Luật Viễn thông (sửa đổi): Quy định rõ các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet

Ngày 22/6, phát biểu về dự án Luật Viễn thông sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sửa đổi quy định này theo hướng quản lý ở mức tối thiểu nhưng xử phạt nghiêm minh; quản lý cơ bản dựa trên những gì nhà cung ứng dịch vụ đã có để tránh phát sinh thêm chi phí.

Theo đó, một trong những điểm mới của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5 là quy định về quản lý các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông).

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ OTT viễn thông được sử dụng ngày càng phổ biến, có khả năng thay thế cho các dịch vụ viễn thông trong khi pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý, dẫn đến không bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin.

Dự thảo Luật đưa ra các quy định quản lý dịch vụ này theo nguyên tắc: Đưa khái niệm dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet vào dự thảo Luật, việc phân loại cụ thể dịch vụ này do Chính phủ quy định chi tiết.

Luật hiện hành chưa có quy định quản lý về dịch vụ này sẽ dẫn đến quyền lợi của người sử dụng chưa được bảo đảm. Ảnh: VGP/LS.

Thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằn, dịch vụ OTT về bản chất là dịch vụ sử dụng Internet để cung cấp các phần mềm ứng dụng. Về cơ bản, các dịch vụ OTT có thể được chia thành 2 loại chính, gồm: Dịch vụ OTT viễn thông và dịch vụ OTT cung cấp nội dung thông tin. Người dùng có thể tự do sử dụng đồng thời nhiều ứng dụng hoặc tùy ý thay đổi nhà cung cấp dịch vụ và không mất bất kỳ chi phí nào.

Ngoài chức năng gọi điện thoại, nhắn tin, dịch vụ OTT còn có các chức năng khác như họp trực tuyến, xem phim, truyền hình và không thu phí. Các đặc điểm này dẫn đến việc sử dụng dịch vụ OTT phát triển rất nhanh chóng, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các dịch vụ tin nhắn và thoại truyền thống của các doanh nghiệp viễn thông ở nhiều quốc gia bao gồm cả thị trường Việt Nam.

Quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số đang được đẩy mạnh. Hầu hết ý kiến cho rằng pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý về dịch vụ này sẽ dẫn đến quyền lợi của người sử dụng chưa được bảo đảm. Do đó, cần phải được quản lý theo cách thức phù hợp. Một số ý kiến đề nghị làm rõ đối với dịch vụ OTT cung cấp nội dung thông tin nếu không được quy định trong Luật Viễn thông (sửa đổi) thì thuộc phạm vi điều chỉnh của luật nào.

Cho ý kiến về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) đánh giá dự thảo Luật đã mở rộng đáng kể phạm vi điều chỉnh một số ngành, lĩnh vực không phải là hoạt động hay dịch vụ viễn thông truyền thống nhưng đang là các lĩnh vực hoạt động và dịch vụ rất phổ biến và ngày càng có xu thế thay đổi dần các hoạt động hoặc dịch vụ viễn thông truyền thống, trong khi còn đang thiếu những hành lang pháp lý để điều chỉnh một cách hệ thống.

Theo đại biểu, vấn đề là cần tiếp tục rà soát mức độ áp dụng các quy định quản lý đối với các loại hình dịch vụ này trong Luật Viễn thông đến đâu để đảm bảo vẫn thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư hoạt động kinh doanh dịch vụ có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng nhưng vẫn đảm bảo có các hành lang pháp lý để quản lý, đảm bảo các vấn đề an ninh quốc gia, an ninh mạng, an toàn thông tin, đồng thời đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (tỉnh Quảng Bình) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét quy định cụ thể thế nào là vượt ngưỡng và mức vượt ngưỡng là bao nhiêu tại Khoản 2, Điều 22.

Góp ý Khoản 2 Điều 22, đại biểu Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) lại cho rằng quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải có biện pháp bảo đảm hoạt động ổn định của dịch vụ là hợp lý. Bởi, với tư cách là doanh nghiệp có số lượng người sử dụng lớn hay có lưu lượng sử dụng dịch vụ lớn, phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cho người sử dụng tại Việt Nam. Các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam khi cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản phải tuân theo các quy định về chất lượng dịch vụ và việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet phải đảm bảo hoạt động ổn định của các dịch vụ là công bằng, không phân biệt đối xử.

Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, chất lượng dịch vụ viễn thông cơ bản khi cung cấp trên Internet còn phụ thuộc vào chất lượng hạ tầng Internet của các doanh nghiệp viễn thông. Vì vậy, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung các nguyên tắc mà doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải thực hiện để đảm bảo quy định này là khả thi trong thực tiễn.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) nêu quan điểm việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet hay còn gọi là OTT, dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây cũng cần cân nhắc về mức độ quản lý cho phù hợp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo chặt chẽ, khả thi và hạn chế việc tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, hạn chế ảnh hưởng đến lợi ích mà các dịch vụ thuộc lĩnh vực mới mang lại và phù hợp với cam kết quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Nhà cung cấp dịch vụ phải minh bạch thông tin đối với khách hàng về giá, về điều kiện hợp đồng. Ảnh: VGP/LS.

Giải trình ý kiến đại biểu nêu về quản lý dịch vụ OTT viễn thông, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dịch vụ OTT viễn thông là các dịch vụ nhắn tin thoại giống như dịch vụ viễn thông cơ bản, nhưng được cung cấp bởi công nghệ Internet.

Quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là quản lý dịch vụ không phụ thuộc vào công nghệ, nhưng dịch vụ OTT viễn thông không có hạ tầng, người dùng dễ thay đổi nhà cung cấp, do thủ tục đăng ký dịch vụ đơn giản, thị trường rất cạnh tranh vì nhiều nhà cung cấp, do vậy quản lý phải ít hơn, phải mềm hơn dịch vụ viễn thông truyền thống.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định qua thảo luận nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu rất xác đáng, trong đó cần quản lý mềm hơn, nhẹ tay hơn, không phát sinh thêm nhiều chi phí tuân thủ cho nhà cung cấp dịch vụ. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ báo cáo Chính phủ nghiên cứu tiếp thu theo hướng: Quản lý ở mức tối thiểu nhưng xử phạt nghiêm minh. Quản lý cơ bản dựa trên những gì nhà cung ứng dịch vụ đã có để tránh phát sinh thêm chi phí tuân thủ và sẽ không phân biệt nhà cung cấp dịch vụ.

Yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải minh bạch thông tin đối với khách hàng về giá, về điều kiện hợp đồng, về chất lượng dịch vụ (nếu có). Yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ bảo mật thông tin của khách hàng, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu. Khách hàng khi đăng ký sử dụng dịch vụ thì phải cung cấp thông tin như số điện thoại. Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đã thực hiện việc đăng ký và xác thực thông qua số điện thoại. Do vậy, quy định này không làm phát sinh thêm chi phí.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ báo cáo Chính phủ cân nhắc giảm nhẹ các điều kiện kinh doanh từ cấp phép đăng ký xuống hình thức thông báo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

LS

Nguồn tin: Báo Chính phủ

Tin khác

Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu thông báo tìm chủ sở hữu

Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (gọi tắt là Cảng Hoàng Diệu) thông báo…

23/12/2024

Mức hỗ trợ di dời khẩn cấp với hộ dân chung cư cũ Hải Phòng

HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…

22/12/2024

Triển lãm “Vang mãi khúc quân hành” diễn ra đến hết ngày 27/12/2024

Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…

22/12/2024

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Hải Phòng: Bất động sản Thủy Nguyên đếm ngược ngày “thăng hoa”

Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More