Print Thứ năm, 11/04/2019 10:02

Với vị thế cửa ngõ lớn nhất miền Bắc trong giao lưu thương mại quốc tế, Hải Phòng luôn là xuất nguồn các loại hàng hóa cũng như dạng hình kinh doanh, trong đó phân khúc phương tiện giao thông hai bánh là một ví dụ điển hình. Và mới đây, khi những chiếc xe điện mang tên Vinfast chính thức ra nhập thị trường, một lần nữa điều này được khẳng định.

Hải Phòng từng là nguồn nhập khẩu lớn xe đạp bãi từ Nhật Bản

          Trải qua lịch sử hơn 130 năm, Hải Phòng luôn là trung tâm công nghiệp lớn, nhờ vậy nghề cơ khí chế tạo hàng gia dụng cũng được tích lũy bề dày theo thời gian. Từ thời xe máy vốn là mặt hàng quá xa xỉ, ô tô thì càng không dám đưa vào tầm mơ ước, xe đạp có thể nói là thống trị thị trường phương tiện cá nhân. Tiếc rằng thời kỳ bao cấp, Hải Phòng không được đầu tư lớn những nhà máy sản xuất xe đạp cỡ như Thống Nhất như Hà Nội, vì vậy thương hiệu “quốc doanh” không phải là thế mạnh.

          Nhưng ngược lại, với vị thế cửa ngõ, nơi sớm tiếp cận những thành quả của kinh tế đối ngoại, Hải Phòng vẫn là “ông lớn” trong việc áp đặt lối chơi xe đạp. Quả thật cách đây vài chục năm, khi nguồn nguyên liệu nhập khẩu còn quá khan hiếm và được kiểm soát chặt chẽ, thì người Hải Phòng đã cho ra thị trường những chiếc xe nhái mác “Peugeot” bánh cỡ 650 của Pháp khiến thiên hạ luôn thèm khát. Ông Vũ Duy L. – Chủ một cơ sở xe đạp cũ kể lại, để có được một chiếc xe khung dựng hoành tráng, lắp “bộ quay” của Đức hay Tiệp, vành bánh của Pháp, gia đình ông phải “lọ mọ” đi gom hàng từ các chuyến tàu viễn dương, do thủy thủ đem về. “Hồi ấy việc này bị cấm, làm phải kín đáo chứ không thoải mái nhập khẩu như bây giờ…” – Ông L bùi ngùi nhớ lại. Nhưng cũng nhờ vậy mà Hải Phòng trở thành thủ phủ của miền Bắc về sản xuất xe đạp “phi quốc doanh”, rất đa dạng về tiêu chuẩn, từ thấp cấp đến cao cấp.

Còn nói về thị trường, trong thời gian dài Hải Phòng tuy nhập nhiều các dòng xe của khối XHCN như “Con én” của Liên Xô, “Mifa” của Đông Đức, “Eska” của Tiệp Khắc… Kể cả thời kỳ biên mậu Việt – Trung tái thông thương, hàng hóa Liên Xô và Đông Âu được thay thế bởi sự bùng phát của hàng Trung Quốc… nhưng người Hải Phòng chỉ bán lại cho các địa phương khác, còn bản thân thì vẫn chọn lối đi riêng. Đầu tiên là những chiếc mi-ni “một dóng”, rồi đến mi-ni “hai dóng”, xe “con trâu nốc toàn phần” hay “cuốc Nhật” dành cho những bậc “quý tộc”, còn phân khúc bình dân đã có những chiếc xe nội kiểu mi-ni Hoa Phượng cung cấp… Thị trường thành phố cơ bản không bán các nhãn xe nội khác như  Thăng Long, Thống Nhất, Hoàn Kiếm hay Giải Phóng.

