Print Thứ tư, 17/01/2024 09:50 Gốc

Đến lần thứ 6 tổ chức, cuộc thi sáng tác mẫu biểu tượng thành phố Hải Phòng hiện vẫn chưa thể chọn ra một mẫu “ưng ngay từ cái nhìn đầu tiên”, mới chỉ dừng lại ở mức “so bó đũa, chọn cột cờ”…, để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung.

Tổ chức công phu, bài bản

Từ năm 1992 đến năm 2016, thành phố liên tục tổ chức 5 cuộc thi sáng tác mẫu biểu tượng. Cuộc thi lần thứ nhất được phát động vào tháng 8/1992, lần thứ 2 vào tháng 7/1999, lần thứ 3 vào tháng 6/2000, lần thứ 4 vào tháng 5/2007; lần thứ 5 là tháng 8/2015. Cả 5 lần tổ chức thi sáng tác, thành phố đều mời các thành viên Hội đồng Giám khảo là Hội Mỹ thuật Việt Nam, giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Trường đại học Kiến trúc Việt Nam; thậm chí có lần đặt hàng tới 30 họa sĩ do Hội Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu…, nhưng vẫn chưa tìm được biểu tượng.

Tháng 3/2022, thành phố phát động cuộc thi lần thứ 6 ở 3 trung tâm mỹ thuật lớn của cả nước (tại Hải Phòng vào tháng 3/2022, tại Hà Nội vào tháng 4/2022 và tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 6/2022) với giá trị giải thưởng lên tới 500 triệu đồng cho giải nhất, cao nhất hiện nay. Lần này, Ban tổ chức mời nhiều chuyên gia hàng đầu cả nước tham gia Hội đồng nghệ thuật cuộc thi như: Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS Ngô Tuấn Phong, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng các họa sĩ thành danh trong lĩnh vực thiết kế đồ họa khác. Ban tổ chức nhận được gần 1 nghìn mẫu của các họa sĩ trong nước và quốc tế gửi về.

Người dân tìm hiểu, bỏ phiếu bình chọn các mẫu biểu tượng thành phố Hải Phòng. Ảnh: ĐỖ HIỀN.

Đến tháng 1/2023, 10 mẫu được Hội đồng Nghệ thuật cuộc thi chọn vào vòng chung kết và trưng bày tại Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh thành phố để xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân trong vòng 1 tháng. Tháng 6/2023, qua tổng hợp ý kiến nhân dân và góp ý bổ sung, chỉnh sửa của Hội đồng nghệ thuật cuộc thi, 5 mẫu được chọn vào vòng sau và tiếp tục xin ý kiến nhân dân. Theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao, Ban tổ chức cuộc thi xin ý kiến bằng phiếu về 5 mẫu biểu tượng mang mã số HPD 422, LQH 171, NKN 112, NTM 787, NXK 068, gửi đến 39 tổ chức, như: Các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố, Câu lạc bộ Bạch Đằng, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Hải Phòng, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng, Hội Nhà báo Hải Phòng, Hội Kiến trúc sư Hải Phòng, các Ủy viên Ban Chấp hành các đảng bộ trực thuộc Thành ủy, Ban liên lạc tướng lĩnh đã nghỉ hưu trên địa bàn thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể khác…

Gian nan tìm mẫu mang tính khái quát cao

Theo các chuyên gia, nhà khoa học gắn bó với Hải Phòng, việc chọn hình ảnh biểu tượng và thiết kế biểu trưng cho thành phố không dễ. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định: Khỏe mạnh, phóng khoáng, rất biển, Hải Phòng là một trong những thành phố lớn của vùng văn hóa Bắc bộ. Nhưng muốn xây dựng thương hiệu về mặt mỹ thuật, biểu tượng của thành phố, là thách thức, phải làm sao để lọc, lựa, đưa ra một biểu tượng chính xác nhất, đẹp nhất, mang tính Hải Phòng nhất.

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hải Phòng không chỉ ấn tượng về hoa phượng đỏ, không chỉ ấn tượng là một thành phố cảng biển lớn của đất nước, mà còn nhiều ấn tượng hết sức tốt đẹp, có chiều sâu về lịch sử, văn hóa. Vì vậy biểu tượng phải làm sao để tìm ra được một nét cô đọng nhất, khái quát nhất cho thành phố.

Còn với những họa sĩ, nhà thiết kế nổi tiếng khác, đều chung một nhận định, khó khăn lớn nhất là tìm ra hình tượng điển hình để làm sao tất cả người dân thành phố, ở mọi miền Tổ quốc và kiều bào ở nước ngoài khi nhìn thấy biểu tượng là nhận ra ngay Hải Phòng. Để lựa chọn biểu tượng cho thành phố Cảng “Trung dũng-Quyết thắng”, đô thị lớn thứ ba cả nước, cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của khu vực phía Bắc, đi vào thơ ca với tên gọi “thành phố Hoa Phượng đỏ”…, đặt ra vấn đề là chỉ sử dụng một đặc trưng nổi bật thôi, hay “gói ghém” tất cả những đặc trưng quan trọng trên vào một biểu tượng có thể thu bé lại chừng 2,5cm, để trở thành tấm huy hiệu đeo trên ngực. Ngoài yêu cầu về tính thẩm mỹ, sự kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc và hiện đại, còn phải rõ tính ứng dụng, thuận tiện cho việc in ấn, đắp nổi, dễ thể hiện trên các loại chất liệu, công trình kiến trúc…

Sau thời gian lấy phiếu xin ý kiến, Ban tổ chức thu về 1.154/1.255 phiếu, trong đó có 14 phiếu không lựa chọn, chiếm tỷ lệ 1,0%. Kết quả, mẫu NTM 787 đạt tỷ lệ lựa chọn 55%, mẫu NXK 068 đạt tỷ lệ lựa chọn 16%, mẫu HPD 422 đạt tỷ lệ lựa chọn 14%, mẫu NKN 112 đạt tỷ lệ lựa chọn 12% và mẫu LQH 171 đạt tỷ lệ lựa chọn 2%. Trong thời gian lấy phiếu ý kiến, Ban tổ chức nhận được thông tin phản ánh mẫu biểu tượng có dấu hiệu sao chép ý tưởng thiết kế. Ngày 26/8/2023, Sở Văn hoá và Thể thao nhận được đơn xin rút khỏi cuộc thi của tác giả mẫu HPD 422. Như vậy, chỉ còn lại 4 mẫu…

Ngày 4/1/2024, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, xét đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng giao Sở Văn hóa và Thể thao tạm thời chọn mẫu đạt tỷ lệ lựa chọn cao nhất NTM 787 và đề nghị tác giả điều chỉnh, bổ sung một số phiên bản khác, để xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân theo hình thức trực tuyến trên các phương tiện thông tin của thành phố; khẩn trương tổng hợp, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy theo quy định.

Bài và Ảnh: Hải Hậu

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Lựa chọn biểu tượng thành phố: Sẽ tiếp tục xin ý kiến nhân dân rộng rãi
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác