Print Thứ Sáu, 29/03/2024 09:45 Gốc

Việc loại bỏ nhựa sử dụng một lần không cần thiết và có rủi ro cao là bước đầu tiên hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn và công bằng hơn. Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về vấn đề này.

Cuộc chiến chống rác thải nhựa, rác thải dùng một lần vẫn là cuộc chiến cam go

Sau 5 năm kể từ khi phát động phong trào chống rác thải nhựa, đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”, đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định liên quan, các thông tư hướng dẫn, doanh nghiệp cũng tích cực triển khai việc giảm thiểu rác thải nhựa trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất.

Điều quan trọng, tôi thấy rằng nhận thức của cộng đồng trong việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa, nhựa dùng một lần đã nâng lên rõ rệt. Các bạn trẻ, thế hệ GenZ cũng ý thức được việc này, ít sử dụng túi nylon, thay bằng các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, cuộc chiến chống rác thải nhựa, rác thải dùng một lần vẫn là cuộc chiến cam go, lâu dài, không thể trong 1 năm, 2 năm giảm thiểu được ngay.

Luật Bảo vệ môi trường được ban hành năm 2020, các địa phương cần sớm ban hành các quy định liên quan đến việc phân loại rác tại nguồn, nhất là đối với rác thải sinh hoạt, rác thải hộ gia đình; thu gom rác thải tái chế đúng cách, đúng quy định.

Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phải hạn chế thấp nhất việc sử dụng các sản phẩm nylon và nhựa dùng một lần

Như ông vừa nói, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, sản phẩm nhựa dùng một lần, nhưng trong đời sống vẫn còn nhiều nơi sử dụng hộp xốp, cốc nhựa dùng một lần. Điều này, gây hệ lụy ra sao đến môi trường?

Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt/ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Điều đáng nói, chất thải nhựa không chỉ phát sinh nhiều, mà đa phần đều bị thải trực tiếp cùng các loại chất thải khác và không được phân loại.

Hiện nay, công nghệ xử lý rác thải cơ bản là chôn lấp (chiếm khoảng 70%), 15% là tái chế và 15% là đốt. Nếu rác thải nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa sử dụng một lần, hay túi nylon khó phân hủy vẫn được sử dụng tràn lan sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống và sức khỏe con người.

Việc “nói không với rác thải nhựa” sẽ hướng tới một Việt Nam năng động, xanh và phát triển bền vững như thế nào, thưa ông?

Việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Qua theo dõi, chúng tôi thấy rằng, các doanh nghiệp cũng dần chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh.

Sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường giúp giảm lượng lớn rác thải; giúp giảm lượng lớn năng lượng xấu đến môi trường cũng như giảm áp lực cho các hệ sinh thái khi phải gồng mình để phân hủy hàng tấn rác thải mỗi ngày.

Sản phẩm xanh và sạch là sản phẩm có lợi cho môi trường, hạn chế rác và chất thải ô nhiễm khác. Một sản phẩm được gọi là xanh sạch khi nó được tạo từ những chất liệu thân thiện với môi trường. Có thể tự phân hủy ở môi trường tự nhiên, sau khi không dùng nữa thì gọi là rác thải hữu cơ.

Tôi nghĩ không chỉ các doanh nghiệp mà cả hệ thống, cả xã hội cũng đang cố gắng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh như vậy. Có rất nhiều mô hình, điển hình tốt mà các doanh nghiệp và cộng đồng áp dụng. Chúng tôi hy vọng cộng đồng chung tay nỗ lực, cùng nhau hành động thì mới đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Để đạt được mục tiêu Net Zero, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng, doanh nghiệp phải chuyển đổi từ dây chuyền sản xuất, máy móc cho tới nguyên liệu đầu vào và công nghệ, kỹ thuật. Bên cạnh đó, ý thức, hành động của mỗi công dân cũng góp phần rất lớn vào việc có thực hiện được mục tiêu Net Zero hay không?

Tức là nếu như chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng những sản phẩm nhựa dùng một lần thì sẽ đi ngược lại xu hướng phát triển xanh và sẽ cản trở cam kết này đúng không, thưa ông?

Đúng như vậy, chúng ta phải hạn chế thấp nhất việc sử dụng các sản phẩm nylon khó phân hủy và nhựa dùng một lần và tăng cường, khuyến khích, hình thành thói quen việc sử dụng những sản phẩm xanh.

Đây là một trong những điểm sáng, khiến cho người tiêu dùng đang dần chuyển sang sử dụng những sản phẩm xanh sạch thay thế cho những sản phẩm thông thường.

Xin cảm ơn ông!

Cường Hà

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Loại bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác