Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020 nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Phóng viên Báo Hải Phòng có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Văn phòng luật sư Bạch Đằng Giang (Đoàn Luật sư Hải Phòng) về vấn đề này.
– Đề nghị luật sư cho biết, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có những điểm mới so với quy định hiện hành trong lĩnh vực này?
– Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương, 36 điều, bổ sung 6 điểm mới so với các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan, tác động mạnh tới đông đảo người dân. Đó là, người điều khiến phương tiện giao thông (gồm cả ô tô, mô tô, xe điện và xe đạp) không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông (thay vì được lái xe nếu nồng độ cồn trong người ở mức cho phép như trước). Các cơ sở bán bia, rượu phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Các cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ có trách nhiệm hỗ trợ khách hàng thuê sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia. Không mở mới điểm bán rượu, bia gần trường học, bệnh viện. Các gia đình có trách nhiệm hướng dẫn các thành viên có kỹ năng từ chối uống rượu, bia. Cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên, không quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ trên báo nói, báo hình ngay trước, trong và sau chương trình dành cho trẻ em từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày hay trên các phương tiện giao thông.
Những điểm mới này của Luật không chỉ làm thay đổi, tăng cường nhận thức cho người dân về tác hại của việc sử dụng rượu, bia mà còn trực tiếp tác động tới các hành vi, thói quen sinh hoạt, sử dụng bia, rượu trong đời sống hằng ngày của khá nhiều người.
– Với những quy định khá chi tiết, cụ thể như vậy, theo luật sư, khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ có ý nghĩa và tác động như thế nào tới thực tế cuộc sống?
– Thực tế hiện nay, Việt Nam đang là một quốc gia có lượng tiêu thụ rượu, bia lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức của người dân về việc uống rượu, bia phù hợp với thực tiễn và bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng. Chẳng hạn như theo thông lệ, cứ liên hoan, tiệc tùng là phải uống rượu, mời rượu, ép rượu, thậm chí khích bác, tỉ thí khả năng uống rượu dẫn tới tình trạng khi rời buổi liên hoan, tiệc tùng, nhiều người không làm chủ được hành vi. Khi đó, việc điều khiển phương tiện như ô tô, xe máy tiềm ẩn nguy cơ gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm. Như vụ việc người cha sau khi uống rượu chở con bằng xe máy đi lên cầu vượt Lê Hồng Phong (quận Hải An) va chạm với xe công-ten-nơ khiến em bé bị thương nặng sau đó tử vong vào đêm 6-8-2019. Hay như vụ tai nạn giữa xe ô tô bán tải đâm tử vong hai nữ sinh đi bộ trên đường liên xã Đại Hà, Thụy Hương (huyện Kiến Thụy) vào đầu năm 2018 có nguyên nhân do lái xe điều khiển phương tiện khi trong người có nồng độ cồn vượt quá quy định…
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành sẽ tác động trực tiếp vào nếp nghĩ, thói quen và văn hóa sử dụng bia, rượu của mọi người. Luật tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hành vi sử dụng bia, rượu, buộc mọi người thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia, qua đó góp phần giảm thiểu tác hại tiêu cực của rượu, bia, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của mỗi người cũng như tới sự phát triển kinh tế, xã hội.
– Luật quy định rất cụ thể, chi tiết về những hành vi bị cấm liên quan tới việc sử dụng, buôn bán, quảng cáo rượu, bia. Theo ông, việc triển khai quy định cấm này như thế nào để phát huy hiệu quả?
– Thực tế cho thấy tại các buổi liên hoan, hiếu, hỷ có xảy ra việc ép, khích bác nhau uống rượu, bia. Bên cạnh đó, do nhận thức, nhiều người uống say rượu, bia rồi nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông, rất nguy hiểm cho bản thân và những người chung quanh. Vì vậy, việc quy định chi tiết về những hành vi bị cấm liên quan tới việc sử dụng, buôn bán, quảng cáo rượu, bia là hoàn toàn cần thiết và phù hợp với thực tế hiện nay. Điều quan trọng là cùng với quy định cấm, pháp luật cần quy định rõ chế tài xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, để có căn cứ xử phạt, cũng cần phải làm rõ, lượng hóa những hành vi bị cấm.
Do vậy, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, các cấp, ngành, đơn vị cần sớm bắt tay làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật tới các tầng lớp nhân dân để thay đổi về nhận thức, tạo cơ sở cốt lõi dẫn tới sự thay đổi về hành vi sử dụng bia, rượu. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật; chú trọng củng cố, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống tác hại của bia, rượu, bố trí, huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi hành luật. Cùng với đó, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm triển khai tốt việc thực hiện pháp luật về an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội… để ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan tới rượu, bia; nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để xây dựng cơ chế đồng bộ, hữu hiệu trong phòng, chống tác hại của bia, rượu vì sức khỏe của người dân và sự an toàn của cộng đồng.
– Trân trọng cảm ơn luật sư!
Thành Lê thực hiện./Báo Hải Phòng