Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện một số công ty mời một số đối tượng như phụ nữ, cựu chiến binh đi tham quan miễn phí để “tri ân” khách hàng, nhưng thực chất để bán hàng giá cao, không rõ nguồn gốc.
Khi có nhu cầu tham quan, du lịch, người dân, đoàn thể nên chọn dịch vụ của doanh nghiệp có đầy đủ thông tin, điều kiện hoạt động. (Ảnh minh họa)
Bán hàng là chính, tham quan là phụ
Mới đây, ngày 28-8, hàng trăm chị em phường Anh Dũng (quận Dương Kinh) háo hức khi được Công ty TNHH Thương mại quốc tế Minh Trí (Công ty Minh Trí), ở phường Tân Mai, quận Cầu Giấy (Hà Nội) mời tham quan miễn phí hoàn toàn, từ di chuyển, đến một bữa cơm thiết đãi. Tuy nhiên, khi về, nhiều người không khỏi bức xúc. Bà Vũ Thị T, ở tổ dân phố Phú Hải cho biết: bà cũng như nhiều người khác ít khi có cơ hội được đi đâu, bất ngờ nhận được thông báo của công ty trên qua Hội Phụ nữ phường về tham quan miễn phí, háo hức đăng ký. Theo giấy mời, chị em được thăm thành phố Xanh thu nhỏ Ecopart (ở tỉnh Hưng Yên); chợ và làng cổ, lò Bàu Cổ Bát Tràng (Hà Nội), trải nghiệm công nghệ sản xuất gốm sứ của làng nghề và chương trình tri ân khách hàng. 5 giờ 30 phút ngày 28-8, chị em lên đường. Tuy nhiên, công ty đưa chị em vào thăm Thiền viện Sùng Phúc ở Thủ đô Hà Nội trước tiên, khiến nhiều người bối rối vì mặc đầm, váy, không hợp đến chỗ đền chùa. Khoảng 10 giờ, công ty đưa cả đoàn đến một cửa hàng gần Bát Tràng rồi đóng cửa lại để tổ chức bán sản phẩm. Mãi đến 13 giờ, khi có người phản ứng quyết liệt, mới có nhân viên mở cửa để mọi người đi ăn. 14 giờ 30 phút đoàn mới đến chợ Bát Tràng tham quan, nhưng chỉ được nửa giờ và không có ai giới thiệu. Như vậy, mọi người chỉ được tham quan mỗi chợ Bát Tràng theo kế hoạch.
Buổi tham quan tiếng là miễn phí, nhưng thực ra chị em phải trả phí khá đắt bằng việc mua hàng do công ty tổ chức bán. Người chi ít nhất cũng vài trăm nghìn, người chi nhiều nhất đến 6 triệu đồng để mua sản phẩm nồi áp suất, bếp hồng ngoại, đèn pin…, nhưng không biết chất lượng sản phẩm thế nào. Chị Nguyễn Thị T, cũng ở tổ dân phố Phú Hải cho biết: Tại buổi tri ân khách hàng, đại diện công ty thông báo buổi tham quan này do 15 công ty khác tài trợ với hơn 200 triệu đồng, trong đó 100 triệu đồng chi phí thuê xe, đãi cơm trưa khách hàng, còn hơn 100 triệu đồng là sản phẩm đồ da dụng để tri ân các chị em nội trợ. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, công ty tổ chức giới thiệu rất “mùi mẫn”. Lúc đầu, công ty tổ chức khuyến mại bán hàng khoảng 4 sản phẩm có giá trị tiền triệu, như nồi áp suất, bếp hồng ngoại theo kiểu tích kê, ai mua thì đăng ký và trả tiền trước. Sau khi nhận sản phẩm, người mua được công ty trả lại toàn bộ số tiền này. Cứ nghĩ là mua sản phẩm xong sẽ được công ty trả lại tiền như trên, nên nhiều người như bị “thôi miên”, tranh nhau mua hàng. Tuy nhiên, khi mua xong, mọi người không được trả lại tiền mà thay vào đó là trả bằng sản phẩm khuyến mại. Đơn cử, nồi áp suất điện giá 2,15 triệu đồng được khuyến mại bếp hồng ngoại có giá 1,999 triệu đồng. Các sản phẩm này không rõ nguồn gốc, như nồi áp suất chỉ ghi tên Công ty xuất nhập khẩu gia dụng Đông Á, giá trên thị trường rẻ hơn rất nhiều. Vỏ nồi mỏng dính, khi mang về nhà bị méo. Chị T gọi điện thoại đến nơi bảo hành sản phẩm, nhưng không được trả lời thỏa đáng.
Siết chặt quản lý
Về bức xúc của nhiều chị em chuyến tham quan miễn phí vừa qua, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ phường Anh Dũng Nguyễn Thị Huyên cho biết, từ trước đến nay, do kinh phí eo hẹp, Hội không có điều kiện và chưa bao giờ tổ chức buổi tham quan quy mô lớn cho hội viên. Vì vậy, khi Công ty Minh Trí mời chị em tham quan miễn phí, Hội Phụ nữ phường phối hợp tổ chức thực hiện ngay. Theo đó, ngày 28-8 vừa qua, 231 chị em trên địa bàn phường Anh Dũng được công ty bố trí 9 xe đưa đón. Tuy nhiên, Hội có sơ suất chưa tìm hiểu kỹ về giấy phép kinh doanh, lịch trình và yêu cầu Công ty Minh Trí cam kết tổ chức tham quan như kế hoạch thông báo. Thực tế, các giấy giới thiệu, chương trình tổ chức tham quan của Công ty Minh Trí gửi Hội Phụ nữ phường Anh Dũng khá sơ sài, chỉ có tên người được giới thiệu với số điện thoại, nhưng phần chứng minh thư để trống. Ngoài ra, công ty trên đến làm việc trực tiếp với Hội Phụ nữ phường Anh Dũng, không qua bất kỳ cơ quan chức năng nào của thành phố cũng như của quận Dương Kinh. Trước đó, các hội viên Hội Cựu chiến binh phường cũng được một công ty trên Hà Nội tổ chức tham quan miễn phí theo hình thức này.
Về biến tướng kiểu này của việc tham quan miễn phí, Chánh Thanh tra Sở Du lịch Phạm Văn Luân cho biết, thời gian gần đây, trên cả nước, xuất hiện một số công ty thực hiện chiêu trò kết hợp tham quan, du lịch miễn phí để bán hàng với người dân, chủ yếu là phụ nữ, người cao tuổi, trong đó có tại Hải Phòng. Họ bán các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá cao gấp nhiều lần hàng hóa thông thường. Tuy nhiên, một số đoàn thể cơ sở chưa hiểu hết bản chất, biến tướng của hoạt động này để cảnh báo người dân. Trong tháng 3-2018, thanh tra Sở phát hiện và xử lý một đơn vị lữ hành trên địa bàn thành phố phối hợp với một công ty ở Hà Nội tổ chức tham quan miễn phí cho nhiều cựu chiến binh ở các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang về di tích Tràng Kênh (huyện Thủy Nguyên) để tổ chức bán hàng.
Từ vụ việc vừa diễn ra ở phường Anh Dũng, thời gian tới, ngành Du lịch cũng như các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, đoàn thể khi có nhu cầu tham quan, du lịch nên lựa chọn sản phẩm, chương trình du lịch của các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, hoạt động kinh doanh có uy tín, có đầy đủ thông tin pháp nhân, điều kiện kinh doanh lữ hành theo quy định. Đồng thời, siết chặt quản lý hoạt động này để tránh phát sinh biến tướng như thời gian qua. Trường hợp phát hiện các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động du lịch có hành vi vi phạm quy định pháp luật, nên kịp thời thông tin với các cơ quan chức năng, các địa phương phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Có như vậy, mới tránh trường hợp bức xúc của người dân khi được tham quan miễn phí và giữ gìn môi trường du lịch lành mạnh.
Bùi Hương – Báo Hải Phòng 11/09/2018