Một trong những thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, điện thoại phổ biến đang được đối tượng tội phạm sử dụng và bị lực lượng công an thành phố phát hiện, triệt phá là sử dụng các cuộc gọi thoại trên internet giả danh các cơ quan bảo vệ pháp luật (công an, tòa án, viện kiểm sát…) đe dọa người dân đang vướng vào các vụ việc vi phạm pháp luật, nợ cước viễn thông, nợ tiền ngân hàng… Sau đó, các đối tượng yêu cầu người dân chuyển tiền trả nợ, xác minh tài sản phục vụ công tác điều tra nhưng thực chất là chiếm đoạt. Điển hình tháng 1-2019, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố) bắt giữ 3 đối tượng ở tỉnh Cao Bằng câu kết 1 người Trung Quốc để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội. Nạn nhân trú tại phường Anh Dũng (quận Dương Kinh) “sập bẫy” của nhóm đối tượng này và bị lừa chiếm đoạt mất hơn 280 triệu đồng.
Cùng với đó, một số đối tượng sử dụng kiến thức về công nghệ thông tin chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội như: facebook, zalo, viber…, sau đó nhắn tin thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mới đây, người bạn Việt kiều của chị Nguyễn Thị Tuyết M, ở phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền) và Vũ Thị Tú O, ở phường An Biên (quận Lê Chân), bị nhóm đối tượng trú tại tỉnh Quảng Trị chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, thực hiện hành vi lừa đảo. Lấy lý do nhờ chuyển tiền, 2 chị M và O bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 70 triệu đồng. Sau khi nhận thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố) điều tra, bắt nhóm đối tượng lừa đảo gồm: Đỗ Xuân Trực, sinh năm 1994, ở xã Triệu Long; Nguyễn Đức Lịch, sinh năm 1994, ở xã Triệu Ái (huyện Triệu Phong); Trần Phúc Hải Linh, sinh năm 1986, ở phường 3 và Trần Văn Lương, sinh năm 1995, ở phường 2, thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị). Mở rộng điều tra, cơ quan công an phát hiện nhóm đối tượng trên còn gây ra một số vụ chiếm quyền sử dụng tài khoản trên mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người khác.
Tình trạng người nước ngoài câu kết với một số người Việt Nam làm quen với bị hại, tạo lòng tin sau đó hứa gửi tiền, quà, tài sản có giá trị cao. Khi “con mồi” cắn câu, những đối tượng trong đường dây giả mạo nhân viên hải quan, an ninh sân bay yêu cầu chuyển tiền làm các thủ tục thông quan. Khi tiền được chuyển vào tài khoản, chúng ngắt toàn bộ liên lạc. Đến lúc này nạn nhân mới biết mình bị lừa nhưng không nhiều người tới cơ quan công an tố cáo vì… xấu hổ.
Thiếu tá Khúc Thanh Tuấn, Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm có tổ chức và yếu tố nước ngoài (Phòng Cảnh sát hình sự) cho biết: Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố có 20 người “sập bẫy” với số tiền nhiều tỷ đồng. Trong đó, có trường hợp 13 lần chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng phạm tội. Trước những chiêu thức lừa đảo nói trên, theo thiếu tá Khúc Thanh Tuấn nhận được tin nhắn, cuộc gọi của người quen qua điện thoại, zalo hay facebook yêu cầu chuyển tiền, mọi người hãy gọi điện trực tiếp người đó để kiểm chứng. Đối với những trường hợp người lạ gọi điện thông báo có liên quan đến vụ án, thì người dân nên đến cơ quan công an địa phương để nhờ xác minh.
Thực tế thủ đoạn của các đối tượng tội phạm sử dụng điện thoại, mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không mới, nhưng phương thức luôn thay đổi. Các đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý thích nhận quà, ngại liên quan đến các vụ án rắc rối nên nhiều người “sập bẫy”. Kẻ xấu gọi điện thoại dồn dập làm nạn nhân không có thời gian suy nghĩ, lúng túng và thực hiện theo kịch bản chúng dựng sẵn.
Theo đại tá Đào Quang Trường, Phó giám đốc Công an thành phố, để không rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo, mỗi người dân chủ động nâng cao kiến thức, nhận thức của bản thân và gia đình, tuyệt đối không làm theo yêu cầu qua mạng xã hội internet, điện thoại, nhất là không ham những món quà từ “trên trời”. Người dân hạn chế đưa thông tin cá nhân, thông tin về tài khoản ngân hàng trên các trang mạng xã hội. Về phía ngành công an sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về phương thức thủ đoạn để biết và phòng tránh; tiếp tục phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, từ đó người dân chủ động tố giác hành vi vi phạm pháp luật. Công an thành phố kiện toàn, đào tạo nâng cao kỹ năng và đầu tư trang thiết bị đối với lực lượng trực tiếp phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm trên, tạo chủ động đấu tranh.
Minh Khôi. Nguồn: Báo Hải Phòng
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More