trong mức tăng 0,01% của CPI tháng 5.2023 so với tháng trước, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Tổng cục thống kê lí giải “giá lương thực, thực phẩm tăng, giá điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài là những nguyên nhân chính làm CPI tăng 0,01% so với tháng trước”.

Tại cuộc họp báo thường kì tháng 6.2023, khi được hỏi về công tác điều hành giá sẽ được chú trọng như thế nào để tránh tình trạng tăng giá theo lương, đại diện Cục Quản lí giá, Bộ Tài Chính cho biết, điều hành quản lí giá là hoạt động thường xuyên, liên tục. Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng các báo cáo về điều hành giá, đưa ra những kế hoạch, tình huống sẽ triển khai trong quá trình điều hành như tăng lương cơ sở và một số vấn đề khác.

Theo Bộ Tài chính, một số giải pháp về điều hành giá cụ thể như bám sát diễn biến thị trường giá cả, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu mà Quốc hội đưa ra, đặc biệt chú ý đến mặt hàng chiến lược là xăng dầu, tập trung chú ý nắm bắt tình hình. Đối với một số mặt hàng thuộc danh mục nhà nước định giá thì thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành thận trọng phù hợp từng thời kì. Các cơ quan chức năng cũng sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động kê khai thông báo giá, việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lí giá, tránh việc găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lí.

Trong Kì họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, khi bàn về vấn đề tăng lương cơ sở, lương hưu, đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết các giải pháp tổng thể về điều hành giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát và tránh được hiệu ứng tâm lí tăng lương, tăng giá. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, mục tiêu là phải đạt được như Quốc hội giao là CPI năm 2023 tăng khoảng 4,5%. Muốn giữ được giá, phải đáp ứng quan hệ cung-cầu. Điều này Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt với mặt hàng thiết yếu như thực phẩm. Trong thực hiện các quy định của pháp luật về giá, Phó Thủ tướng quán triệt với mặt hàng Nhà nước không định giá phải niêm yết, kê khai và kiểm tra thường xuyên.

Minh Bằng

Nguồn tin: Báo Lao động

Tin khác

Khởi công CCN Tiên Cường II (Tiên Lãng)

Sáng 18-5, tại xã Tiên Cường (huyện Tiên Lãng) Công ty CP Đầu tư hạ…

18/05/2024

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama ‘Chiến dịch Điện Biên Phủ’

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định…

18/05/2024

Toàn văn Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành…

18/05/2024

Phòng An ninh kinh tế Công an thành phố: Nỗ lực đảm bảo ANTT, ATGT khu vực Ga Hải Phòng

Ga Hải Phòng là nhàga loại I của ngành đường sắt Việt Nam, là đầu…

18/05/2024

Bộ Y tế nói gì về đề xuất thí điểm thuốc lá nung nóng của Bộ Công Thương?

Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Việc…

18/05/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More