 Kiểu xe đạp “mi-ni 2 dóng”, niềm tự hào của Hải Phòng một thời

          Niềm tự hào lớn nhất có lẽ vẫn là những chiếc mi-ni Nhật đã qua sử dụng, theo chân thủy thủ viễn dương tuồn về.  Phải nói rằng, từ những bãi thải của Nhật Bản, dưới bàn tay khéo léo của đội ngũ thợ Hải Phòng, những chiếc xe đạp đủ thương hiệu như Bridgestone, Fuji, National… được phục chế. Cùng thời điểm này, một phân khúc cũng hoạt động rất tốt dành cho những chiếc xe đạp Nhật nhập nguyên chiếc, có điều giá đắt có loại tương đương gần nửa cây vàng. Cũng bởi thế, để giảm giá và tăng lợi nhuận, một số người Hải Phòng đã nghĩ ra chiêu trò móc nối với Việt Kiều tại Nhật, đặt những sản phẩm chất lượng kém hơn gửi về, lập lờ biến hóa thành “xe Nhật xịn đập hộp”. Khiến người tiêu dùng sau một thời gian chiêm nghiệm, không còn mặn mà với xe mới mà đổ dồn vào xe bãi.

          Nhưng ngặt nỗi nhu cầu sử dụng hàng bãi lớn, mà nhà nước lại hạn chế nhập dòng thải này, nên những người thợ đất Cảng nhanh chóng chuyển sang tự thiết kế, lắp đặt thiết bị, sản xuất phụ tùng để trộn lẫn với xe đạp bãi nhập lậu. Những sản phẩm tự chế chủ yếu là vành, tay lái, hộp xích, chắn bùn, khung, nan-hoa, yên, giỏ… “Made in Hải Phòng” lần lượt ra đời. Lòng tham không có đáy, khi đã làm chủ được công nghệ sản xuất phụ tùng, nhiều người lại chuyển sang đặt hàng nhái từ Trung Quốc những chi tiết trong nước không còn sản xuất như moay-ơ, xích líp, đùi đĩa, phanh… theo mẫu của Nhật, lắp ráp với hàng nội thành những sản phẩm “hồn Việt – xương Tàu – dung nhan Nhật”. Ông Nguyễn văn D. – một người chuyên sản xuất phụ tùng xe đạp bằng Inox, giờ đã “gác lái” tâm sự: “Phải thừa nhận rằng, thời gian này xe đạp Hải Phòng sản xuất có chất lượng khá cao, lấn gần hết sân của các thương hiệu nội khác”.

          Trên thực tế, hoạt động của các nhà sản xuất, kinh doanh xe đạp tại Hải Phòng thời điểm này bản chất là một dạng hình hợp tác xã kiểu mới, với sản lượng hàng nghìn sản phẩm hoàn chỉnh đưa ra thị trường mỗi ngày, phủ sóng thị phần cả nước. Nhiều thương hiệu xe đạp “Liên Doanh” xuất hiện và được khẳng định như Vĩnh Hòa, Việt Hoàng, Bình Minh, Minh Thanh, LMT… Những tưởng thành quả đó sẽ góp phần tạo ra một trang mới cho công nghiệp xe đạp Hải Phòng. Tiếc rằng, niềm hy vọng ấy đã không thành hiện thực, dù tốt hay xấu đều là tự phát ngoài luồng, nên khi hàng giá rẻ kém chất lượng phát triển ngày càng nhiều, đã làm nhụt chí niềm say mê của những người thợ tâm huyết. Vả lại thành phố cũng thiếu hẳn một “bà đỡ” cơ chế, có thể quy hoạch lại để xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho phân ngành này.

Trong khi đó cũng thời gian này, làn sóng đầu tư nước ngoài sôi động khắp thế giới, đặc biệt ở Trung Quốc có nhiều nhà máy sản xuất xe đạp các thương hiệu nổi tiếng Mỹ, Nhật Bản và châu Âu công nghệ chính xác hơn, với những sản phẩm chất lượng hơn, mẫu mã đa dạng hơn. Và giờ đây, hàng nhập từ Trung Quốc tái chiếm thị phần bằng các dòng xe đạp địa hình, thể thao, thì công nghiệp xe đạp Hải Phòng lại thêm một lần… khai tử.

                                                                                                    (còn nữa)

Lê Minh Thắng

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: “Lộ trình xe hai bánh” Hải Phòng (Kỳ 1): Thời xe đạp… xa xỉ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác