Print Thứ Ba, 04/06/2024 12:00 Gốc

Hiện nhiều công ty bảo vệ trang bị đồng phục và công cụ hỗ trợ giống với lực lượng chức năng, khiến nhiều người bị nhầm lẫn. Nhiều bạn đọc băn khoăn đặt câu hỏi, những đối tượng nào thì được phép sử dụng công cụ hỗ trợ và công cụ hỗ trợ sẽ được sử dụng trong tình huống nào?.

​Nhân viên bảo vệ phải được trang bị đồng phục đúng quy định

Ngày 2.6, vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện 1 đoạn clip người đàn ông mặc quần áo gần giống với quần áo của lực lượng cảnh sát cơ động, cầm công cụ hỗ trợ (dùi cui điện) đe dọa một người dân.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Vũ Văn Toàn, Công ty Luật TNHH Tản Viên Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ là lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cũng như bảo vệ con người, tài sản, mục tiêu cho các hoạt động hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Phố Lê Duẩn (Hà Nội), nơi tập trung nhiều cửa hàng buôn bán quần áo, trang phục bảo vệ. Ảnh: Minh Hạnh.

Để đảm bảo thực hiện công việc và phân biệt các đối tượng làm nhiệm vụ khác thì người bảo vệ được trang bị trang phục và những công cụ hỗ trợ như sau:

Theo Điều 9 Thông tư 42/2017/TT-BCA trang phục bảo vệ như quần, áo, giầy, mũ, cầu vai, biển hiệu, phù hiệu ve áo, phù hiệu gắn trên mũ, biển hiệu của nhân viên dịch vụ bảo vệ.

Như vậy, nhân viên dịch vụ bảo vệ phải mặc đồng phục theo đúng quy định trên. Ngoài ra nếu làm việc tại các mục tiêu cần bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động còn có thể sử dụng thêm trang phục, thiết bị bảo hộ lao động.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều công ty dịch vụ bảo vệ trang bị đồng phục cho nhân viên bảo vệ không tuân theo quy định pháp luật về trang bị đồng phục cho nhân viên bảo vệ mà trang bị giống trang phục của lực lượng Cảnh sát Cơ động. Việc trang bị đồng phục như vậy là không đúng quy định ở trên.

Phải có giấy phép mới được phép sử dụng công cụ hỗ trợ

Theo Điểm p Khoản 3 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trong đó có quy định về việc không trang bị hoặc trang bị không đúng trang phục, biển hiệu cho nhân viên dịch vụ bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Theo đó, người thực hiện hành vi không trang bị hoặc trang bị không đúng trang phục, biển hiệu cho nhân viên dịch vụ bảo vệ theo quy định của pháp luật có thể bị phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Về công cụ hỗ trợ cho người bảo vệ, theo Khoản 3 Điều 9 Thông tư 17/2018/TT-BCA thì lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được xem xét trang bị loại công cụ hỗ trợ, bao gồm: Dùi cui điện; Dùi cui kim loại; Dùi cui cao su; Áo giáp, găng tay bắt dao.

Đối với lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại cơ quan nhà nước; mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội; trên tàu hỏa; ngân hàng; bệnh viện; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh vàng, đá… thì căn cứ tính chất, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ để xem xét trang bị loại công cụ hỗ trợ như súng bắn điện, súng bắn đạn nổ, cao su, hơi cay và đạn sử dụng cho các loại súng này theo quy định tại Điều 7 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.

Người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe; không đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải được đào tạo, huấn luyện, được cấp giấy chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Đồng thời, người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ phải sử dụng đúng mục đích, quy định. Khi mang theo công cụ hỗ trợ thì cần mang theo giấy chứng nhận và giấy phép sử dụng.

Do đó, chỉ có những trường hợp được sử dụng công cụ hỗ trợ để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định, hạn chế thiệt hại đối với người, tài sản và môi trường, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy hay bảo vệ người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ.

Trong trường hợp sử dụng công cụ hỗ trợ có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định của pháp luật thì sẽ bị xử phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo Điểm e Khoản 2 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Người đàn ông cầm công cụ hỗ trợ dọa người dân. Clip do bạn đọc cung cấp.

Ngoài ra, người nào sử dụng công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép (sử dụng trái phép) thì sẽ bị xử phạt xử phạt hành chính, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo Điểm h Khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Minh Hạnh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Loạn đồng phục bảo vệ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác