NDĐT- Sáng 13-6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật Đầu tư công (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao, lần lượt đạt 91,32% và 90,70% trên tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng tiến hành biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Luật Quản lý thuế (sửa đổi)
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường ngày 24-5 về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hệ thống điện tử với tỷ lệ 442/453 đại biểu có mặt tán thành, đạt 91,32% trên tổng số đại biểu Quốc hội.
Kết quả biểu quyết Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Như vậy, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua, gồm 17 Chương và 152 Điều, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, thay thế các luật: Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13 sẽ hết hiệu lực.
Đáng chú ý, theo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) mới được thông qua quy định, đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ thuế phát sinh trước ngày 1-7-2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13; còn đối với các khoản tiền thuế nợ đến ngày 1-7-2020 thì được xử lý theo quy định tại Luật Quản lý thuế (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua.
Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua hai luật sáng ngày 13-6.
Luật Đầu tư công (sửa đổi)
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường ngày 28-5 về Luật Đầu tư công (sửa đổi), kết quả việc xin ý kiến các vị ĐBQH về ba vấn đề còn ý kiến khác nhau ngày 3-6; Quốc hội tiến hành biểu quyết với tỷ lệ 439/450 đại biểu có mặt tán thành, đạt 90,7% trên tổng số đại biểu Quốc hội.
Như vậy, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua, gồm sáu Chương và 101 Điều, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, thay thế Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13.
Đáng chú ý, về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục đầu tư công trung hạn, Luật Đầu tư công (sửa đổi) được giữ cơ bản như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành. Theo đó, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với Chương trình mục tiêu quốc gia và Dự án quan trọng quốc gia.
Quốc hội khóa mới quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn
Sửa Luật Đầu tư công để khắc phục vấn đề phân cấp
NGUYÊN MINH, Ảnh: ĐĂNG KHOA